
* Khi nào thực hiện đối thoại giữa chính quyền địa phương cấp xã với nhân dân?
– Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, ít nhất mỗi năm một lần hoặc khi có ít nhất 10% tổng số cử tri của cấp xã yêu cầu hoặc trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương cấp xã tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân.
Việc này tổ chức thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc thông qua mạng xã hội để trao đổi về tình hình hoạt động của chính quyền địa phương và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương.
Trường hợp tổ chức hình thức trực tiếp nếu quy mô đơn vị hành chính cấp xã quá lớn, có thể tổ chức trao đổi, đối thoại với nhân dân theo từng cụm thôn, tổ dân phố.
UBND cấp xã chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, cùng đại diện thường trực HĐND cùng cấp chủ trì hội nghị đối thoại.
Nội dung kết quả hội nghị đối thoại với nhân dân phải được UBND thông báo đến nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở của chính quyền địa phương cấp xã và gửi đến trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày tổ chức hội nghị.
* HĐND cấp xã phường và cấp tỉnh mới được bầu chọn như thế nào?
– Tổ chức chính quyền địa phương khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp được thực hiện theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cụ thể, trường hợp nhiều đơn vị hành chính nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì đại biểu HĐND của các đơn vị hành chính cũ được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.
Kỳ họp đầu tiên của HĐND ở đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi nhập do một triệu tập viên được thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định trong số đại biểu HĐND của đơn vị hành chính cấp xã mới.
Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thì triệu tập viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi HĐND bầu ra chủ tịch HĐND của đơn vị hành chính mới.
HĐND của đơn vị hành chính mới sau khi nhập bầu các chức danh của HĐND, UBND và hoạt động cho đến khi HĐND khóa mới được bầu ra.
* Việc thu, chi tiền thi hành án tại TP.HCM được thực hiện bằng hình thức nào?
– Việc thu tiền thi hành án do Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM hoặc các phòng THADS khu vực thực hiện bằng biên lai điện tử. Việc chi tiền thi hành án do THADS TP.HCM thực hiện bằng hình thức chuyển khoản.
Kể từ ngày 1-7, THADS TP.HCM có hai tài khoản thu tiền thi hành án là: tài khoản số 3949.0.1055245.00000 mở tại Kho bạc Nhà nước Khu vực 2; và tài khoản số 1234567575 mở tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
Trường hợp không thực hiện được hình thức chuyển khoản, đương sự có thể lựa chọn qua đường bưu điện hoặc tiền mặt. Lưu ý: THADS TP.HCM chỉ thực hiện chi tiền mặt tại trụ sở đơn vị (địa chỉ: số 372A Nguyễn Văn Lượng, phường An Hội Đông, TP.HCM).