Thuế phí giảm, ưu đãi tăng

Thuế phí giảm, ưu đãi tăng

bởi

trong
Thuế phí giảm, ưu đãi tăng

Đầu tiên phải nhắc đến là thuế giá trị gia tăng (GTGT), từ ngày 1.7.2025 đến hết ngày 31.12.2026, thuế suất GTGT sẽ được giảm 2% đối với các hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10% – tức giảm xuống còn 8%. Chính sách giảm thuế GTGT đã được thực hiện mấy năm nay, nhưng lần giảm này có nhiều điểm mới hơn và “nặng đô” hơn. Đơn cử, phạm vi áp dụng được mở rộng thêm cho các lĩnh vực như vận tải, logistics, dịch vụ CNTT – những ngành then chốt trong tiến trình phát triển kinh tế số. Đặc biệt, nếu các lần giảm trước đó chỉ mang tính “tạm thời” thì lần này thời gian áp dụng kéo dài đến hết năm 2026, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) yên tâm lập kế hoạch và chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng từ 1.7.2025 đến hết năm 2026, Bộ Tài chính chính thức giảm 50% đối với 46 nhóm phí, lệ phí nhằm hỗ trợ DN và người dân vượt khó. Đây là lần thứ 6 chính sách giảm phí được thực hiện trong 5 năm qua nhưng lần giảm này có độ phủ rộng hơn, từ đăng ký kinh doanh, cấp phép ngân hàng, phòng cháy chữa cháy đến thẩm định xây dựng, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay, cấp đổi hộ chiếu, CCCD, lĩnh vực y tế, chứng khoán… Chưa kể, một số khoản còn được miễn hoàn toàn như phí thẩm định cấp phép hoạt động điện lực trong trường hợp thay đổi địa chỉ trụ sở do sắp xếp đơn vị hành chính. Nhiều DN xuất khẩu cho biết việc giảm phí cấp C/O giúp họ tiết kiệm được đáng kể chi phí giao dịch quốc tế. Quan trọng hơn, việc miễn giảm các loại phí, lệ phí này giúp môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh hơn trong bối cảnh khó khăn vẫn đang biến động khó lường hiện nay.

Một loạt thay đổi trong việc đăng ký xe đi cùng sáp nhập các địa phương cũng có hiệu lực từ đầu tháng 7. Theo đó, Chính phủ bỏ quy định mức thu lệ phí trước bạ 5% với xe máy ở thành phố lớn, áp mức chung 2% cho mọi tỉnh, thành. Ví dụ, người dân ở Hà Nội, TP.HCM, trước đây mua xe máy giá 50 triệu đồng sẽ phải đóng 2,5 triệu đồng lệ phí trước bạ thì từ 1.7, mức này sẽ giảm xuống còn 1 triệu đồng. Đối với xe máy nộp trước bạ lần thứ hai trở đi (xe đã qua sử dụng), mức thu giữ nguyên 1%. Quy định mới này sẽ giúp người dân ở các địa phương sáp nhập tránh chịu lệ phí trước bạ cao nếu áp dụng theo mức cũ.

Không chỉ giảm thuế, phí, lệ phí, hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân và DN cũng đã được triển khai trong giai đoạn hiện nay. Hưởng lợi nhiều nhất chính là ngành công nghệ, cả cá nhân và tổ chức. Cụ thể, hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng ngoài lương và được trả cùng kỳ lương hằng tháng cho người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. DN được tính 200% chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nhà nước có thể đặt hàng hoặc chỉ định thầu đối với sản phẩm, hàng hóa là kết quả của hợp tác công tư để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tất nhiên, không thể không kể đến những cơ chế đột phá cho khối kinh tế tư nhân, DN nhỏ và vừa của Nghị quyết 68. Đến tháng 10 tới, các mức thuế suất tốt hơn, cạnh tranh hơn của luật Thuế thu nhập DN cũng chính thức có hiệu lực; mức giảm trừ gia cảnh của luật Thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ được trình Quốc hội sớm hơn kế hoạch…

Có thể thấy, rất nhiều chính sách tạo thuận lợi cho người dân, DN khi chính thức “sắp xếp lại giang sơn”, mô hình chính quyền 2 cấp gọn nhẹ, hiệu quả đi vào hoạt động. Cùng với độ trễ và sự vận hành thông suốt, các chính sách này chính là nền tảng để khai phá nội lực trong xã hội, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế trong kỷ nguyên mới.