ESG bị lợi dụng “tẩy xanh”, doanh nghiệp cần làm gì để tránh bẫy?

ESG bị lợi dụng “tẩy xanh”, doanh nghiệp cần làm gì để tránh bẫy?

bởi

trong

Theo ông Phạm Việt Anh – tiến sĩ quản lý bền vững và môi trường (DBA), phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu. Với triết lý “làm thật, sửa sai nhanh và không nói quá”, ông khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hành ESG một cách thực chất, sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết và tránh thổi phồng kết quả để xây dựng giá trị bền vững lâu dài. 

Tuy nhiên, các diễn giả trong tọa đàm về báo cáo phát triển bền vững diễn ra hôm nay (5/7) cũng thừa nhận tình trạng ESG bị lợi dụng như một công cụ “tẩy xanh” ngắn hạn để tô vẽ hình ảnh doanh nghiệp.

Ông Tôn Thất Hạc Minh – chuyên gia tại EarthWise Việt Nam – nói rằng có 6 hình thái “nhuộm xanh” (“tẩy xanh”) gây mất niềm tin của người tiêu dùng, nhà đầu tư. Khi tổ chức, doanh nghiệp phải dùng tới điều này để đối phó tức là họ không làm thật.

TS Phạm Việt Anh khẳng định “tẩy xanh” để kiếm lời ngắn hạn sẽ làm trầm trọng thêm tình hình, cản trở sự phát triển bền vững chung của nhân loại.

ESG bị lợi dụng “tẩy xanh”, doanh nghiệp cần làm gì để tránh bẫy?

TS Phạm Việt Anh (Ảnh: Nam Anh).

Để tránh tình trạng bị quy kết “tẩy xanh”, ông Việt Anh khuyên doanh nghiệp làm tới đâu nói tới đó, chuyển đổi bền vững từng phần đến toàn phần. Nếu nói quá điều làm được, doanh nghiệp cũng có thể bị mất cơ hội tiếp cận nguồn đầu tư… Những rủi ro này sẽ xóa sạch các thành quả gây dựng của doanh nghiệp, thậm chí đối diện với những vụ kiện, vụ phạt từ người tiêu dùng.

Theo TS Phạm Việt Anh, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh cần tuân thủ các tiêu chí trách nhiệm: trách nhiệm lợi nhuận (lợi nhuận đó phải đúng pháp luật), sau đó là tuân thủ đạo đức, môi trường, xã hội; cuối cùng là trách nhiệm thiện nguyện.

Doanh nghiệp làm ESG phải đảm bảo trách nhiệm lợi nhuận kinh tế đầu tiên, từ đó chứng minh được khả năng hoàn vốn thì mới có thể thu hút vốn từ các quỹ đầu tư, ngân hàng.

Nếu doanh nghiệp chỉ hô hào ESG trong báo cáo, tổ chức các hội thảo hình thức mà không đầu tư vào năng lực nội tại thì sẽ rơi vào “bẫy”: “bẫy năng lực”, “bẫy chi phí”, thậm chí gian dối.

Vì vậy, ông Việt Anh nhấn mạnh chiến lược ưu tiên “nội khử”, tức là tập trung giảm phát thải từ bên trong thay vì “ngoại bù”, tức là mua quyền phát thải từ bên khác nhằm đối phó hoặc chê giấu.

Đồng thời, ông kêu gọi doanh nghiệp xây dựng “năng lực động”, tức khả năng thích ứng linh hoạt và không ngừng đổi mới để có thể thực hành “cân bằng động” trong lựa chọn, ưu tiên các trụ cột ESG, thay vì cố gắng đạt tất cả chỉ số một cách máy móc và tốn kém.

Câu hỏi đặt ra là phát triển bền vững nên “làm thật” hay “làm theo”? TS Phạm Việt Anh trả lời “làm theo” là bước đi tuần tự để kiểm soát và tránh các loại “bẫy” để giảm thiểu rủi ro. “Làm theo” là theo các tiêu chí, yêu cầu chung, là làm kinh tế, có trách nhiệm với môi trường, với xã hội…

Còn “làm thật” là thật với chính mình, dựa trên nguồn lực nội tại, lực đến đâu làm tới đó. Ông cho rằng “làm thật” hoàn toàn có thể khả thi, dựa trên các tiêu chí trách nhiệm lợi nhuận, tuân thủ đạo đức, môi trường, xã hội.