Được bố trí việc mới, cán bộ không chuyên trách mừng vui tiếp tục công tác

Được bố trí việc mới, cán bộ không chuyên trách mừng vui tiếp tục công tác

bởi

trong

“Mong được tiếp tục làm việc”

Vốn là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) của một xã tại tỉnh Vĩnh Long, anh Lương Minh Tiến (40 tuổi) lo lắng suốt thời gian qua vì thông tin “dừng hoạt động” của đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã. 

“Tôi đã làm ở ấp được 2 năm, sau đó lên xã làm 10 năm cho đến nay. Dù ở nhà vẫn trồng trọt được và không lo miếng ăn nhưng khi biết tin phải nghỉ thực sự rất bồn chồn. Bởi vì đó là công việc tôi đã gắn bó và quen làm gần như cả tuổi trẻ, chưa bao giờ tôi nghĩ mình phải rời khỏi nó”, anh Lương bộc bạch. 

Hàng ngày, anh hỏi thăm tình hình từ UBND xã, kết nối tìm hiểu các đồng nghiệp khắp cả nước trên mạng xã hội để nắm bắt tình hình, trả lời câu hỏi “tương lai công việc của mình sẽ đi đâu về đâu?”. Dù ủng hộ chủ trương sáp nhập và tin tưởng vào cuộc cách mạng tinh giản bộ máy nhà nước, anh vẫn hy vọng có cơ hội được tiếp tục cống hiến. 

“Chỉ mới cách đây 2 hôm, chủ tịch UBND đã gọi điện để thông báo cho tôi về kế hoạch bố trí cho tôi và một số anh em khác tiếp tục làm giúp việc ở MTTQ, Hội nông dân,… tôi thực sự rất mừng. Dù chưa có quyết định chính thức nhưng tôi vẫn rất kỳ vọng vào công việc mới, bất kể tên gọi nó là gì”, vị nguyên Phó chủ tịch MTTQ xã nói. 

Được bố trí việc mới, cán bộ không chuyên trách mừng vui tiếp tục công tác

Cán bộ không chuyên trách cấp xã phấn khởi vì tiếp tục được cống hiến, bất kể danh xưng là gì (Ảnh minh họa: Q.A).

“Còn một giây phút tàn hơi là vẫn còn chiến đấu không thôi”, anh Lương Minh Tiến trích dẫn một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để miêu tả về tinh thần của bản thân lúc này. Anh nói, bản thân đã quen thuộc với từng đầu việc, gắn bó với từng hộ gia đình trong xã, nắm bắt được tình hình ở đây, nếu không còn tiếp tục làm việc thì rất đáng tiếc. 

“Tôi đã làm việc ở đây từ khi trợ cấp mới ở mức 1,4 triệu đồng/tháng tới giờ được hơn 5 triệu đồng/tháng. Tới đây dù không còn là Phó chủ tịch MTTQ mà chỉ còn danh xưng “giúp việc”, tôi vẫn được nhận cơ chế hỗ trợ cũ. Cho dù công việc nhiều hơn khi 4 xã sáp nhập lại thành một nhưng tôi đã không để tâm đến chuyện lương thưởng từ lâu, không có lý do gì đến giờ này lại phải lăn tăn”, anh Tiến cười nói. 

“Một tương lai mới cho tôi và đất nước”

10 năm làm việc ở MTTQ xã, anh Tiến thường phụ trách các công việc như chăm lo, thăm nom gia đình chính sách, vận động tặng quà người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thăm các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu…

Ngày thường, anh sẽ vận động làm đường, trồng cây cảnh, hoa kiểng, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nắm bắt dư luận xã hội, giám sát công trình,…

“Tới đây, dự kiến công việc sẽ nặng nề hơn, đặc biệt là tới kỳ bầu cử. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho công việc này, bởi tôi nghĩ nó là một bước tiến cho tương lai của bản thân và cho đất nước.

Thêm vào đó, tiếp tục làm việc có nghĩa là tôi tiếp tục được đóng BHXH, sau này có thể được cân nhắc về ấp. Tôi nghĩ mình được lợi rất nhiều chứ không thiệt thòi gì cả”, anh chia sẻ. 

Được bố trí việc mới, cán bộ không chuyên trách mừng vui tiếp tục công tác - 2

Khi sáp nhập 4 xã làm 1, anh Tiến dự kiến công việc của anh sẽ nhiều hơn (Ảnh minh họa: DT).

Tương tự, anh Hoàng Long, 43 tuổi, từng làm phó chủ tịch Hội nông dân xã mới đây được quyết định về giúp việc cho Hội nông dân xã mới, cũng khấp khởi vì tận dụng được kinh nghiệm của mình trong thời gian tới. 

“Tôi cảm thấy may mắn vì vẫn tiếp tục được làm việc. Ở tuổi này tìm việc bên ngoài cũng khó, về làm ruộng cũng không khá hơn. Nếu thời gian làm việc kéo dài, hiệu quả công việc tốt thì sắp tới có thể sẽ được cân nhắc về thôn làm việc tiếp”, anh Long hào hứng nói. 

Không chờ đến lúc có quyết định sắp xếp lại, anh Nguyễn Mạnh Tùng, 44 tuổi, ở Thanh Hóa đã bắt đầu xây dựng kế hoạch cho riêng mình, khi nhận được thông tin cán bộ không chuyên trách sẽ dừng công việc. 

Hai tháng qua, anh xây dựng cửa hàng bán cây xanh tại nhà, như một bước chuyển đổi cần thiết trong bối cảnh theo anh là “không thể nào khác”. 

“Khi cả nước đã ở trong một cuộc cách mạng tinh giản để phát triển, tôi nghĩ cố bám trụ lại cũng không có ý nghĩa gì cho cả cá nhân tôi và cho bộ máy. Bởi bộ máy mới sẽ tập trung vào tinh, gọn nhưng phải mạnh”, anh Tùng thẳng thắn khi nói về lý do quyết định rời bỏ công việc đã gắn bó gần 20 năm. 

Chính sách nào cho cán bộ không chuyên trách cấp xã?

Ngày 2/7, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính vừa ban hành Công văn số 12, cho phép các địa phương tạm thời giữ lại lực lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường đến trước ngày 31/5/2026. Nếu dôi dư, UBND cấp xã có thể điều chuyển họ xuống các chức danh thôn, tổ dân phố và khi nghỉ việc được giải quyết theo Nghị định 154. 

Song hành với đó, Nghị định 154/2025/NĐ-CP (hiệu lực 16/6/2025) mở rộng mức hỗ trợ tinh giản: cán bộ có từ 5 năm công tác trở lên và còn ít nhất 5 năm đến tuổi hưu được hưởng một lần tối đa 48 tháng phụ cấp; các nhóm cận tuổi hưu hoặc dưới 5 năm công tác được tính theo công thức riêng, cao hơn khung của NĐ 29/2023.

Được bố trí việc mới, cán bộ không chuyên trách mừng vui tiếp tục công tác - 3

Nhiều chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc (Ảnh minh họa: DT).

Để tạo lối ra vào hệ thống công vụ, Nghị định 170/2025/NĐ-CP (hiệu lực 1/7/2025) bổ sung cơ chế đặc cách tiếp nhận người hoạt động không chuyên trách thành công chức nếu họ có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm, đóng BHXH bắt buộc và chuyên môn phù hợp; trường hợp đã nhận trợ cấp tinh giản theo NĐ 154 thì phải hoàn trả trong vòng 60 tháng sau khi được tuyển dụng.

Về nguồn chi, mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng (áp dụng từ 1/7/2024) tiếp tục là “hệ số gốc” để Trung ương khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách theo tỷ lệ 21 – 18 – 15 lần tùy loại hình xã; đây cũng là cơ sở để tỉnh, thành tự cân đối quỹ trợ cấp hoặc khoán phụ cấp kiêm nhiệm. 

Nhiều địa phương đã chủ động triển khai các phương án tinh giản và bố trí lại cán bộ không chuyên trách cấp xã. Một số nơi như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam đã phê duyệt danh sách dôi dư và xây dựng chính sách hỗ trợ riêng, bên cạnh quy định chung của Trung ương. Trong khi đó, các tỉnh như Quảng Ninh, Vĩnh Long điều chỉnh mức khoán phụ cấp hoặc đề xuất tăng thêm hỗ trợ tài chính, nhằm giảm xáo trộn và tạo điều kiện cho cán bộ ổn định sau sắp xếp.