Quê hương ông Zelensky lần đầu bị tập kích bằng bom lượn

Quê hương ông Zelensky lần đầu bị tập kích bằng bom lượn

bởi

trong

Thành phố Kryvyi Rih, quê hương của Tổng thống Zelensky, dường như hứng đòn tập kích bằng bom lượn, cho thấy lỗ hổng trong lưới phòng không Ukraine.

Bộ tư lệnh không quân Ukraine sáng 4/7 phát hiện chiến đấu cơ Nga phóng một quả đạn từ vùng trời tỉnh Zaporizhzhia nhằm vào thành phố Kryvyi Rih thuộc tỉnh Dnipropetrovsk. Vụ nổ lớn xảy ra sau đó làm rung chuyển thành phố, đồng thời gây ra đám cháy lớn tại hiện trường.

“Vật thể đã bay 100 km và đánh trúng Kryvyi Rih. Giới chức sẽ xác định đây là loại vũ khí gì sau khi kiểm tra các mảnh vỡ tại hiện trường”, cơ quan này cho hay.

Quê hương ông Zelensky lần đầu bị tập kích bằng bom lượn

Đòn đánh được cho là bằng bom lượn của Nga vào thành phố Kryvyi Rih hôm 4/7. Video: X/wartranslated

Truyền thông Nga cho biết đây là lần đầu tiên bom lượn UMPK tập kích Kryvyi Rih kể từ đầu xung đột. Trong khi đó, truyền thông Ukraine và các tài khoản mạng xã hội ủng hộ Kiev nêu khả năng đây là Grom-E1, vũ khí kết giữa hợp giữa tên lửa và bom lượn.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.

Kryvyi Rih nằm cách khu vực Nga kiểm soát hơn 70 km, là quê hương của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Quân đội Nga từng nhiều lần tập kích Kryvyi Rih bằng máy bay không người lái (UAV) tầm xa và tên lửa đạn đạo Iskander-M, vì đây được cho là một trong những điểm tập kết của “lính đánh thuê và huấn luyện viên phương Tây” tham chiến tại Ukraine.

Trang tin quân sự Topwar cho biết không quân Nga trước đây thường chỉ dùng bom lượn để tập kích mục tiêu gần tiền tuyến, do Ukraine sở hữu lưới phòng không dày đặc với nòng cốt là tổ hợp Patriot do Mỹ viện trợ.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi một số tổ hợp Patriot bị Nga phá hủy và nguồn cung tên lửa của Ukraine dần cạn kiệt. Phần lớn lá chắn Patriot đã được điều chuyển để bảo vệ thủ đô Kiev và các hạ tầng quan trọng khác. Điều này tạo điều kiện để lực lượng Nga có nhiều không gian tác chiến hơn.





Vị trí Kryvyi Rih. Đồ họa: RYV

Vị trí Kryvyi Rih. Đồ họa: RYV

Nga gần đây cũng triển khai bom lượn tăng tầm UMPK-PD có tầm bay tới 95 km, xa hơn 57% so với mức 60 km của bản gốc.

“Không quân Nga đã tìm ra lỗ hổng trong lưới phòng thủ Ukraine và sẽ tiến hành các cuộc tập kích như vậy thường xuyên hơn. Đòn đánh vào Kryvyi Rih cho thấy phạm vi tấn công bằng bom lượn đang mở rộng”, Topwar cho hay.

UMPK gồm thiết bị định vị vệ tinh GLONASS và hệ thống điều khiển để tăng đáng kể độ chính xác, kèm theo cánh nâng cho phép bom bay xa hơn nguyên bản. Đây là phương án tương tự dòng JDAM-ER của Mỹ, giúp biến bom thông thường thành bom thông minh, thay vì phải sản xuất những quả bom dẫn đường chuyên biệt có chi phí cao.

Thay vì rơi tự do như bom thông thường, bom dẫn đường gắn bộ UMPK có thể bay xa hàng chục km và chuyển hướng trong khi bay nhờ bộ cánh nâng. Điều này cho phép chiến đấu cơ Nga thả bom từ ngoài tầm bắn của phần lớn hệ thống phòng không Ukraine.

Nga đã trang bị UMPK cho các dòng bom có khối lượng 250-3.000 kg. Giới chuyên gia đánh giá bom UMPK giúp không quân chiến thuật của Nga tác chiến hiệu quả hơn, thay vì vai trò rất hạn chế trong giai đoạn đầu xung đột. Đây cũng là một trong những vũ khí mà không quân Ukraine từng thừa nhận là “không thể đánh chặn”.





Bom FAB-500T gắn bộ UMPK nâng cấp trong ảnh đăng năm 2024. Ảnh: X/JohnH105

Bom FAB-500T gắn bộ UMPK nâng cấp trong ảnh đăng năm 2024. Ảnh: X/JohnH105

Grom là vũ khí đối đất được Tập đoàn tên lửa chiến thuật Nga (KTRV) phát triển dựa trên mẫu Kh-38M, bổ sung cánh nâng gấp gọn dưới thân và điều chỉnh một số chi tiết trong thiết kế.

Biến thể Grom-E1 là tên lửa dẫn đường phóng từ máy bay, có chiều dài 4,2 m, đường kính 0,3 m và sải cánh 2,1 m, nặng 600 kg. Quả đạn trang bị đầu nổ mảnh nặng hơn 300 kg và ngòi nổ chạm. Tên lửa được lắp tầng đẩy sơ tốc và động cơ nhiên liệu rắn, đạt tầm bay 100-120 km tùy độ cao và tốc độ của phi cơ.

Phiên bản Grom-E2 sử dụng thiết kế thân bom dẫn đường KAB-500OD, loại bỏ động cơ để tăng lượng thuốc nổ mang theo. Tính năng này biến nó thành bom lượn và mang được đầu nổ nặng 450 kg, nhưng tầm bay giảm đáng kể so với mẫu Grom-E1 có động cơ.

Phạm Giang (Theo RBC Ukraine, Topwar, Euromaidan Press)