Kê đơn thuốc trên 30 ngày: Lợi nhiều điều!

Kê đơn thuốc trên 30 ngày: Lợi nhiều điều!

bởi

trong

Như Thanh Niên đã thông tin, đại diện Bệnh viện (BV) K (Bộ Y tế) cho biết đã triển khai Thông tư 26/2025 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, bệnh nhân (BN) ung thư điều trị ngoại trú được kê đơn, cấp thuốc dùng trong 90 ngày, thay vì chỉ 30 ngày như thời điểm trước 1.7.2025.

Kê đơn thuốc trên 30 ngày: Lợi nhiều điều!

Trong danh mục bệnh được kê đơn ngoại trú trên 30 ngày có nhiều bệnh mạn tính phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường

ẢNH: LIÊN CHÂU

Theo BV K, Thông tư 26 tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần chuẩn hóa quy trình kê đơn, nâng cao trách nhiệm của người hành nghề y và bảo vệ quyền lợi của BN; nâng cao chất lượng điều trị, giúp người bệnh được tiếp cận với phác đồ điều trị chuẩn xác, giảm thiểu tình trạng lạm dụng thuốc, dùng thuốc sai cách.

Quy định mới cũng giúp đảm bảo BN được tư vấn đầy đủ thông tin về thuốc và điều trị; thuận lợi hơn cho BN khi tới khám chữa bệnh, nhận thuốc về điều trị, đặc biệt với BN ung thư ngoại trú sinh sống ở tỉnh xa.

Về một số điểm mới của Thông tư 26, Bộ Y tế cho biết đã quy định 252 bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, kể từ 1.7.2025 (trước đó chỉ được kê đơn thuốc ngoại trú tối đa 30 ngày). Trong danh mục này có nhiều bệnh mạn tính thường gặp: đái tháo đường; tăng huyết áp, tim mạch; bệnh về hô hấp, tiêu hóa… Người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng bệnh, mức độ ổn định của BN để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày.

Đỡ tốn thời gian, tiền bạc…

Bày tỏ sự vui mừng về Thông tư 26, bạn đọc (BĐ) Minh Nguyen cho biết: “Thực hiện được điều này rất có lợi cho BN mắc bệnh mạn tính: không phải đi lại nhiều lần, không phải tốn tiền khám nhiều lần (đối với BN khám dịch vụ), không phải nhờ người nhà dẫn đi nhiều lần, đôi lúc rất phiền cho con cháu phải đưa đi…”.

Cùng ý kiến, BĐ Hungngag chia sẻ: “Đây là tin vui đối với những người già đang mắc nhiều bệnh mạn tính… Tuy nhiên, sẽ rất mừng nếu như ngành y tế và BHXH có điều chỉnh đồng thời hạn mức thanh toán là 315.000 đồng mỗi lần khám chữa bệnh. Nếu cấp thuốc tối đa 90 ngày thì mức thanh toán cũng phải tăng gấp 3 mới là hợp lý”.

Mong ngành y ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ

“Hồi dịch Covid-19 cũng nghe nói phát thuốc 2 – 3 tháng để BN mắc bệnh mạn tính đỡ đi lại, nhưng đi khám, tôi hỏi thì bác sĩ nói: “Nghe nói vậy mà BV chưa có hướng dẫn gì”. Lần này thì có Thông tư 26 của Bộ Y tế. Chắc các BV đã có hướng dẫn rồi. Chờ tháng này tôi đi khám cao huyết áp là biết!”, BĐ Kiet Tran cho biết.

Trong khi đó, BĐ Hoai Thanh cho biết: “Tôi mắc bệnh cao huyết áp, cứ mỗi 28 ngày là đến BV tái khám (bác sĩ cho thuốc uống 28 ngày), thuốc thì cơ bản tháng nào cũng giống nhau. Mỗi lần đi khám bệnh (tôi có thẻ BHYT) tôi đều khám dịch vụ cho nhanh (đóng 139.000 đồng), vì khám BHYT thì đông quá, tôi phải đi làm nữa nên chờ không nổi. Nếu BV cấp thuốc uống 2 – 3 tháng, thì BN 2 – 3 tháng mới phải tái khám thay vì phải tái khám mỗi 28 ngày”.

“Theo tôi, quyết định là ở bác sĩ. Nếu bác sĩ thấy rằng BN cần khám hằng tháng để điều chỉnh thuốc cho phù hợp thì sẽ kê đơn thuốc theo tháng. Còn thấy kê đơn 2 – 3 tháng là phù hợp, thì cho 2 – 3 tháng. Rất mong ngành y ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ BN”, BĐ Van Dang ý kiến.

Kê đơn thuốc ngọai trú trên 30 ngày: Lợi ích cho bệnh nhân và giảm chi phí - Ảnh 2.