Dữ liệu mới công bố của Cục Thống kê cho biết, trong tháng 6, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,46 triệu lượt người, giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tăng trưởng lượng khách quốc tế đến
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 9,1 triệu lượt người, chiếm 85,2% lượng khách quốc tế đến và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, chiếm 13,1% và tăng 10,9%; bằng đường biển đạt 181,4 nghìn lượt người, chiếm 1,7% và tăng 10,0%.
Châu Á là khu vực có nhiều khách quốc tế lớn nhất tại Việt Nam với hơn 8,4 triệu lượt khách, tăng 21,1%. Trong đó, Đông Bắc Á vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất, chiếm 60% tổng lượng khách đến. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với hơn 2,7 triệu lượt. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 2,2 triệu lượt. Các thị trường tiếp theo gồm Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ.
Tại khu vực châu Âu, Việt Nam đón hơn 1,3 triệu lượt khách tăng 26,5%; châu Mỹ gần 583.000 lượt tăng 8,6 %; sau đó là châu Úc và châu Phi lần lượt là 304.000 lượt và 25.200 lượt, tăng 14,1% và giảm 0,3 %.
Theo Cục Thống kê, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
Trước đó, Hàn thử biểu (World Tourism Barometer) số ra tháng 5 của Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc (UN Tourism) ghi nhận trong quý 1, Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tăng trưởng lượng khách quốc tế đến (tăng 30% so với quý 1/2024) và đứng thứ 2 về phục hồi lượng khách quốc tế đến (tăng 34% so với quý 1/2019). Trên toàn cầu, trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đứng thứ 6 về mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến (tăng 30% so với quý 1/2024) và xếp thứ 4 về mức tăng tổng thu từ du lịch (tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024).
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp diễn ra chiều 3.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá du lịch là một trong 10 điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm, góp phần vào kết quả tăng trưởng GDP cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua.
Các chuyên gia nhìn nhận, nếu ngành du lịch hoàn thành mục tiêu đón 22 – 23 triệu khách quốc tế trong năm nay, đồng thời có những sản phẩm, dịch vụ để khách chi tiêu mạnh tay thì đây sẽ là một trong những yếu tố chủ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước trở thành động lực bứt phá kinh tế, đưa Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.