Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, thời gian qua nhiều người đi ô tô liên tục bị CSGT TP.HCM lập biên bản phạt trực tiếp hoặc phạt nguội vì dừng đỗ xe nơi có biển báo cấm. Để xử lý thuyết phục, CSGT đều ghi lại hình ảnh về biển báo trên tuyến đường, địa chỉ nơi vi phạm và biển số xe vi phạm.
Một số tài xế bị phạt lỗi dừng đỗ thừa nhận do chủ quan, nhìn trước sau không thấy CSGT nên “tranh thủ” đỗ ở đường có biển báo cấm. Tuy nhiên, sau đó nhận được thông báo phạt nguội. Nhóm khác lại ủng hộ việc cắm biển báo cấm dừng đỗ ở những tuyến đường đông xe, tránh gây ùn ứ, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Đường Phạm Ngọc Thạch cấm đỗ xe từ 6 – 20 giờ, tuy nhiên sáng nào cũng có lượng lớn xe ô tô đỗ 2 bên đường. Một số tài xế ngồi trên xe, số còn lại xuống xe nhưng nháy đèn, dùng vải che biển số…
ẢNH: ĐỘC LẬP
Bên cạnh đó, một số tài xế ở các tỉnh, thành đưa người thân đến khám bệnh tại TP.HCM cũng loay hoay tìm chỗ dừng đỗ xe. “Dừng trước bệnh viện không được, xung quanh cũng cấm… Chúng tôi không biết phải đỗ xe ở đâu mới được, rất mong có hướng dẫn cụ thể”, anh Hoài An (ở Đồng Tháp) nói.
Vì sao TP.HCM có nhiều biển cấm dừng đỗ xe?
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, TP.HCM đang quản lý 7.794 tuyến đường , trong đó có 2.913 tuyến đường có bề rộng mặt đường nhỏ hơn 7,5 m (chiếm 37,4%).
Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng mạnh, khi dừng đỗ xe sẽ gây ùn ứ giao thông khu vực, đặc biệt là trên các tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ, đường trục có lưu lượng giao thông lớn.

Dùng khăn vàng che biển số xe đỗ sai trên đường Phạm Ngọc Thạch
ẢNH: ĐỘC LẬP
Tính đến tháng 6 năm 2025, TP đang quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện (trong đó có hơn 1 triệu xe ô tô, còn lại là xe máy). So với cùng kỳ năm 2024, tổng số phương tiện đang quản lý tăng 3,13% (ô tô tăng 8,68%, mô tô tăng 2,49.%).
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM chia sẻ, việc triển khai lắp đặt biển báo cấm dừng xe và đỗ xe, biển báo cấm đỗ xe và công tác rà soát, điều chỉnh biển báo cấm dừng đỗ xe là một giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông được thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình khai thác tuyến đường, tùy theo tình hình giao thông thực tế.
Cụ thể như đường Trường Sơn cấm dừng đỗ xe từ năm 2015; đường Cộng Hòa cấm dừng đỗ xe từ năm 2013; đường Trường Chinh, Bạch Đằng, Thăng Long, Hậu Giang cấm dừng đỗ xe từ năm 2016…

Các tuyến đường cắm biển báo cấm dừng đỗ xe thường có lưu lượng xe rất đông
ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP có tổng cộng 457 tuyến đường đang thực hiện cấm dừng đỗ xe. Trong đó:
- 136 đoạn đường, tuyến đường cấm dừng xe và đỗ xe 24/24 giờ
- 86 đoạn đường, tuyến đường cấm dừng xe và đỗ xe theo khung giờ nhất định (giờ cao điểm, ban ngày)
- 342 đoạn đường, tuyến đường cấm đỗ xe 24/24 giờ
- 111 đoạn đường, tuyến đường cấm đỗ xe theo khung giờ nhất định (giờ cao điểm, ban ngày, ngày chẵn lẻ)
- 43 tuyến đường vừa có đoạn cấm dừng xe và đỗ xe, vừa có đoạn cấm đỗ xe theo thời gian
“Trong thời gian tới, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ Công an TP.HCM và các cơ quan, đơn vị có liên quan để nghiên cứu triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP; trong đó, có việc điều chỉnh cấm dừng, đỗ xe trên các tuyến đường, đoạn đường linh hoạt theo tình hình giao thông thực tế”, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM thông tin.