
Đại học Quốc gia TP.HCM đã ban hành quy định thí điểm như một giải pháp đột phá, nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ – Ảnh minh họa: AI
Với quy định mới này, Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện thí điểm chương trình đào tạo liên thông trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ từ ngày 1-9, và áp dụng cho các khóa tuyển sinh trình độ tiến sĩ từ thời điểm này trở về sau.
Quy định mới chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo
Chia sẻ về mục tiêu của việc ban hành quy định thí điểm đào tạo tiến sĩ mới này, PGS.TS Trần Cao Vinh – phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM – cho hay những năm qua công tác đào tạo tiến sĩ tại đại học này đã có nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục.
Trong đó thời gian để hoàn tất chương trình kéo dài thực tế từ 5-7 năm; cơ chế đào tạo chưa đủ linh hoạt để thu hút người học; quy trình đào tạo còn mang nặng tính hành chính.
Ngoài ra phần lớn nghiên cứu sinh phải vừa học vừa làm, ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu; đội ngũ giáo sư đầu ngành vẫn còn thiếu ở một số lĩnh vực; mức độ quốc tế hóa và gắn kết với nghiên cứu khoa học còn hạn chế.
Những bất cập này đang là rào cản trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Đại học Quốc gia TP.HCM.
“Từ việc nhìn nhận rõ những bất cập nội tại và tham khảo kinh nghiệm từ các đại học hàng đầu thế giới, Đại học Quốc gia TP.HCM ban hành quy định thí điểm như một giải pháp đột phá nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đồng thời xây dựng một hành lang pháp lý linh hoạt hơn. Quy định này chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo”, ông Vinh chia sẻ.
Hai phương thức đào tạo tiến sĩ mới
Theo quy định mới này, cơ sở đào tạo tổ chức thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ theo hai phương thức: phương thức nghiên cứu chuyên sâu toàn thời gian và phương thức xét kết hợp nghiên cứu khoa học và học các học phần của chương trình đào tạo. Người học được lựa chọn giữa hai phương thức này phù hợp thế mạnh và mục tiêu cá nhân.
Trong quá trình đào tạo, cơ sở đào tạo có thể chuyển đổi phương thức đào tạo cho nghiên cứu sinh còn thời gian đào tạo theo quy định và đáp ứng đủ các yêu cầu của phương thức chuyển sang.
Quy định cho phép người học có thể thực hiện lộ trình liên thông, học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ, phù hợp với mô hình fast-track Ph.D (chương trình đào tạo tiến sĩ liên thông, rút ngắn thời gian) phổ biến ở các đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới.
“Thực tế, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Singapore đã hợp tác, triển khai mô hình đào tạo tích hợp cử nhân – thạc sĩ – tiến sĩ (3+1+4), rút ngắn thời gian đào tạo còn 8 năm. Mô hình này không chỉ theo kịp xu thế quốc tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời những nghiên cứu sinh có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc sẽ được xét bảo vệ luận án trước thời hạn”, ông Vinh cho biết thêm.
Theo đó, tổng thời gian nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo ít nhất là 2 năm, tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo.
Miễn quy trình phản biện độc lập
Cũng theo quy định mới này, công bố khoa học được đánh giá linh hoạt hơn, phù hợp với đặc thù, chuẩn mực và thông lệ quốc tế của các ngành/nhóm ngành, đồng thời hạn chế việc áp dụng cùng một quy định cho tất cả các ngành/nhóm ngành.
Đặc biệt, quy định yêu cầu về công bố khoa học thí điểm đối với nghiên cứu sinh nhóm ngành máy tính – công nghệ thông tin và điện – điện tử – tự động hóa: Nghiên cứu sinh là tác giả chính của ít nhất 1 công bố trong danh mục Web of Science (WoS) hoặc Scopus, ngoài các yêu cầu cơ bản trong chương trình đào tạo tiến sĩ theo quy định.
Ngoài ra nếu nghiên cứu sinh là tác giả chính của ít nhất 3 báo cáo hội nghị khoa học, bài báo tạp chí khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus hoặc tương đương, trong đó có ít nhất 1 bài Q2 (hoặc hội nghị được xếp hạng B theo bảng xếp hạng uy tín) trở lên, có nội dung phù hợp với đề tài nghiên cứu và nội dung của luận án thì được cơ sở đào tạo xem xét miễn quy trình phản biện độc lập.
Chính sách học bổng và hỗ trợ học phí theo kiểu đại học hàng đầu thế giới
Nghiên cứu sinh tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ có thể nhận học bổng và hỗ trợ học phí từ nhiều nguồn: từ cơ sở đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM các đề tài – dự án, nguồn tài trợ xã hội và từ chính giảng viên hướng dẫn.
Đại học Quốc gia TP.HCM có chính sách hỗ trợ đối với nghiên cứu sinh và người hướng dẫn từ nguồn ngân sách nhà nước cấp (nếu có), từ các nguồn viện trợ, tài trợ hợp pháp.
Đối với các chương trình học bổng hoặc chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học từ ngân sách nhà nước, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ phối hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện để nghiên cứu sinh và người hướng dẫn tiếp cận, thụ hưởng các chương trình này.
Cơ sở đào tạo dựa trên cơ sở cân đối nguồn thu, nguồn tài trợ, hằng năm công bố chính sách học bổng, hỗ trợ học phí cho nghiên cứu sinh. Người hướng dẫn dành một phần kinh phí từ các đề tài, dự án để hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cho nghiên cứu sinh.
“Việc xây dựng chính sách này là cam kết mạnh mẽ của Đại học Quốc gia TP.HCM trong việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, giúp người học có kế hoạch, động lực và toàn tâm khi học tập và nghiên cứu. Mô hình này tương tự các đại học hàng đầu thế giới, nơi nghiên cứu sinh được hỗ trợ chủ yếu qua các dự án của giảng viên”, ông Vinh nhấn mạnh.