Việt Nam chinh phục ‘nền kinh tế’ lớn thứ 5 thế giới

Việt Nam chinh phục ‘nền kinh tế’ lớn thứ 5 thế giới

bởi

trong

Sau cuộc sáp nhập lịch sử vẽ lại bản đồ giang sơn, VN có đến 21/34 tỉnh thành ven biển, nâng tỷ lệ địa phương giáp biển từ 44% lên gần 62%. Đây được coi là thời cơ vàng để VN tiến sâu vào kỷ nguyên của biển.

Vào top 7 quốc gia phát triển kinh tế biển xanh

Theo nghiên cứu mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), nuôi trồng thủy sản – một cấu phần của nền kinh tế biển – là một trong những cơ hội sáng giá nhất để xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững toàn cầu trong 25 năm tới. Hiện nay, 7 thị trường dẫn đầu về nuôi trồng thủy sản bền vững bao gồm: Bangladesh, Chile, Trung Quốc, Ecuador, Ai Cập, Thái Lan và VN.

Việt Nam chinh phục ‘nền kinh tế’ lớn thứ 5 thế giới

Việc sáp nhập tạo lợi thế về kinh tế, bổ sung cho các địa phương vừa có biển vừa có núi để phát triển

ẢNH: DŨNG NHÂN

Việc sáp nhập các tỉnh, thành đang mở ra hướng đi thuận lợi để VN hình thành các đô thị biển đúng nghĩa, tiến sâu ra biển lớn. Các đô thị nổi trên biển, đô thị chìm dưới đáy biển, cũng cần phải chuẩn bị từ bây giờ để tới khi cần là ứng xử được ngay, không bị vấp váp.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội, thành viên Ban Chỉ đạo đại dương toàn cầu

Sự phát triển của ngành thủy sản đã kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ sản lượng thủy sản. Số liệu từ Viện Nghiên cứu hải sản cho biết: bình quân mỗi năm giai đoạn 2016 – 2024, nước ta sản xuất gần 7,4 triệu tấn thủy sản, trong đó khai thác hơn 3,3 triệu tấn và nuôi trồng gần 4,1 triệu tấn; tốc độ tăng bình quân là 4%, trong đó khai thác tăng 3,1%/năm và nuôi trồng tăng 5,4%/năm. Sản lượng thủy sản tăng không những đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước mà mỗi năm còn phục vụ xuất khẩu thu về bình quân 7,8 tỉ USD/năm.

Từ 63 tỉnh, thành, sau sáp nhập VN còn 34 tỉnh, thành bao gồm 28 tỉnh và 6 TP trực thuộc T.Ư. Trong đó, có 21 tỉnh, TP giáp biển, nâng tỷ lệ địa phương giáp biển từ 44% lên gần 62%. Theo Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế biển được kỳ vọng đóng góp khoảng 10% GDP của cả nước vào năm 2030. Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính đang mở ra cơ hội vàng cho phát triển kinh tế biển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Thực tế, việc VN có mặt trong top 7 thị trường dẫn đầu về nuôi trồng thủy sản không quá bất ngờ, bởi tài nguyên biển luôn được đánh giá là một trong những thế mạnh lớn nhất của VN. Với chiều dài bờ biển 3.260 km, VN nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ.

Dữ liệu từ Bộ NN-MT cho thấy không gian mặt nước và các bãi bồi ven biển của VN là lợi thế lớn để nuôi trồng hải sản, đặc biệt là các hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngoài giá trị về vị thế, vùng biển VN còn có nhiều nguồn tài nguyên phong phú, trong đó giá trị lớn là dầu khí, nguồn lợi thủy sản… Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, có thể đánh bắt hằng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Ven biển nước ta có trên 37 vạn ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn – lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu. Ngoài ra, chúng ta còn có hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ, như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, phá Tam Giang, vịnh Vân Phong… rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển.

Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững đang là hướng đi đúng đắn của ngành thủy sản.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội, thành viên Ban Chỉ đạo đại dương toàn cầu, đánh giá nuôi trồng thủy sản bền vững là hướng đi bắt buộc trên hành trình tiến biển của VN. Trong bối cảnh dân số đông, nhu cầu phát triển cao, mức sống ngày càng tăng thì biển và đại dương được xác định là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về tất cả nguồn lương thực, thực phẩm, nguồn năng lượng và nguyên liệu. Hướng ra biển là xu thế tất yếu, ít nhất bắt đầu từ thế kỷ 21, khi các nguồn nguyên liệu lương thực và năng lượng trên đất liền đang cạn dần, có nhiều dạng đang không thể phục hồi hoặc phục hồi chậm. Các nước tiên tiến từ lâu đã lấy đại dương để nuôi đất liền. VN hiện nay vẫn là lấy đất liền hướng ra biển trong khi diện tích biển gấp 3 lần diện tích đất liền. Với tư thế hiện nay, VN không còn chỉ là quốc gia ven biển mà xác định phát triển kinh tế biển phải ra xa hơn, tiến sâu hơn.

“Trong mấy năm qua, việc phát triển kinh tế biển đã đạt được nhiều thành tựu. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, nghề bước đầu thay đổi theo hướng chuyển dần sang kinh tế biển xanh. Đây chính là nền tảng để VN phát triển kinh tế biển bền vững. Quan điểm và chủ trương phát triển nói trên được đề cập khá rõ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đang tiếp tục được hiện thực hóa một cách mạnh mẽ hơn trong bối cảnh VN vừa thực hiện xong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi nhìn nhận.

Từ đồng bằng tới cao nguyên đồng loạt tiến biển

Thực tế, cuộc tái cấu trúc địa giới hành chính đang mở ra cơ hội vàng để các địa phương kiến tạo không gian phát triển kinh tế biển. Đơn cử, giai đoạn trước, chỉ với hơn 7 km đường bờ biển, TP.Nha Trang đã có thể khai thác giá trị từ “biển bạc”, đưa Khánh Hòa trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển của VN. Giờ đây, sau khi sáp nhập với Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ sở hữu đường bờ biển dài nhất cả nước – gần 500 km. Lãnh đạo tỉnh khẳng định gần 500 km đường bờ biển nối liền mạch tạo điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch biển, khai thác thủy hải sản và thúc đẩy dịch vụ logistics. Việc sáp nhập giúp Khánh Hòa mở rộng quy mô kinh tế, hướng tới tầm nhìn dài hạn là trở thành trung tâm kinh tế biển, năng lượng và du lịch quy mô quốc gia, với ba trụ cột chiến lược: Công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch biển chất lượng cao và trung tâm năng lượng sạch. Mục tiêu là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số và trở thành một cực tăng trưởng của cả nước.

Việt Nam chinh phục 'nền kinh tế' lớn thứ 5 thế giới- Ảnh 2.

Các đô thị ven biển, trên biển, ngầm dưới biển trong tương lai sẽ là các căn cứ địa để VN tiến biển

Tương tự ở khu vực ĐBSCL, các tỉnh vốn được xem là “vùng trong” như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long sau khi hợp nhất giờ có đường bờ biển kéo dài hàng chục đến hàng trăm ki lô mét. Trong đó, TP.Cần Thơ cũng có cảng Cái Cui, được xem là cảng lớn nhất ĐBSCL. Tuy nhiên, cảng này cách cửa biển Định An cả trăm ki lô mét. Cửa biển lại bồi lắng hằng năm, tàu lớn ra vào rất khó, mỗi năm nạo vét tốn kém cả trăm tỉ đồng. Hiện nay, TP.Cần Thơ sau sáp nhập sở hữu thêm 72 km đường bờ biển thuộc địa phận Sóc Trăng cũ, mở rộng cánh cửa phát triển với các ngành kinh tế biển như: đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch biển và khu công nghiệp ven biển. Đặc biệt, dự án cảng nước sâu Trần Đề – một trong những tâm điểm chiến lược phát triển của khu vực – cùng hàng trăm héc ta khu công nghiệp cao, công nghiệp số của tỉnh Hậu Giang cũ hiện đều “quy về một mối”. Cần Thơ đang đứng trước cơ hội lớn đột phá kinh tế biển, phát huy đúng vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của cả vùng ĐBSCL.

Tương tự, vị thế đắc địa của TP.HCM khi nằm trên con đường xuyên đại dương huyết mạch Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương – Đại Tây Dương – Thái Bình Dương sẽ được phát huy tối đa lợi thế sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Giao diện với biển từ chỗ chỉ hạn hẹp ở Cần Giờ, nay được nối ra thêm với cảng biển nước sâu – du lịch biển Bà Rịa-Vũng Tàu, kết hợp cùng thế mạnh công nghiệp – đô thị – logistics của Bình Dương tạo ra chuỗi giá trị liên hoàn cho TP.HCM mới, tương tự các mô hình siêu đô thị thành công như Tokyo, Thượng Hải, New York, Seoul hay Singapore. Sau hợp nhất, TP.HCM sở hữu hệ thống cảng biển siêu lớn, với 89 cảng biển. Nếu tính thêm 10 cảng dầu khí ngoài khơi thuộc

Bà Rịa-Vũng Tàu cũ thì tổng số cảng biển của TP.HCM sau hợp nhất là 99 cảng biển, lớn hơn nhiều so với hệ thống cảng biển lớn nhất nước hiện nay là Hải Phòng (50 cảng biển).

Ở phía bắc, nếu như trước đây kinh tế biển chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh thì giờ đây, một địa phương có địa hình hoàn toàn đồng bằng như Hưng Yên cũng được tiếp cận với tiềm năng kinh tế biển rộng mở, sau khi sáp nhập với tỉnh “mặt tiền Biển Đông” có đường bờ biển dài khoảng 52 km là Thái Bình. Với tiềm năng, lợi thế của vùng sinh thái biển cùng lợi thế cận kề thủ đô Hà Nội, Hưng Yên mới đang được kỳ vọng sẽ thành trung tâm kinh tế biển, cực tăng trưởng mới của vùng thủ đô đồng bằng Bắc bộ.

Đặc biệt, thông tin hàng loạt cá voi lớn bất ngờ xuất hiện ở vùng biển tỉnh Gia Lai mới đây không chỉ gây thú vị cho du khách và người dân VN bởi khung cảnh ngoạn mục tự nhiên, mà còn bởi suốt dòng chảy lịch sử trước đây, hình ảnh Gia Lai chỉ gắn với cồng chiêng, cao nguyên đại ngàn lộng gió. Biển xanh, cát trắng, đảo xa là những đặc điểm địa lý tưởng chừng không liên quan. Thế nhưng, sau ngày 1.7 khi chính thức sáp nhập với Bình Định, đại ngàn Gia Lai đã mở ra một chương mới khi rừng và biển lần đầu tiên hội tụ trong một không gian phát triển chung, nơi cao nguyên và duyên hải “nắm tay nhau” bước vào thời kỳ cất cánh.

Xây dựng các đô thị biển làm căn cứ tiến xa hơn

Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, việc sáp nhập dựa trên nguyên tắc: tận dụng lợi thế vùng miền, tôn trọng các giá trị cốt lõi, phát huy tính liên thông, tương tác giữa các đơn vị tự nhiên – sinh thái như lưu vực sông gắn với vùng bờ biển và biển đảo… là vô cùng đúng đắn. Điều này tạo ra một không gian, dư địa phát triển mới, giảm thiểu xung đột trong sử dụng các nguồn lực và mâu thuẫn lợi ích do chồng chéo hoặc bị chia cắt bởi các chủ thể hành chính khác nhau.

Việt Nam chinh phục 'nền kinh tế' lớn thứ 5 thế giới- Ảnh 3.

Khai thác kinh tế biển là cơ hội tăng tốc để các địa phương phát triển mạnh hơn

ẢNH: N.A

Phương án sáp nhập tỉnh/TP có biển với tỉnh trên các lưu vực sông tương ứng chắc chắn sẽ mang lại hiệu năng, hiệu quả, hiệu suất trong phát triển kinh tế biển. Nó tạo ra một đơn vị lãnh thổ mới có tính tương đồng, có khả năng tôn tạo các giá trị vùng miền, khai thác được tính xuyên ranh giới của các vùng tự nhiên – sinh thái trong liên kết vùng và cắt giảm được bệnh “hội chứng trong phát triển” ở một số tỉnh ven biển. Điều này cũng giúp thống nhất quản trị về mặt nhà nước đối với các đơn vị tỉnh ven biển mới sáp nhập, tạo không gian rộng mở, tự do và thu hút đầu tư nhiều hơn cho phát triển kinh tế biển trong thời gian tới.

Tuy vậy, việc sáp nhập mới chỉ dừng lại ở bước sắp xếp tài nguyên, để thật sự khai thác hiệu quả tiềm năng của “biển bạc”, mỗi địa phương cần xác định rõ hướng phát triển tập trung. Cụ thể, vùng ven biển nước ta được xem là vùng kinh tế động lực, là nơi tập trung sôi động các hoạt động phát triển của các ngành. Hiện nay, trong khi đánh bắt hải sản, du lịch, cảng… được xem là phân ngành tiềm năng của kinh tế biển thì các đô thị ven biển vẫn chưa được đề cập khi bàn đến kinh tế biển. Việc hình thành mạng lưới đô thị biển cần được hiểu theo đúng nghĩa bao gồm: đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị trên biển, thậm chí cả loại hình đô thị ngầm dưới đáy biển trong tương lai. Muốn ra xa hơn, tiến sâu hơn thì phải có những căn cứ địa. Việc phát triển những đô thị biển, về mặt kinh tế được coi là cực phát triển mới, kết nối với các cực khác hình thành tuyến động lực quan trọng phát triển kinh tế của đất nước. Đây là căn cứ địa, là bàn đạp để VN tiếp tục tiến biển, xuống sâu hơn, ra xa hơn bằng công nghệ, chứ không chỉ đứng mãi ở ven bờ như hiện nay. Đó là vấn đề sinh tồn và là chiến lược sống còn nhờ vào biển – lấy đại dương nuôi đất liền.

“Nhìn lại quá khứ, các đô thị ven biển trên thế giới và ở nước ta đều đã dựa trên mô hình: cảng – biển – đô thị – công nghiệp – dịch vụ, như TP.Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang… Gần đây, mô hình này tiếp tục mở rộng và phát triển hoặc sẽ phát triển theo hướng đó, như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai – Dung Quất. Kéo theo các cảng nước sâu sẽ là các khu kinh tế biển và rồi sẽ là TP cận kề cảng biển. Việc sáp nhập các tỉnh, thành đang mở ra hướng đi thuận lợi để VN hình thành các đô thị biển đúng nghĩa, tiến sâu ra biển lớn. Các đô thị nổi trên biển, đô thị chìm dưới đáy biển, cũng cần phải chuẩn bị từ bây giờ để tới khi cần là ứng xử được ngay, không bị vấp váp”, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất.