Giá USD tăng 3,2%
Ngày 4.7, giá USD tại các ngân hàng (NH) thương mại tăng lên mức cao lịch sử khi đạt 26.371 đồng. Hầu hết nhà băng tăng giá USD thêm 26 đồng, Vietinbank mua vào lên 26.011 đồng, bán ra 26.371 đồng; ACB mua vào 26.010 – 26.040 đồng, bán ra 26.371 đồng; Vietcombank mua vào 25.980 – 26.010 đồng, bán ra 26.370 đồng… Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay nhưng mốc này không duy trì được lâu bởi sau đó đã giảm xuống 20 đồng. So với đầu năm, các NH đã tăng giá USD 820 đồng, tương ứng tăng 3,2%. Mức tăng này tương ứng sự điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với tỷ giá trung tâm, tăng 780 đồng so với cuối năm ngoái, lên 25.116 đồng/USD vào ngày 4.7.
So với cuối tháng 6, lãi suất trên thị trường liên NH hiện giảm mạnh 0,4 – 2,64%/năm gây áp lực lên tỷ giá. Cụ thể, lãi suất liên NH ngày 2.7 ở kỳ hạn qua đêm giảm từ 6,45% xuống còn 3,81%; 1 tuần từ 6,53% xuống 4,01%; 2 tuần từ 5,62% xuống 4,09%; 1 tháng từ 5,18% xuống còn 4,67%… Điều này dẫn đến lãi suất tiền đồng trên thị trường liên NH từ mức cao hơn lãi suất USD đảo chiều xuống mức thấp hơn từ 0,2 – 0,5%/năm ở các kỳ hạn.

Ngân hàng tăng giá ngoại tệ lên mức cao nhất trong ngày 4.7
Ảnh: Ngọc Thắng
Theo Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiền đồng thường có áp lực mất giá trong chu kỳ USD tăng giá, ổn định hoặc tăng giá nhẹ trong chu kỳ giảm giá của USD. Trong năm 2025, mặc dù chỉ số USD-Index giảm nhưng tiền đồng vẫn chịu áp lực mất giá trong biên độ kiểm soát của NHNN. Thực tế, tiền đồng đã mất giá đáng kể so với xu hướng giảm giá của USD từ nửa cuối năm 2022 trở lại đây. Mặc dù USD mạnh tác động tiêu cực đến lạm phát, áp lực trả nợ ngoại tệ và dòng vốn đầu tư của VN nhưng VDSC nhận định, các rủi ro lạm phát hay áp lực trả nợ ngoại tệ đang được kiểm soát khá tốt trong các năm trở lại đây.
Trái lại, áp lực rút vốn ròng của nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng lên. Dữ liệu cho thấy trong những giai đoạn tiền đồng mất giá mạnh và thiếu sự chuẩn bị về mặt tâm lý sẽ dẫn đến tác động tiêu cực đến chỉ số VN-Index (như năm 2011 và 2022), trong khi tiền đồng tăng/giảm trong biên độ hẹp hoặc được dự báo trước thường là yếu tố tích cực đối với VN-Index. Doanh thu ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 6 – 7% tổng doanh thu của VN-Index, chỉ có khoảng 52/318 doanh nghiệp thuộc chỉ số VN-Index có rủi ro liên quan đến tỷ giá thường xuyên và đáng kể. Điều này cho thấy tỷ giá ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô nhiều hơn ở khía cạnh cơ bản và tác động đến thị trường chứng khoán nhiều hơn ở khía cạnh tâm lý.

Giá vàng nhẫn mua vào thấp hơn bán ra từ 2,5 – 3 triệu đồng/lượng
Ảnh: Ngọc Thắng
Vàng trong nước đắt hơn thế giới từ 10 – 15 triệu đồng/lượng
Trên thị trường thế giới, giá USD tiếp tục giảm so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-Index giảm 0,2 điểm, xuống còn 96,61 điểm. Yếu tố này đã hỗ trợ vàng tăng giá trở lại từ đầu tháng 7 đến nay. Ngày 4.7, giá vàng thế giới ở mức 3.342 USD/ounce, tăng 42 USD/ounce, tương đương 1,3%. Trong nước, từ mức cao 121,3 triệu đồng mỗi lượng ở chiều bán ra, Công ty SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu… đã giảm 400.000 đồng mỗi lượng vàng miếng SJC trong ngày 4.7, xuống 120,9 triệu đồng, mua vào ở mức 118,9 triệu đồng. Công ty Phú Quý mua vào 118,2 triệu đồng, bán ra 120,9 triệu đồng…
Tương tự, giá vàng nhẫn 4 số 9 của các công ty kinh doanh từ 200.000 – 500.000 đồng mỗi lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 115,7 triệu đồng, bán ra 118,7 triệu đồng. Công ty Phú Quý mua vào 114,3 triệu đồng, bán ra 117,3 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 115,5 triệu đồng, bán ra 117,5 triệu đồng. Công ty SJC mua vào 114,3 triệu đồng, bán ra 116,2 – 116,9 triệu đồng… So với đầu tháng 7, mức tăng giá của vàng miếng SJC là 600.000 đồng/lượng, còn vàng nhẫn là 300.000 – 500.000 đồng/lượng. Tốc độ tăng giá của vàng trong nước chậm hơn thế giới, dẫn đến vàng trong nước rút ngắn mức đắt đỏ so với thế giới. Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 14,7 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 10,8 triệu đồng/lượng.
Không khí giao dịch trên thị trường vàng trong nước khá ảm đạm bất chấp giá thế giới tăng giảm liên tục. Mức độ rủi ro khi mua vàng nhẫn cũng cao hơn so với vàng miếng. Người mua vàng nhẫn lỗ ngay từ 2,5 – 3 triệu đồng/lượng, còn vàng miếng là lỗ ngay 2 triệu đồng/lượng. Các công ty kinh doanh đưa ra chênh lệch giữa giá mua và bán vàng ở mức cao cho thấy các đơn vị cũng sợ rủi ro. Ông Nguyễn Ngọc Trọng – Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, cho biết thị trường vàng hiện nay giao dịch không mấy sôi động. Các công ty niêm yết giá vàng nhẫn nhưng nhiều khi không có hàng để bán cho khách. Bởi sau kết luận thanh tra về vi phạm tại các đơn vị lớn trên thị trường vàng, giờ đây các công ty chỉ mua từ nguồn nguyên liệu có hóa đơn, còn nếu không thì họ cũng “đứng hình” không dám mua.
“Với mức giá hiện nay thì người mua không dám mua, người bán không dám bán. Bởi những người mua vàng ở mức cao gần đây từ 120 – 124 triệu đồng/lượng, nếu có bán thì lỗ. Còn người có tiền muốn mua thì sợ giá lại giảm”, ông Trọng nhận định. Theo ông Trọng, trong những ngày qua, giá vàng thế giới tăng, cùng với đó là giá USD trong nước cũng tăng nhưng giá trong nước chỉ tăng vài trăm ngàn, không theo kịp thế giới. Dù vậy, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho rằng không nên mua vàng thời điểm này vì hiện nay biên độ giá trong nước cao hơn thế giới từ 10 – 15 triệu đồng/lượng (tương đương đắt hơn từ 8,5 – 12,4%), trong trường hợp NHNN có can thiệp thị trường thì giá sẽ đi xuống.
Giá các ngoại tệ khác tăng mạnh
So với đầu tuần, giá các ngoại tệ khác trong ngân hàng tăng mạnh. Tại Vietcombank, giá EUR tăng 230 đồng, lên 30.036 – 30.340 đồng chiều mua vào, bán ra 31.651 đồng; CHF tăng 250 đồng, mua vào 32.180 – 32.505 đồng, bán ra 33.546 đồng; CAD tăng 180 đồng, mua vào lên 18.795 – 18.985 đồng, bán ra 19.593 đồng…