Cúm, viêm phổi do phế cầu và zona thần kinh có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tiêm vaccine giúp phòng các tác nhân này và giảm nguy cơ biến chứng.
Bác sĩ Hà Mạnh Cường, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, dẫn tới thiếu máu nuôi tim. Đây là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao và xu hướng trẻ hóa.
Các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim gồm di truyền hoặc có bệnh lý nền tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… Bên cạnh đó, cúm, viêm phổi do phế cầu hay zona thần kinh cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Trong đó, cúm và phế cầu khuẩn là hai tác nhân gây bệnh lây qua đường hô hấp thường gặp, với biến chứng phổ biến là viêm phổi. Vi khuẩn phế cầu có thể xâm nhập khi mắc cúm, gây bội nhiễm và xâm lấn các cơ quan, dẫn tới rối loạn quá trình đông máu, kích thích giải phóng các phân tử gây viêm. Đồng thời, mảng xơ vữa ở mạch máu có thể nứt ra, gây tắc nghẽn động mạch vành, dẫn tới nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim có tỷ lệ tử vong cao và xu hướng ngày càng trẻ hóa. Ảnh minh họa: Vecteezy
Nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ năm 2016, cho thấy, 206 trong tổng số 591 bệnh nhân nhập viện do viêm phổi cộng đồng gặp các biến cố tim mạch cho đến 10 năm sau. Trong đó, 50,5% trường hợp bị nhồi máu cơ tim. Kết quả nghiên cứu năm 2024 của các chuyên gia Hà Lan, dựa trên hồ sơ của hơn 23.400 bệnh nhân nhập viện do nhiễm cúm nặng từ 2008 đến 2019, cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần trong tuần đầu tiên mắc cúm.
Với người mắc zona thần kinh, có nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm virus Varicella làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và biến cố tim mạch. Virus này gây ra tổn thương nội mạch, hình thành cục máu đông dẫn đến tắc nghẽn các mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ não và nhồi máu cơ tim. Tình trạng sốt, nhiễm trùng khi mắc zona thần kinh cũng làm tăng nhịp tim, giảm tưới máu động mạch vành có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ.
Do đó, việc phòng ngừa các tác nhân gây bệnh, cũng gián tiếp giảm tình trạng nhồi máu cơ tim. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ dẫn nguồn một nghiên cứu đã công bố năm 2023, chỉ ra tiêm ngừa vaccine cúm giúp giảm 26% nguy cơ nhồi máu cơ tim và giảm 33% số ca tử vong liên quan đến bệnh tim mạch. Còn các nhà khoa học Australia ước tính tiêm vaccine cúm giúp ngăn ngừa 15-45% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Đối với phế cầu khuẩn, bài viết của Charalambos V VLachopoulos và các cộng sự đăng tải trên Oxford Academic năm 2020, cho biết những người được tiêm ngừa vaccine phế cầu giảm hơn 14% nguy cơ mắc các biến cố tim mạch, giảm 8% nguy cơ tử vong so với người chưa tiêm chủng.

Khách hàng khám sàng lọc trước khi tiêm ngừa cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Hoàng Dương
Người dân nên chủng ngừa cúm mỗi năm một lần. hiện hành giúp phòng các chủng virus phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Vaccine phế cầu có bốn loại gồm: phế cầu 10, phế cầu 13, phế cầu 15, phế cầu 20 và phế cầu 23. Tùy độ tuổi và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ tư vấn loại vaccine phù hợp.
Còn virus Varicella có thể gây ra bệnh thủy đậu và zona thần kinh. Người dân nên tiêm phòng cả hai bệnh nếu chưa từng tiêm hoặc chưa mắc thủy đậu trước đó.
Vaccine ngừa có ba loại gồm: loại của Bỉ dành cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, loại của Mỹ và Hàn Quốc dành cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn. Tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa thủy đậu giúp hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%.
Tương tự, vaccine ngừa zona thần kinh Shingrix (Bỉ) cũng có hiệu quả phòng bệnh lên đến 97%. Người từ 50 tuổi trở lên tiêm hai mũi, cách nhau hai tháng. Người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh, tiêm hai mũi cách nhau một tháng.
Bên cạnh tiêm chủng, bác sĩ Cường lưu ý người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc… để giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch.
Đình Huệ