Cao Văn Lầu và ‘Dạ cổ hoài lang’

Cao Văn Lầu và ‘Dạ cổ hoài lang’

bởi

trong

Đêm buồn nhớ vợ

Cuối thế kỷ 19, nhiều nhóm cư dân từ vùng Mỹ Tho, Tân An bỏ quê đi tìm đất sống ở miệt Bạc Liêu, trong đó có gia đình ông Cao Văn Giỏi (xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, tỉnh Tân An). Bấy giờ, Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) mới 6 tuổi, phải theo cha xuống ghe phiêu bạt. Thời gian đầu, họ ở nhờ trên đất của người bà con ở Gia Hội. Làm mướn không đủ ăn nên tiếp tục di chuyển tới Giá Rai và xin cất chòi ở nhờ trên đất chùa Vĩnh Phước An. Thấy gia cảnh ông Giỏi quá khó khăn, trụ trì chùa là Hòa thượng Minh Bảo gợi ý cho Sáu Lầu vào ở trong chùa và cho học chữ nho. Mấy năm sau, ông Giỏi xin cho con trở về nhà học chữ quốc ngữ.

Cao Văn Lầu và ‘Dạ cổ hoài lang’

Giáo sư Trần Văn Khê tại hội thảo 95 năm nghệ thuật cải lương (tháng 1.2014

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Cùng xóm với gia đình ông Giỏi có một nghệ nhân mù với ngón đờn điêu luyện tên là Lê Tài Khí, tục gọi Nhạc Khị. Mê đờn, Sáu Lầu nhờ cha dẫn tới xin học. Ông Giỏi từng làm hương nhạc, sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ và bài bản nhạc lễ nên cũng chỉ dạy thêm cho con. Năm 21 tuổi, Sáu Lầu cưới vợ, nhưng sau 8 năm vợ ông không sinh con nên gia đình buộc ông chia tay. Buồn vì xa vợ, ông đặt bài Hoài lang. Về sau, lời ca của bài Dạ cổ hoài lang có nhiều dị bản.

Theo soạn giả Nguyễn Phương, bài Dạ cổ hoài lang đầu tiên từ nhịp 2, soạn giả Tư Chơi viết thêm lời và kéo dài ra thành nhịp 4. Năm 1942, nghệ sĩ Năm Nghĩa và cô Tư Sạng ca bài vọng cổ nhịp 8 trong vở tuồng Hoa rơi cửa Phật (Lan và Điệp) của soạn giả Trần Hữu Trang. Khi bài vọng cổ tăng thành nhịp 16, nhịp 32 thì lời ca nhiều hơn, giọng ngân dứt câu nghe êm dịu hơn, tiếng ca lịm vào câu đờn, lắng sâu vào tâm hồn người thưởng thức, như bài Gánh nước đêm trăng, nghệ sĩ Hữu Phước ca.

Văng vẳng tiếng chuông chùa

Trong khi đó, theo ký giả Ngành Mai, bản Dạ cổ hoài lang ra đời từ năm 1918, đến giữa thập niên 1930 thì phổ biến rộng ở lục tỉnh Nam kỳ. Bấy giờ, bài Dạ cổ hoài lang nhịp 4 được Năm Nghĩa ca. Năm Nghĩa tên thật là Lư Hòa Nghĩa, quê Bạc Liêu, có làn hơi đặc biệt, đã làm cho bài vọng cổ thêm du dương, mùi mẫn. Tuy nhiên, bài Dạ cổ hoài lang nhịp 4 quá ngắn, khiến làn hơi ca thiên phú của Năm Nghĩa mất đi sự truyền cảm.

Cao Văn Lầu và 'Dạ cổ hoài lang'- Ảnh 2.

Một số nhạc cụ đờn ca tài tử

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Năm 1934, trong một buổi đờn ca ở nhà người bạn gần chùa Vĩnh Phước An, Năm Nghĩa gặp cơn mưa tầm tã nên phải ngủ lại không về nhà được. Giữa đêm khuya thanh vắng, không gian tĩnh mịch, bỗng nghe tiếng chuông chùa vọng lại từng hồi. Năm Nghĩa ngồi bật dậy rồi xuất thần viết luôn 20 câu với câu mở đầu là văng vẳng tiếng chuông chùa, theo điệu Dạ cổ hoài lang và đặt tên là Vì tiền lỗi đạo. Sáng hôm sau, Năm Nghĩa tới nhà thầy là nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ca cho ông nghe thử và đề nghị thầy thêm chữ đờn vào mỗi câu.

Thấy có lý, nhạc sĩ Cao Văn Lầu mời thêm 2 thầy đờn khác là Ba Chột và Mười Khói tới bàn luận, thêm chữ đờn kéo dài bài Dạ cổ hoài lang tăng lên nhịp 8, đủ thời gian cho Năm Nghĩa ca thoải mái bài 20 câu Vì tiền lỗi đạo. Khoảng một năm sau, bài ca này phổ biến ở Sài Gòn, gọi là bài Văng vẳng tiếng chuông chùa và kể từ đó, cái tên Dạ cổ được người Sài Gòn gọi trại là Vọng cổ. Theo ký giả kịch trường Thiện Mộc Lan thì năm 1934, bài Văng vẳng tiếng chuông chùa được hãng Asia thu vào dĩa với giọng ca nghe buồn não nuột ở những chữ ngân dài cuối câu nghe hơ, hơ, hơ của Năm Nghĩa.

Xuất xứ nhiều giả thuyết

Tại hội thảo 90 năm bản Dạ cổ hoài lang tổ chức tại Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM ngày 29.7.2009, giáo sư Trần Văn Khê nhận định: “Đến nay, rất nhiều người đều cho rằng ông Sáu Cao Văn Lầu là tác giả bài Dạ cổ hoài lang. Nhưng về năm sinh của tác giả và năm ra đời của Dạ cổ hoài lang cũng có nhiều khác biệt. Cho nên xuất xứ của bài này vẫn còn nằm trong nhiều giả thuyết”.

Cao Văn Lầu và 'Dạ cổ hoài lang'- Ảnh 3.

Rạp hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu, nay thuộc tỉnh Cà Mau)

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Không chỉ khác biệt về năm ra đời và xuất xứ bản Dạ cổ hoài lang, mà từ nhịp 2 nâng lên nhịp 8, nhịp 16…, nhiều chi tiết cũng khác biệt.

Trong bài Thử tìm xuất xứ bài vọng cổ đăng trên tạp chí Bách Khoa (15.8.1959), tác giả Nguyễn Tử Quang cho rằng: “Đây vốn là bài thơ có dạng như một bài phú 20 câu lấy nhan đề là Dạ cổ hoài lang ra đời năm 1920 do nhà sư Nguyệt Chiếu, nho học uyên thâm, vì thất thời nên tạm lánh mình vào cửa Phật, nhưng nặng tình non nước nên mới đem tâm sự mình ký gửi vào bài thơ, đề là Dạ cổ hoài lang, nghĩa là Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng, và bài thơ này được Cao Văn Lầu phổ nhạc”.

Ngược lại, trong tham luận đọc tại hội thảo “Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ”, ông Trần Phước Thuận cho rằng sư Nguyệt Chiếu là bậc thầy trong làng nhạc lễ, có công đào tạo nhiều học trò. Sư đặc biệt quan tâm đến bài Dạ cổ của Cao Văn Lầu và ra công phổ biến nó, chứ không phải là người sáng tác. Tết Trung thu năm Mậu Ngọ 1918, Sáu Lầu đến thăm thầy Nhạc Khị, luôn tiện trình bày bản nhạc chưa có tên. Nghe xong, thầy hết sức khen ngợi. Đêm đó có sư Nguyệt Chiếu cùng tham dự, thầy Nhạc Khị liền nhờ nhà sư đặt tên cho bản nhạc và sư Nguyệt Chiếu đã đặt tên là Dạ cổ hoài lang.

Cao Văn Lầu và 'Dạ cổ hoài lang'- Ảnh 4.

Quảng trường Bạc Liêu

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Theo giáo sư Trần Văn Khê, năm 1925, ông Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi) sáng tác lời ca cho bài vọng cổ nhịp 4 mang tên Tiếng nhạn kêu sương.

“Nhạn đành kêu sương nơi biển bắc

Em cam khóc hận dưới trời nam”.

Năm 1934, Năm Nghĩa chuyển từ nhịp 4 lên nhịp 8 trong bài Văng vẳng tiếng chuông chùa. Năm 1938, nhạc sĩ Vĩnh Bảo đờn cho cô Năm Cần Thơ ca vọng cổ nhịp 16. Năm 1948, nghệ sĩ Út Trà Ôn ca bài Tôn Tẩn giả điên nhịp 16 và từ năm 1955, vọng cổ nhịp 32 phổ biến rộng rãi tới nay.