Giám đốc, phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM sau sáp nhập

Giám đốc, phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM sau sáp nhập

bởi

trong

Theo quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Sở Tài chính của Chủ tịch UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM là ông Nguyễn Công Vinh.

Ông Nguyễn Công Vinh sinh năm 1972, là cán bộ đi lên từ cơ sở, trình độ chuyên môn là cử nhân Luật, trình độ lý luận chính trị cao cấp. 

Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, ông Vinh từng giữ các chức vụ: Chủ tịch UBND huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ).

Sở Tài chính TP.HCM có 18 phó giám đốc gồm: ông Nguyễn Ngọc Thảo, bà Trần Mai Phương, ông Đinh Khắc Huy, ông Quách Ngọc Tuấn, ông Đỗ Đăng Ái, ông Nguyễn Thanh Toàn, bà Lê Thị Thanh Thúy, ông Ngô Hoàng Minh, ông Lê Thanh Toàn, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, ông Lai Xuân Đạt, ông Nguyễn Thanh An, ông Hoàng Vũ Thảnh, ông Mai Bá Trước, ông Nguyễn Thành Trung, bà Nguyễn Thị Minh Vân, ông Trương Tấn Vũ, ông Tạ Thành Nhân.

Giám đốc, phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM sau sáp nhập

18 Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM nhận quyết định bổ nhiệm

ẢNH: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TP.HCM

Sở Tài chính TP.HCM là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, thực hiện tham mưu giúp UBND quản lý nhà nước về: tài chính; ngân sách nhà nước; quy hoạch thành phố; kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội; đầu tư công; cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, thu hút nguồn lực đầu tư, cơ cấu lại kinh tế, phát triển mô hình kinh tế mới, phương thức kinh doanh mới, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển liên kết vùng, hợp tác với các địa phương.

Sở Tài chính TP.HCM còn là cơ quan chuyên môn thực hiện tham mưu giúp UBND quản lý nhà nước về đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và hợp tác công – tư ở thành phố; quản lý nợ chính quyền địa phương; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và các nguồn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước.

Sở Tài chính TP.HCM cũng là cơ quan chuyên môn thực hiện tham mưu giúp UBND quản lý nhà nước về đấu thầu; đăng ký kinh doanh trong phạm vi thành phố; tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp nhà nước; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân; tài sản công; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; kế toán; kiểm toán độc lập; lĩnh vực giá và các hoạt động dịch vụ tài chính tại thành phố và tổ chức cung ứng các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở theo quy định của pháp luật.

Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ của Sở Tài chính TP.HCM

  • Trụ sở chính: 32 Lê Thánh Tôn, phường Sài Gòn (quận 1 cũ), TP.HCM. Trụ sở này là nơi giao nhận các văn bản, thư từ, trao đổi thông tin, liên hệ công tác của cơ quan, tổ chức, cá nhân; các công tác liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính (trừ thủ tục đăng ký doanh nghiệp).
  • Trụ sở 2: 142 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Xuân Hòa (quận 3 cũ), TP.HCM.
  • Trụ sở 3: 90G Trần Quốc Toản, phường Xuân Hòa, TP.HCM. Trụ sở này là nơi thực hiện các công tác liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính đăng ký doanh nghiệp.
  • Trụ sở 4: 123 Trần Quốc Thảo, phường Xuân Hòa, TP.HCM.
  • Hồ sơ trực tuyến nộp tại cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn.

Sở Tài chính TP.HCM tiếp nhận các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý gồm: hoàn trả hoặc khấu trừ tiền sử dụng đất đã nộp hoặc tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả vào nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (quản lý công sản); đăng ký mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch quản lý, khai thác nhà đất; tiếp nhận vào làm công chức; tiếp công dân tại cấp tỉnh; xử lý đơn tại cấp tỉnh; giải quyết tố cáo tại cấp tỉnh; giải quyết khiếu nại lần đầu; giải quyết khiếu nại lần hai; kê khai tài sản, thu nhập; tiếp nhận yêu cầu giải trình; thực hiện việc giải trình; giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; phục hồi danh dự.