Ngày 5/7, ông Hồ Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nghệ An, xác nhận thông tin trên. Việc công nhận này góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn.
Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu, hay còn gọi là Tết Chăm Phtrong, được xếp vào loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Đây là nghi lễ truyền thống độc đáo, gắn liền với tục thờ thần sấm, thể hiện sự hòa hợp của người Ơ Đu với tự nhiên.

Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu (Ảnh: Mạnh Hà).
Người Ơ Đu không dùng lịch phổ thông mà dựa vào tiếng sấm đầu tiên trong năm để định thời điểm bước sang năm mới. Tiếng sấm báo hiệu mùa đông lạnh giá đã qua, mùa gieo trồng bắt đầu và là thời điểm khởi sự các việc trọng đại của gia đình, dòng họ và cộng đồng.
Nghi lễ đón sấm diễn ra trong không khí linh thiêng, xen lẫn náo nhiệt, với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc sau một năm lao động vất vả.
Nghệ thuật trống tế Yên Thành (huyện Yên Thành cũ) được ghi danh vào loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là một loại hình âm nhạc cổ truyền đặc sắc, không chỉ sử dụng trong nghi lễ cúng tế mà còn hiện diện trong các lễ hội đền chùa, trở thành dịp giao lưu giữa các đội trống của các dòng họ, địa phương.

Nghệ thuật trống tế Yên Thành (Ảnh: Ngọc Phan).
Mỗi đội trống thường gồm 7-20 người, kết hợp các loại nhạc cụ như trống cái, trống con, chiêng, nao… Âm thanh được tạo ra tuân thủ nghiêm ngặt quy luật và nhịp phách: Ba hồi, trong hồi có nhịp, trong nhịp có biến tấu, tạo nên bản hòa âm rộn rã, nâng cao cảm xúc cho người nghe và tạo sự linh thiêng cho không gian lễ hội.
Chữ Thái được ghi danh vào loại hình tiếng nói, chữ viết. Đây là hệ thống chữ cổ của đồng bào dân tộc Thái, chiếm hơn 50% dân số dân tộc thiểu số tại Nghệ An. Từng đứng trước nguy cơ mai một, chữ Thái nay được phục dựng và giảng dạy trở lại.
Hiện nay, chữ Thái sử dụng phổ biến hai hệ là Thái Lai Tay và Thái Lai Pao, được ứng dụng trong văn hóa, giáo dục và lễ hội truyền thống. Việc ghi danh chữ Thái là sự ghi nhận nỗ lực của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc bảo tồn di sản ngôn ngữ của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Với 3 di sản mới được ghi danh, Nghệ An đã có tổng cộng 14 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012 và được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11/2014).

Nghề dệt thổ cẩm của người Thái (Ảnh: Nguyễn Phê).
Các di sản khác bao gồm: Nghề dệt thổ cẩm của người Thái; lễ hội đền Yên Lương; thập niên sự lệ của dòng họ Nguyễn Cảnh; lễ hội đền Cờn; lễ hội đền Quả; lễ hội đền Chín Gian; lễ hội đền Bạch Mã; lễ hội đền Thanh Liệt; lễ hội đền Ông Hoàng Mười; nghi lễ Xăng Khan của người Thái miền Tây Nghệ An; lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu; nghệ thuật trống tế Yên Thành và chữ Thái ở Nghệ An.
Những di sản này có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, nhân văn và nghệ thuật, góp phần làm giàu kho tàng văn hóa truyền thống của xứ Nghệ, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa vùng miền trong bức tranh đa dạng của văn hóa Việt Nam.