Du lịch, FDI, thương mại… bứt phá
Nhìn vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, có thể lý giải phần nào con số kỷ lục mà GDP 6 tháng đầu năm đạt được. Đầu tiên phải kể đến là du lịch, nửa đầu năm 2025, ngành này đạt đột phá khi liên tiếp lập kỷ lục về đón khách nước ngoài. Cụ thể, trong 6 tháng, khách quốc tế đến VN đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh du lịch quốc tế, thị trường nội địa tiếp tục đóng vai trò trụ cột bảo đảm dòng tiền, sức sống và khả năng phục hồi nhanh cho toàn ngành. Sự tương tác nhịp nhàng giữa thị trường trong nước và quốc tế đã tạo nên thế vững chắc giúp du lịch VN không chỉ phục hồi mà đang từng bước tăng tốc để bứt phá. Đặc biệt, du lịch tăng tốc đã kích thích tiêu dùng các ngành liên quan tăng mạnh.

Tăng giải ngân đầu tư công để đạt mức tăng trưởng đề ra
Ảnh: Độc Lập
Theo Cục Thống kê, các hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đã đóng góp 8,14% giá trị tăng thêm vào tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 15 năm qua, giai đoạn 2011 – 2025. Tương tự, 6 tháng qua, lần đầu tiên ngành xây dựng ghi nhận mức tăng kỷ lục hơn 9,6%, cũng cao nhất trong 15 năm qua, đóng góp hơn 42% tăng trưởng chung. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay, với 24.000 đơn vị, cao gấp đôi trong giai đoạn 2021 – 2024. Không những vậy, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng qua cũng cao hơn số rút lui, cho thấy môi trường kinh doanh đang dần được cải thiện và niềm tin thị trường từng bước được khôi phục. Ngoài ra, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng bứt phá với hơn 21,51 tỉ USD, tăng hơn 32% so cùng kỳ, vốn thực hiện của khối này cũng tăng rất mạnh.

Xuất khẩu giữ đà tăng trưởng tốt
Ảnh: Ng.Nga
Những con số nói trên tương thích với sự nhộn nhịp với hàng loạt dự án tỉ USD từ hạ tầng, bất động sản, logistics, du lịch, thương mại, sản xuất… được triển khai từ Bắc vào Nam.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh, cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực vận tải, du lịch, ăn uống vào tháng 6 tăng là tương đối phù hợp do nhu cầu du lịch, đi lại ngay tháng đầu hè thường rất mạnh. Ông cũng dự báo tăng trưởng của khu vực dịch vụ, du lịch sẽ tiếp tục tăng tốt trong đầu quý 3. Tuy nhiên, yếu tố chính tạo đột phá cho GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm theo ông Thành là “hiệu quả đến từ chính sách cởi mở, cải cách mạnh mẽ”.

Xuất khẩu đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP nửa đầu năm và cần được giữ đà để góp phần đạt mục tiêu cả năm
Ảnh: Độc Lập
Cụ thể, 6 tháng qua, lần đầu tiên, ngành xây dựng ghi nhận mức tăng kỷ lục hơn 9,6%, cao nhất trong 15 năm qua, đóng góp hơn 42% tăng trưởng chung. Điều này cho thấy nền kinh tế đang vào cuộc khá sôi động với những dự án đầu tư công lẫn tư. Nhiều dự án đầu tư hạ tầng lớn, quan trọng đã được triển khai quyết liệt. “Dự án tỉ USD cũng không còn dành cho doanh nghiệp nước ngoài mà nhiều tập đoàn đầu tư lớn trong nước đã tham gia sân chơi này. Cũng cần phải nói thêm rằng, khu vực vốn ngoại cũng không vì ảnh hưởng thuế quan hay khó khăn của thị trường toàn cầu mà giảm đi. Với hơn 21,51 tỉ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào VN trong 6 tháng, dòng vốn quan trọng này đã tăng hơn 32% so cùng kỳ, cùng với đó là vốn giải ngân cũng tăng rất mạnh cho thấy sức hấp dẫn của thị trường VN trong mắt các nhà đầu tư quốc tế”, ông Thành nhận định.
Bệ phóng từ cuộc cách mạng thể chế
Lý giải về những kết quả lạc quan mà nền kinh tế đạt được trong 6 tháng đầu năm, TS Võ Trí Thành phân tích: Chưa bao giờ nền kinh tế VN chứng kiến cuộc cải cách hành chính quyết liệt và rộng lớn như trong mấy tháng qua. Đó là một cuộc cách mạng và đâu đó trong những con số tăng trưởng bước đầu có kết quả đáng ghi nhận. “Một con số nữa cũng góp phần cho sự đột phá này là cuộc cách mạng cải cách hành chính, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước. Trong nửa năm qua, tăng trưởng về dịch vụ hỗ trợ hành chính lên gần 15%. Con số này với lĩnh vực cải cách hành chính… là xưa nay hiếm”, chuyên gia Võ Trí Thành dẫn chứng.

Tăng trưởng du lịch giúp đẩy mạnh GDP cả nước
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng (Trưởng ngành quản trị kinh doanh, Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) đánh giá GDP tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nhờ 3 trụ cột tăng trưởng là FDI, xuất khẩu và khu vực du lịch, dịch vụ. Trong 3 yếu tố này, FDI và xuất khẩu là động lực chủ lực nhờ tạo ra hiệu ứng lan tỏa sản xuất và thu hút lao động, còn du lịch là yếu tố bổ trợ. Theo ông Trần Anh Tùng, có 4 nguyên nhân tác động tới sự tăng trưởng đột biến của các trụ cột nói trên. Đầu tiên là nhờ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đã phát huy tác dụng khi giữ được tỷ giá ổn định và kiểm soát lạm phát hợp lý, qua đó củng cố niềm tin tiêu dùng và giữ sức mua không bị xói mòn.
Nguyên nhân thứ 2 là sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến chế tạo có giá trị gia tăng cao và tỷ lệ nội địa hóa tốt hơn, giúp nâng tổng giá trị GDP. Nguyên nhân thứ 3 là tiến độ giải ngân đầu tư công dao động khoảng 43% kế hoạch năm, tạo nên cú hích mạnh mẽ cho tăng trưởng GDP thông qua việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tiếp tục phát huy hiệu quả khi nhiều doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời thu hút thêm đầu tư mới. Tổng hòa những yếu tố trên đã tạo nền tảng vững chắc giúp kinh tế tăng trưởng vượt dự báo.

Cũng theo chuyên gia Trần Anh Tùng, cuộc cách mạng về thể chế, tinh gọn bộ máy, đi cùng các quyết sách ủng hộ tuyệt đối khu vực kinh tế tư nhân mà Đảng và Chính phủ quyết liệt thực hiện giai đoạn vừa qua chính là bước ngoặt để phá bỏ mọi rào cản cố hữu trong quá khứ – những thứ mà nền thể chế cồng kềnh tạo ra như tình trạng quan liêu và gánh nặng hành chính. Việc trao quyền mạnh mẽ cho khu vực tư nhân, tháo gỡ rào cản tiếp cận đất đai, tín dụng và thị trường chắc chắn sẽ trở thành động lực tăng trưởng bền vững. Nếu được triển khai nhất quán, minh bạch, đây có thể là bước ngoặt làm thay đổi cấu trúc kinh tế, giảm phụ thuộc FDI, tăng năng suất và cải thiện sức cạnh tranh quốc gia của VN trong giai đoạn tới.
Mặc dù vậy, nếu xét ở yếu tố ngắn hạn, đặc biệt chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm thì tác động tức thời đến tăng trưởng GDP sẽ khá hạn chế. Lý do chính là các cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh luôn cần độ trễ để chuyển hóa thành hành động cụ thể. Đơn cử, một nghị quyết mới hoặc một loạt quy định cắt giảm thủ tục hành chính cần ít nhất 6 – 12 tháng để ban hành hướng dẫn, đào tạo đội ngũ thực thi và tạo niềm tin thị trường. Kể cả khi doanh nghiệp nhận thấy tín hiệu tích cực, họ vẫn mất thêm thời gian để lên kế hoạch mở rộng sản xuất, xin giấy phép, thu xếp vốn và triển khai dự án. Ngoài ra, nửa cuối năm nay, nền kinh tế đang bị chi phối mạnh bởi các yếu tố bên ngoài như xuất khẩu chậm lại, chi phí tuân thủ thương mại cao hơn, rủi ro địa chính trị Mỹ – Trung Quốc, nên cải cách thể chế chỉ có thể làm dịu kỳ vọng trung dài hạn, chứ chưa đủ để tạo cú hích tăng trưởng ngay lập tức.
Phải nỗ lực vượt mong đợi để về đích
Theo kịch bản của Cục Thống kê, VN phải đạt mức tăng trưởng 8,42% trong 6 tháng cuối năm để cả năm đạt mục tiêu 8%. Vậy làm thế nào để đạt con số này? Chuyên gia Võ Trí Thành nêu thuận lợi cho 6 tháng cuối năm là đà tăng trưởng từ quý 3 rất tốt. Tuy nhiên, để đạt được mức 8% cho cả năm sẽ không ít thách thức. “VN là nền kinh tế có độ mở rất lớn, nên bất cứ biến động gì từ thị trường thế giới đều có ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta. Trong khi thế giới vẫn đang diễn biến bất định, xung đột địa chính trị, chính sách thuế quan… sẽ ảnh hưởng đến thương mại và cả đầu tư. Trong nước, quan trọng nhất là cam kết đầu tư công. Giải ngân đầu tư công tại nhiều địa phương còn thấp dưới mức trung bình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến bức tranh kinh tế chung. Ngoài ra, để tiếp tục giữ vững tăng trưởng xuất khẩu và thu hút FDI, tăng tốc phát triển hạ tầng, cải cách hành chính để thu hút đầu tư…, các cấp cơ sở sau sáp nhập cần sớm ổn định, hoạt động ngay, không thể để nhà đầu tư và người dân nói bình mới rượu cũ. Có như vậy mới giữ được đà tăng trưởng”, chuyên gia Võ Trí Thành lưu ý.
Chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng thừa nhận tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm 8,42% là một yêu cầu cao, đòi hỏi nỗ lực vượt mong đợi. Đầu tiên, tiêu dùng nội địa vẫn phục hồi chậm, thu nhập người lao động chưa tăng tương xứng với chi phí sinh hoạt, khiến cầu trong nước chưa tạo lực đẩy đủ mạnh (dự đoán xấp xỉ giảm 0,4%). Xuất khẩu dù duy trì mức tăng 2 con số trong nửa đầu năm nhưng đang đối mặt nguy cơ chững lại khi cầu tiêu dùng của Mỹ và EU giảm tốc rõ rệt, nhất là nhóm hàng điện tử, dệt may, gỗ – vốn chiếm tỷ trọng lớn.
Song song, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang với các biện pháp kiểm soát xuất xứ hàng hóa, siết gian lận thương mại có thể làm gián đoạn luồng hàng xuất khẩu và gia tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp (dự đoán giảm 0,9%). Dòng vốn FDI giải ngân cao kỷ lục nửa đầu năm 2025 khó lặp lại ngay trong 6 tháng cuối năm do nhiều dự án đã giải ngân tập trung trong quý 1 và 2 để tranh thủ ưu đãi thuế cùng mặt bằng giá vật liệu ổn định. Cuối cùng, hiệu ứng cơ sở thấp từng hỗ trợ tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm nay sẽ không còn khi bước sang quý 3 và 4, bởi cùng kỳ năm 2024 nền sản xuất và xuất khẩu đã phục hồi trở lại, làm mức so sánh cao hơn nhiều. “Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực vượt mong đợi”, chuyên gia Trần Anh Tùng nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), lại có cái nhìn đầy lạc quan về khả năng duy trì các động lực kinh tế lớn của VN trong giai đoạn sắp tới. Ông phân tích thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, VN vẫn thể hiện được có môi trường đầu tư tốt. Dù bị đánh thuế nhưng nhờ những bước đi khéo léo từ nhà nước, chúng ta vẫn chiếm được lòng tin từ các nhà đầu tư. Đó là lý do FDI đăng ký mới trong những tháng đầu năm tăng khá mạnh.
Lợi thế này chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy trong nửa cuối năm. Kinh tế thế giới càng biến động thì một quốc gia có đường lối đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo càng có thêm cơ hội trở thành điểm đến được các nhà đầu tư tìm kiếm. Bên cạnh đó, thời gian qua Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách đột phá cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách hành chính, thủ tục đầu tư. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành xây dựng trở thành trụ cột mới của kinh tế trong giai đoạn tới. Cả đầu tư công và đầu tư tư nhân sẽ cùng phát triển mạnh, ngành xây dựng kéo theo rất nhiều ngành cùng phát triển, sẽ trở thành khu vực đóng góp tốt hơn cho các năm tới.
Thêm một yếu tố là lĩnh vực dịch vụ, du lịch đang ngày càng tăng trưởng tốt. Giai đoạn 6 tháng cuối năm có nhiều thời điểm thuận lợi để thúc đẩy nhu cầu du lịch, mua sắm, tiêu dùng hàng hóa, kích thích chi tiêu cho dịch vụ nhiều hơn. Tất cả các yếu tố trên sẽ cùng bổ trợ thúc đẩy GDP tăng trưởng đúng theo kịch bản, đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 8%.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương được tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, chúng ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo. Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu cần tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11 – 12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, tăng tốc mạnh mẽ, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước ngày 31.12.2025.
Nhìn trên tổng quan, các thay đổi về thuế đối ứng, môi trường kinh tế thế giới biến động đang là những thách thức lớn nhất đối với kinh tế VN. Tuy nhiên, thực chất những yếu tố này sẽ không tác động quá nhiều bởi chúng ta hoàn toàn có thể khéo léo hóa giải phù hợp, thậm chí chuyển biến thách thức thành cơ hội. Các nước trên thế giới ngoại trừ Mỹ hiện cũng đã hình thành nhiều hiệp định kinh tế mới, tạo điều kiện để VN mở rộng thị trường, không bị phụ thuộc vào một vài thị trường như trước.
TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)