Cựu quan chức AFF: “Khó có chuyện Malaysia bị FIFA trừng phạt”

Cựu quan chức AFF: “Khó có chuyện Malaysia bị FIFA trừng phạt”

bởi

trong

Ông Dương Vũ Lâm có thời gian dài làm Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF). Ngoài ra, khi còn tại vị, ông Lâm còn nhiều lần làm Trưởng đoàn điều hành (tương đương với chức danh Trưởng Ban tổ chức) các giải bóng đá quốc tế.

Chính vì thế, ông Lâm hiểu rõ bóng đá Đông Nam Á, hiểu rõ các bước cần thiết để phát triển bóng đá trong khu vực. Theo vị cựu Phó Chủ tịch AFF và VFF, việc một số nền bóng đá ở Đông Nam Á hiện nay sử dụng ồ ạt cầu thủ nhập tịch chỉ giải quyết chuyện thành tích trước mắt.

Về lâu về dài, việc nhập tịch ồ ạt này có thể gây tác hại khôn lường đến hệ thống đào tạo trẻ ở nhiều nước. Một buổi chiều tháng 7, ông Dương Vũ Lâm trao đổi với phóng viên Dân trí.

Cựu quan chức AFF: “Khó có chuyện Malaysia bị FIFA trừng phạt”

Cầu thủ nhập tịch chỉ giúp đội tuyển Malaysia giải quyết chuyện thành tích trước mắt (Ảnh: Getty).

Indonesia và Malaysia nhập tịch cầu thủ để giải quyết thành tích

Ông đánh giá thế nào về chuyện hai đội bóng ở Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia giờ tràn ngập những cầu thủ nhập tịch, vì đâu mà họ hướng đến điều đó?

– Bất kỳ vấn đề nào cũng có hai mặt. Đầu tiên tôi bình luận về mặt thành công của Malaysia hay Indonesia trong chính sách nhập tịch của họ trước. Việc này thì không khó nhận ra, các đội bóng này gần như lột xác sau khi sử dụng dàn cầu thủ nhập tịch từ châu Âu và Nam Mỹ.

Đội tuyển Indonesia với những cầu thủ nhập tịch sinh ở Hà Lan, đã có vé dự vòng loại thứ 4 World Cup 2026 khu vực châu Á. Đây là thành tích mà nếu không có các cầu thủ nhập tịch, họ chắc chắn không làm được.

Còn đội tuyển Malaysia vừa đánh bại đội tuyển Việt Nam 4-0 tại vòng loại thứ 3 Asian Cup 2027. Với kết quả trên, họ gần như đã loại chúng ta ra khỏi sân chơi này. Đây là kết quả mà trước khi có các cầu thủ nhập tịch gốc Argentina, Brazil và Tây Ban Nha, đội tuyển Malaysia không thể làm được trước đội tuyển Việt Nam.

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề nhập tịch có thể xuất hiện với bóng đá Malaysia và Indonesia sau đây vài năm.

Thời gian gần đây, xuất hiện thông tin cầu thủ nhập tịch của đội tuyển Malaysia bị nghi ngờ về nguồn gốc và đội tuyển Malaysia có thể bị FIFA trừng phạt, liệu có khả năng này không, thưa ông?

– Tôi cho rằng khả năng nói trên rất khó để xảy ra. Những thông tin mà chúng ta biết đến trong thời gian gần đây chưa phải là thông tin chính thức, chưa có sự xác nhận của các Liên đoàn bóng đá cấp khu vực, châu lục hoặc thế giới.

Cựu quan chức AFF: “Khó có chuyện Malaysia bị FIFA trừng phạt” - 2

Khó có chuyện đội tuyển Malaysia bị xử thua đội tuyển Việt Nam, sau trận đấu hôm 10/6 (Ảnh: Getty).

Chúng ta cần biết rằng Malaysia là nơi đặt trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Những người làm ở khối văn phòng liên quan đến công tác bóng đá ở Malaysia có thể rành về quy trình và các thủ tục quốc tế, hơn hẳn các nhân viên ở một số nước khác.

Khó có chuyện họ làm sai các thủ tục, càng khó có chuyện FIFA cấp phép sai cho họ. Thế nên, mọi việc cho tới giờ này chỉ dừng ở mức thông tin, chứ FIFA hay AFC chưa hề có phán quyết chính thức nào về chuyện trừng phạt cầu thủ nhập tịch của Malaysia, hoặc thay đổi kết quả của trận Malaysia gặp đội tuyển Việt Nam hôm 10/6 vừa rồi.

Mặt trái của chuyện nhập tịch cầu thủ

Ở trên ông có nói đến mặt trái của vấn đề nhập tịch cầu thủ ồ ạt của bóng đá Malaysia và Indonesia sau đây nhiều năm. Vậy mặt trái của chuyện này là gì?

– Họ càng nhập tịch nhiều, cầu thủ trẻ của họ càng khó có cơ hội vươn lên đỉnh cao. Lý do là bởi suất thi đấu đỉnh cao ở cấp độ đội tuyển quốc gia Malaysia hay Indonesia đã có các cầu thủ nhập tịch chiếm lĩnh.

Thậm chí, bây giờ hai nền bóng đá này còn sử dụng cầu thủ nhập tịch ồ ạt ở cấp độ các đội trẻ U23, U20, tự nhiên sẽ dẫn đến việc sân chơi cho các cầu thủ bản địa, được đào tạo ở trong nước ngày một giảm dần.

Với các cầu thủ bản địa, họ theo đuổi việc tập luyện bóng đá, nhưng sân chơi của họ cứ bị co hẹp dần, cơ hội phát triển của họ cứ bị tước đi vì các cầu thủ nhập tịch, tự khắc những cầu thủ trẻ này chọn con đường khác. Họ sẽ chọn nghề khác để theo đuổi, thay vì tập luyện bóng đá. Thế thì còn đâu lực lượng kế cận.

Vậy thì bóng đá Việt Nam có nên theo đuổi chính sách nhập tịch cầu thủ giống như Indonesia và Malaysia không, thưa ông?

– Về vấn đề này, các anh làm công tác điều hành ở VFF hiện tại đã lên tiếng rồi. Chúng ta sẽ không theo đuổi việc nhập tịch ồ ạt giống các nền bóng đá nói trên. Bóng đá Việt Nam chỉ sử dụng những cầu thủ nhập tịch phù hợp, với số lượng có kiểm soát.

Cựu quan chức AFF: “Khó có chuyện Malaysia bị FIFA trừng phạt” - 3

Bóng đá Việt Nam sẽ theo đuổi con đường đào tạo trẻ (Ảnh: Nam Anh).

Ngoài ra, con đường đi của chúng ta sẽ là phát triển hệ thống đào tạo trẻ, phát triển từ nền tảng của giải quốc nội, phát triển nền bóng đá bằng nội lực. Tôi cho rằng đây là quan điểm đúng đắn của những người quản lý bóng đá Việt Nam hiện nay.

Nếu chúng ta theo đuổi cách nhập tịch như Indonesia và Malaysia, ngoài chuyện có nguy cơ gây tác hại lớn về lâu dài liên quan đến chuyên môn, còn kéo theo những hệ lụy khôn lường về mặt tài chính. Chúng ta sẽ tốn rất nhiều tiền để theo đuổi chính sách nhập tịch như họ đang làm.

Tác hại khôn lường về mặt tài chính và tác hại cho tương lai

Ông có thể nói rõ hơn về những thiệt hại lớn về tài chính trong chuyện nhập tịch cầu thủ?

– Hãy để ý kỹ, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) là tỷ phú Erick Thohir, Cựu chủ tịch CLB Inter Milan (Italy). Còn người hậu thuẫn cho chính sách nhập tịch cầu thủ Malaysia là ông Tunku Ismail Ibrahim. Ông này là một thân vương ở Malaysia và từng đàm phán để mua CLB Valencia (Tây Ban Nha).

Có nghĩa là cả hai nhân vật nói trên giống nhau ở điểm có rất nhiều tiền và có mối quan hệ lớn khủng khiếp trong giới bóng đá toàn cầu. Thậm chí, họ còn sở hữu trong tay đội ngũ tuyển trạch viên, nhóm các chuyên viên chuyên săn lùng cầu thủ rất giỏi việc, trên khắp thế giới.

Nhờ đó, họ có thể phát hiện ra những cầu thủ phù hợp, có nguồn gốc Malaysia hay Indonesia để nhập tịch. Đồng thời, ngay sau khi phát hiện ra những cầu thủ phù hợp, họ có thể đáp ứng ngay lập tức yêu cầu về tài chính để các cầu thủ nói trên đồng ý khoác áo các đội Indonesia và Malaysia.

Thành ra, bóng đá Việt Nam vào lúc này muốn làm điều tương tự cũng khó thực hiện. Thứ nhất là chúng ta thiếu đội ngũ tuyển trạch viên, thứ nhì là chúng ta không có nhiều tiền đến mức đó. Vả lại, như tôi đã nói, chi tiền theo kiểu của các tỷ phú Indonesia và Malaysia cũng có mặt trái rất nguy hiểm.

Một ngày nào đó, họ không còn ngồi ở ghế lãnh đạo các nền bóng đá Indonesia và Malaysia, vì không còn được tín nhiệm, vì tuổi tác hay đơn giản vì họ hết tâm huyết, các đội tuyển Indonesia và Malaysia sẽ như thế nào? Cầu thủ nhập tịch sẽ không còn đến vì không còn người chi tiền, trong khi cầu thủ nội địa không có lớp kế cận, tương lai của nền bóng đá sẽ đi về đâu.

Cựu quan chức AFF: “Khó có chuyện Malaysia bị FIFA trừng phạt” - 4

VFF có quan điểm đúng đắn khi không đuổi theo chuyện nhập tịch bằng mọi giá, chúng ta có con đường đi khác với bóng đá Indonesia và Malaysia (Ảnh: VFF).

Có ví dụ nào về các nền bóng đá phát triển nguồn cầu thủ do chính mình đào tạo và những nền bóng đá dựa vào cầu thủ nhập tịch không?

– Bóng đá Nhật Bản và bóng đá Trung Quốc là sự khác biệt rõ rệt nhất. Nhật Bản đi theo con đường của các nền bóng đá hàng đầu thế giới như Đức và Tây Ban Nha, họ đào tạo cầu thủ trẻ, miệt mài từ năm này qua năm khác, từ thập kỷ này qua thập kỷ khác. Giờ đây, từ một nền bóng đá kém phát triển ở vài thập kỷ trước, Nhật Bản mạnh nhất châu Á.

Bóng đá Nhật Bản giờ có phong cách riêng, có vị trí ổn định trên bình diện thế giới. Họ cũng không còn quan tâm đến các đối thủ phát triển bằng con đường gì. Họ chỉ thi đấu theo phong cách của họ, đi theo con đường riêng của họ, là đủ sức đánh bại rất nhiều đối thủ.

Điều quan trọng là người Nhật Bản có sự kiên trì, có định hướng đúng, có phương pháp khoa học. Họ phát triển bóng đá có căn cơ chứ không làm vì thương hiệu nhất thời. Gần đây, Uzbekistan cũng đi theo con đường của Nhật Bản và bước đầu có thành công, với tấm vé lịch sử dự World Cup 2026.

Còn về thất bại của bóng đá Trung Quốc thì sao?

– Ngược với bóng đá Nhật Bản, bóng đá Trung Quốc theo đuổi con đường nhập tịch cầu thủ gốc Brazil, giờ thất bại thảm hại. Nền bóng đá này ngày một suy yếu.

Nói thật, nếu chỉ đề cập đến chuyện nhiều tiền, chắc chắn không có nhiều nền bóng đá trên khắp thế giới nhiều tiền như bóng đá Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi đó, họ vẫn không tìm thấy lối ra liên quan đến chính sách nhập tịch của họ.

Một khi đã đổ tiền cho việc nhập tịch, phải đổ liên tục không có điểm dừng, càng ngày càng nhiều, quá lãng phí và lại mờ mịt đích đến. Để rồi, cũng sau vài thập kỷ, bóng đá Trung Quốc chào thua. Tôi sợ rằng các nền bóng đá đang theo đuổi chuyện nhập tịch ồ ạt như Malaysia và Indonesia sẽ đi vào vết xe đổ của bóng đá Trung Quốc trước đây!

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!