Cánh đồng hoang

Cánh đồng hoang

bởi

trong
Cánh đồng hoang

Kỳ nghỉ hè này, tôi đưa các con rời thành phố để về quê miền Trung. Đã lâu rồi cả gia đình mới có dịp đi tàu hỏa – phương tiện gợi nhớ những hành trình xưa cũ, những ký ức tuổi thơ với đồng lúa, bờ đê, con trâu, ruộng cày…

Dọc đường đi, tôi kể cho các con nghe về quê nội, về những cánh đồng lúa chín tháng sáu trải dài thẳng cánh cò bay, về dòng sông Lam quanh co lặng lẽ, nơi đó có hương lúa chín thoảng trong gió chiều. Với tất cả niềm tin và hoài niệm, tôi nghĩ mình đang mang các con trở về nơi mà ký ức và hiện tại sẽ giao hòa trong một miền quê trù phú.

Nhưng khi đoàn tàu rời Hà Nội chừng 30 km, băng qua các làng mạc, tôi sững người. Không còn nhiều cánh đồng lúa vàng rực, rập rờn cánh cò. Thay vào đó là những thửa ruộng bỏ hoang, cỏ dại um tùm, rác thải chất đống, có nơi thành bãi tập kết phế liệu. Một bức tranh nông thôn tiêu điều, đứt gãy. Những gì tôi kể cho con về “quê hương đẹp như tranh” bỗng trở nên lạc lõng.

Ở nhiều vùng quê, hàng loạt diện tích đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang. Những thửa ruộng từng nuôi sống biết bao thế hệ nay trở nên thừa thãi. Người dân không còn mặn mà với đồng áng. Bởi thu nhập từ trồng lúa không đủ sống; vật tư nông nghiệp leo thang; đầu ra bấp bênh; ruộng manh mún, khó cơ giới hóa. Hệ quả là đất để cỏ mọc, hoặc bị san lấp, chuyển đổi mục đích.

Về quê, tôi đem chuyện kể với mẹ. Mẹ bảo, đã dăm bảy năm nay, nhiều người bỏ nghề nông, chuyển sang buôn bán, làm công nhân, hoặc đi xa kiếm sống. Có người bỏ ra đến 300 triệu đồng để sang Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản xuất khẩu lao động, rồi cũng chỉ làm nông, trồng lúa, chăn nuôi. Ở quê tôi, nhiều hộ từ lâu không còn tự sản xuất gạo, mà mua từng bữa ngoài chợ. Con cháu giờ cũng chẳng thiết gì chuyện về quê, vì quê không còn việc để làm, mà cái chất quê xưa cũng dần mất rồi.

Theo số liệu chính thức, tính đến năm 2023, cả nước có hơn 66.000 ha đất nông nghiệp bỏ hoang. Quảng Trị vụ hè thu có hơn 2.700 ha; Quảng Nam 1.756 ha; Hải Dương năm 2025 vẫn còn hơn 227 ha ruộng hoang. Ngược lại, Thái Bình tích tụ được 6.000 ha ruộng nhỏ lẻ thành vùng sản xuất tập trung, tạo bước đột phá trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Không thể phủ nhận, đô thị hóa, công nghiệp hóa là tất yếu. Nhưng nếu thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu tầm nhìn dài hạn và không có cơ chế bảo vệ đất nông nghiệp, thì cái giá phải trả sẽ rất đắt. Một đất nước mà nông nghiệp chiếm 12-14% GDP, gắn liền với 60% dân số mà không giữ được đất cày, sớm muộn cũng chông chênh trong chính nền tảng tồn tại của mình.

Tôi trăn trở rất nhiều về sự lãng phí âm thầm nhưng kéo dài này. Lãng phí đất không chỉ là thất thoát tài nguyên, mà là sự mai một của truyền thống, của văn hóa gắn bó với ruộng đồng. Tôi đã từng lớn lên trên những thửa ruộng ấy – nơi cha mẹ tôi cặm cụi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đất không chỉ là phương tiện sản xuất, mà còn là máu thịt, là ký ức, là cái nếp mộc mạc của bao thế hệ nông dân.

Ruộng bỏ hoang còn là sự lãng phí tài nguyên đất – thứ tài sản hữu hạn, không thể tái tạo. Đất không gieo trồng sẽ bị bạc màu, trở thành nơi phát sinh sâu bệnh, rác thải, gây ảnh hưởng môi trường. Nguy cơ lớn hơn là an ninh lương thực bị đe dọa.

Khi ruộng bỏ hoang, tôi có cảm giác một phần ký ức chung bị xoá nhòa. Không ai tiếc đất như người từng cày xới trên đó. Cũng không ai hiểu được cái lạnh lẽo của cánh đồng vắng người như người từng sống trong hơi ấm mùa gặt.

Luật Đất đai sửa đổi, có hiệu lực từ 1/8/2024, quy định rõ: đất trồng cây hàng năm không sử dụng 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm bỏ hoang 18 tháng sẽ bị thu hồi không bồi thường. Quyết tâm này cho thấy nhà nước sẽ siết chặt kỷ cương trong quản lý đất nông nghiệp.

Làm sao để người dân trở lại với ruộng vườn ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, thay vì phải đánh đổi vài ba trăm triệu đồng để đi làm thuê ở xứ người? Câu hỏi đó là bài toán phát triển bền vững của nông nghiệp nước nhà.

Muốn người dân mặn mà với ruộng vườn, trước hết, phải trả lại giá trị đích thực cho đất đai – nơi đã nuôi sống biết bao thế hệ. Làm nông phải sống được, tích lũy được, chứ không thể mãi phó mặc cho may rủi “được mùa mất giá”, lệ thuộc thương lái. Cần hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đầu ra; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, đầu tư hạ tầng nông thôn đồng bộ.

Quay ngược về khung cửa toa tàu, tôi nhìn thấy những thửa ruộng hoang, những mảnh ký ức mà chính sách và hành động hôm nay đang dần dần tái sinh. Từ Quảng Trị, Quảng Nam đến Thái Bình, Hải Dương, những con số cho thấy thực trạng nghiêm trọng, nhưng cũng chứng minh rằng chúng ta vẫn có thể xoay chuyển tình thế nếu thực sự quyết tâm.

Nếu như Thái Bình đã biến ruộng hoang thành cánh đồng mẫu lớn, nếu như Hải Dương từng bước kéo diện tích bỏ hoang xuống mức tối thiểu, thì những vùng quê khác cũng có thể làm được. Vấn đề là ở cách làm – phải đặt người nông dân vào trung tâm của chính sách, trao cho họ cơ hội, niềm tin và cả niềm tự hào được gắn bó với đất đai, xóm làng.

Tôi mong một ngày, khi trở lại quê nhà cùng các con, tôi không còn phải tránh ánh mắt hoài nghi khi kể cho chúng nghe về một “quê hương đẹp như tranh”. Tôi muốn các con được tận mắt thấy những cánh đồng mênh mông, đi trên đồng lúa vàng thoảng hương lúa mới. Và khi ấy, tôi sẽ được nói – không còn ngập ngừng, không còn nuối tiếc – rằng: “Đây là nơi cha đã lớn lên, nơi từng có mùi lúa chín, tiếng dế gáy và cả một bầu trời ký ức”.

Trần Phú Dũng