Điện sạch hậu “cơn sốt”: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách?

Điện sạch hậu “cơn sốt”: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách?

bởi

trong

Cách đây gần một thập kỷ, nhắc đến Thuận Nam, Ninh Hải, Bác Ái, Thuận Bắc (Ninh Thuận cũ, nay là Khánh Hòa) hay Tuy Phong, Bắc Bình (Bình Thuận cũ, nay là Lâm Đồng) là nhắc đến những vùng đất khô hạn quanh năm, nơi đồng cỏ cháy vàng dưới cái nắng gay gắt, mặt đất lổn nhổn đá sỏi.

“Chó ăn đá, gà ăn sỏi” là câu nói được người địa phương ví với vùng đất khắc nghiệt mà họ vẫn bám trụ qua bao thế hệ. Nông nghiệp bấp bênh, sinh kế chủ yếu của người dân dựa vào chăn cừu, thả dê.

Rồi một ngày, từng đoàn xe tải hạng nặng nối đuôi nhau về vùng cát trắng, dựng trụ, lắp pin, kéo dây. Chỉ sau vài tháng, những cánh đồng nắng cháy ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũ lần lượt được phủ kín bởi hàng triệu tấm pin mặt trời và những trụ tuabin gió trắng muốt.

Khó ai có thể hình dung rằng những vùng đất từng bị xem là “không thể canh tác” ấy lại trở thành điểm đến của hàng loạt nhà đầu tư năng lượng lớn bậc nhất cả nước. Nắng và gió từng là thách thức nay trở thành lợi thế, giúp hai địa phương này đóng góp hàng tỷ kWh điện sạch mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia.

Điện sạch hậu “cơn sốt”: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách?

Năm 2011, cơ chế giá điện cố định – FIT (Feed-in Tariff) cho năng lượng tái tạo lần đầu được ban hành tại Việt Nam, áp dụng cho các dự án điện gió với mức giá 7,8 US cent/kWh (hơn 2.044 đồng/kWh theo tỷ giá hiện nay), theo Quyết định 37/2011. Đến năm 2018, Quyết định 39/2018 điều chỉnh giá FIT cho các dự án điện gió trên đất liền có ngày vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 là 8,5 cent/kWh (2.227 đồng/kWh). 

Với dự án điện mặt trời mặt đất, giá FIT được áp dụng lần đầu theo Quyết định 11/2017 là 9,35 cent/kWh (hơn 2.449 đồng/kWh) và chỉ được áp dụng cho các dự án nối lưới từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019. Đến tháng 4/2020, Chính phủ ban hành Quyết định 13/2020 với biểu giá điện mặt trời FIT 2 dành cho điện mặt trời.

Giá mua điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent/kWh (hơn 1.857 đồng/kWh). Đơn giá này sẽ được kéo dài 20 năm nhưng chỉ áp dụng cho các dự án có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ đến hết ngày 31/12/2020. 

Hàng loạt chính sách giá FIT ưu đãi với nhiều giai đoạn phát triển đã tạo cú hích đầu tư mạnh mẽ thời điểm đó. Nhiều nhà đầu tư ồ ạt đổ về những địa phương có lợi thế về bức xạ nhiệt và tốc độ gió như vùng phía Nam tỉnh Khánh Hòa và phía Đông Bắc tỉnh Lâm Đồng (2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũ).

Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận cũ được hưởng mức giá FIT ưu đãi là 9,35 cent/kWh đến cuối năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai. 

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 3

Nhiều chủ đầu tư “chạy đua” từng ngày để kịp tiến độ vận hành thương mại trước hạn. Tại các xã phía Nam của tỉnh Khánh Hòa như Phước Dinh, Cà Ná, Thuận Nam… công suất điện mặt trời bùng nổ, nhanh chóng vượt mức quy hoạch cho phép. Ở khu vực Đông Bắc tỉnh Lâm Đồng, nhiều cánh đồng tuabin gió phủ kín dọc tuyến ven biển khu vực Bắc Bình, Liên Hương, Tuy Phong.

Từ mức 86MW vào năm 2018, công suất điện mặt trời đã tăng trưởng vọt lên 4.464 MW vào cuối tháng 6/2019 – khi ưu đãi giá FIT 1 hết hiệu lực. Thời điểm đó, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.

Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (chỉ 850MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cũ có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027MW, tính đến tháng 7/2019. Lãnh đạo EVN thời điểm đó nêu số nhà máy điện mặt trời mới đóng điện vận hành chỉ trong 3 tháng là một kỷ lục trong suốt lịch sử ngành điện lực. 

Và tính đến cuối năm 2020 – khi ưu đãi giá FIT 2 với điện mặt trời hết hiệu lực, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt 16.500MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. 

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 5

Tại Ninh Thuận cũ, những dự án điện mặt trời lớn ồ ạt xuất hiện như cụm nhà máy BIM 1, 2, 3 của BIM Group tại xã Phước Ninh và Phước Minh, với tổng công suất hơn 330MW, hoàn thành và phát điện từ tháng 4/2019. Gần đó, nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại xã Bắc Phong và Lợi Hải có công suất 204MW cũng chính thức vận hành từ tháng 7/2019.

Ngoài ra, dự án nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Energy Việt Nam (168MW) và nhà máy Mỹ Sơn 1 (50MW) tại xã Ninh Sơn cũng lần lượt đi vào hoạt động trong năm 2019, dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (450MW) vận hành tháng 10/2020… 

Trong khi đó, điện gió cũng bứt tốc mạnh với hàng loạt trụ tuabin vươn cao dọc ven biển phía Nam tỉnh Khánh Hòa. Xã Liên Hương (Lâm Đồng) nơi từng có dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam (2009) cũng không nằm ngoài cuộc đua. 

Giai đoạn 2017-2021, tỉnh thu hút hàng chục dự án điện gió với tổng công suất hàng nghìn MW, nổi bật như các nhà máy ở huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam như Nhà máy điện gió Đại Phong (50MW) vận hành thương mại từ tháng 7/2020; Nhà máy điện gió Phú Lạc giai đoạn 2 (25MW) vận hành thương mại từ tháng 10/2021…

Đến hết ngày 31/10/2021 – khi cơ chế giá FIT với điện gió hết hạn, có 69 dự án tổng công suất 3.298MW được công nhận vận hành thương mại. Hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.980MW.

Từ mức 518MW đến cuối năm 2020, công suất lắp đặt điện gió đã tăng lên gần 4.000MW chỉ sau một năm. Việc tăng giá FIT cho điện gió vào năm 2018 đã đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sự tăng trưởng này.

Hàng loạt chính sách khuyến khích, đặc biệt là mức giá FIT hấp dẫn đã kích hoạt làn sóng đầu tư mạnh mẽ cả trong vào ngoài nước, với hàng nghìn tỷ đồng đổ vào các dự án điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam. Sự sôi động của thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam đã thu hút hàng loạt “ông lớn” quốc tế từ Pháp, Hà Lan đến Philippines, Thái Lan, Trung Quốc…

Không chỉ mang lại thay đổi về cảnh quan, điện tái tạo còn mở ra cơ hội mới về việc làm, cơ sở hạ tầng và đóng góp lớn vào ngân sách địa phương. Chính sách giá FIT đã phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, tuy nhiên lại chưa đi kèm với kế hoạch phát triển và nâng cấp đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện.

Việc các nhà máy điện tái tạo đồng loạt vận hành trong thời gian ngắn cũng kéo theo hệ lụy quá tải lưới truyền tải một số khu vực, điển hình là 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận cũ. Đa số các đường dây, trạm biến áp 110-500kV trên 2 địa bàn này đều quá tải, trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%… Các nhà máy năng lượng tái tạo ở các khu vực này phải giảm phát ở từng thời điểm để vận hành an toàn hệ thống.

Đặc biệt, trong năm 2020, ngành điện chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo, trong đó, đáng chú ý là điện mặt trời áp mái. Tháng 6/2020 sản lượng điện mặt trời áp mái đạt 6.000MWp, nhưng đến tháng 12/2020 tăng lên 10.000MWp. Trung tâm Điều độ hệ thống điện đã phải tiết giảm 365 triệu KWh.

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 7

Sau giai đoạn bùng nổ, xu thế phát triển điện mặt trời, điện gió đột ngột “phanh gấp” do cơ chế giá FIT kết thúc và chưa có cơ chế thay thế phù hợp. Dù Bộ Công Thương đã ban hành khung giá cho dự án điện tái tạo chuyển tiếp, hối thúc các bên đàm phán giá điện, ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng việc đàm phán sau nhiều năm vẫn bế tắc do hàng loạt nguyên nhân. 

Nhiều dự án điện gió, mặt trời đã phát điện lên lưới nhưng vẫn chưa thống nhất được ngày COD và giá bán điện chính thức. Hàng loạt dự án cũ gặp khó khăn vướng mắc về tài chính do không nhận đủ thanh toán từ EVN hoặc không đàm phán được PPA mới. Trong khi đó 4 năm vừa qua, nhiều chủ đầu tư không phát triển được dự án mới do quy hoạch công bố chậm.

Khó khăn lớn nhất của các chủ đầu tư đến từ việc thiếu cơ chế giá điện rõ ràng và thống nhất. Sau khi giá FIT ưu đãi hết hiệu lực, các dự án đã được đầu tư, triển khai nhưng chưa kịp hoàn thành trước hạn giá FIT được xếp vào diện “chuyển tiếp” buộc phải đàm phán với EVN theo mức giá tạm thời do Bộ Công Thương ban hành (Quyết định 21/2023). Tuy nhiên, việc đàm phán giá chính thức kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó trong đầu tư và vận hành do chờ đợi thống nhất giá điện.

Số liệu mới nhất của EVN cho biết thông qua Công ty Mua bán điện (EVNEPTC), tập đoàn này đang thực hiện đàm phán PPA với 85 nhà máy điện/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp tổng công suất hơn 4.734MW, trong đó có 77 dự án điện gió và 8 dự án điện mặt trời.

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 9

Sau hơn 2 năm, mới 16/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất hơn 943MW thống nhất được giá mua điện chính thức. Trong đó, 10 dự án (532MW) đã chính thức ký hợp đồng sửa đổi bổ sung về giá điện và 6 dự án (411MW) đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo hợp đồng, sẵn sàng ký kết. Bên cạnh đó, có 30 dự án với tổng công suất hơn 1.631MW đã hoàn thành COD; 41 dự án, tương đương hơn 2.516MW đã gửi hồ sơ đàm phán giá điện.

Việc chạy theo thời hạn để được hưởng giá FIT đã khiến một số nhà đầu tư rút ngắn quy trình triển khai, bỏ qua các thủ tục cần thiết, thậm chí có trường hợp vi phạm quy định về quy hoạch, pháp lý…

Hàng loạt dự án năng lượng tái tạo đã vận hành thương mại, từng được hưởng giá FIT theo các quyết định nhưng sau đó Kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối 2023 đã chỉ ra nhiều dự án chưa đủ thủ tục để được hưởng giá đó. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có hơn 170 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới gặp tình huống này.

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận 154 dự án điện mặt trời được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch không có căn cứ pháp lý. Sau khi có kết luận thanh tra, nhiều dự án gặp vướng mắc để triển khai kết luận dẫn đến chậm trễ hoặc chưa được thanh toán đầy đủ tiền điện.

Thời gian qua các cơ quan chức năng đã đề xuất giải pháp khắc phục các sai phạm, vi phạm của các dự án năng lượng tái tạo. Trong số các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án năng lượng, cơ quan chức năng đề xuất đối với các dự án xảy ra vi phạm, không đáp ứng đủ các điều kiện sẽ không được hưởng giá ưu đãi và phải xác định lại giá điện. Đồng thời thu hồi các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ, thanh toán tiền mua điện.

Do đó thay vì được hưởng giá mua bán điện mặt trời lên đến 9,35 cent/kWh theo giá FIT 1 hoặc 7,09 cent/kWh theo giá FIT 2, các dự án có nguy cơ hưởng mức giá bằng với các dự án chuyển tiếp là không quá 1.184,9 đồng/kWh.

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 11

Trong đơn kiến nghị hồi tháng 5, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan ngại về việc xử lý với các đề xuất. Đặc biệt là đề xuất của EVNEPTC sẽ thực hiện tạm thanh toán tiền điện theo nguyên tắc áp dụng giá điện tương đương giá FIT hoặc giá trần của khung giá chuyển tiếp tại thời điểm nhà máy có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu (CCA) trong khi chờ hướng dẫn.

Nhóm nhà đầu tư này cũng cho biết từ tháng 1, EVNEPTC đã đơn phương tạm giữ lại một phần tiền thanh toán thông qua việc áp dụng biểu giá tạm thời. Các doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục thực hiện ngày COD như đã chấp thuận ban đầu.

Bên cạnh các dự án còn gặp vướng mắc, một số dự án đã dần được tháo gỡ về thủ tục pháp lý, chẳng hạn như dự án của TTC Group với việc dự Nhà máy điện mặt trời Đức Huệ 2 (huyện Đức Huệ, Long An) của TTC đã được bổ sung quy hoạch và đang trong quá trình thi công, dự kiến đóng điện trong năm nay…

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 13

Ngày 10/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 233 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư.

Nghị quyết yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN và các địa phương rà soát toàn bộ danh mục dự án chuyển tiếp, đẩy nhanh cấp phép, nghiệm thu và xác định giá điện tạm thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát điện lên lưới. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo xem xét cơ chế đấu giá, đấu thầu mua điện theo hướng minh bạch, ổn định, nhằm phục hồi niềm tin cho nhà đầu tư.

Trả lời phóng viên báo Dân trí liên quan đến những vướng mắc của các doanh nghiệp điện tái tạo, Phó cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Bùi Quốc Hùng cho biết, Bộ đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo.

Về quy hoạch, Bộ ban hành quyết định để hoàn thiện quy hoạch đảm bảo cho các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 768/2025 điều chỉnh Quy hoạch điện 8, trong đó cập nhật các dự án năng lượng tái tạo đang vướng mắc vào trong quy hoạch này. 

“Như vậy, những vướng mắc trong quy hoạch của các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đã được tháo gỡ”, ông Hùng nói.

Với các vướng mắc liên quan cơ chế COD và giá FIT, ông Hùng cho biết các vướng mắc liên quan đến vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của EVN, theo Luật Điện lực. Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo EVN tháo gỡ, xử lý dứt điểm các nội dung liên quan, đặc biệt trong việc xác định quyền được hưởng giá FIT. Tuy nhiên, đến nay, EVN chưa có báo cáo chính thức.

Theo nguyên tắc giải quyết của Nghị quyết 233 việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan, cấp, ngành, địa phương nào thì cơ quan, cấp, ngành, địa phương đó phải giải quyết. Bộ Công Thương được giao tổng hợp, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền để báo cáo Chính phủ.

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 15

Ông Hùng nói thêm, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều văn bản gửi các địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện tái tạo, đồng thời có nhiều báo cáo Chính phủ để thực hiện nhưng đến nay việc tháo gỡ vẫn chưa hoàn thành thực hiện được.

Đối với việc EVNEPTC đang tạm giữ tiền thanh toán của một số dự án điện tái tạo cũng như đề xuất điều chỉnh giá FIT cho các dự án này, lãnh đạo Cục Điện lực nói theo quy định của pháp luật về điện lực, việc thỏa thuận, ký hợp đồng mua bán điện và công nhận COD của các dự án điện mặt trời, điện gió là thuộc thẩm quyền của EVN.

Bộ Công Thương thời gian qua ban hành nhiều thông tư hướng dẫn cho các chủ đầu tư, EVN, các đơn vị liên quan có các biểu mẫu thực hiện các hợp đồng mua bán điện như Thông tư 18/2020, Thông tư 16/2017, Thông tư 02/2019. 

Ngày 29/5, trên cơ sở báo cáo của EVN, Cục Điện lực đã tổ chức cuộc họp đối thoại với hơn 36 đại diện doanh nghiệp và hiệp hội, nhằm trao đổi, lắng nghe ý kiến và phản ánh về tiến độ giải quyết các vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo.

“Về nguyên tắc giải quyết theo Nghị quyết 233, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan, cấp, ngành, địa phương đó. Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ tổng hợp, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền để báo cáo Chính phủ”, ông nói.

Bộ Công Thương đã có nhiều báo cáo gửi Lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo 751 phản ánh tình hình vướng mắc về giá FIT, đồng thời yêu cầu EVN khẩn trương giải quyết theo tinh thần của Nghị quyết 233.

“Theo Kết luận 1027 của Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm trong công nhận COD và mua bán điện các nhà máy điện mặt trời, điện gió theo giá cố định thuộc về chủ đầu tư, công ty mua bán điện và EVN. Như vậy, EVN là cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết vướng mắc về COD để xác định giá FIT”, ông Hùng nói.

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 17

Theo lãnh đạo Cục Điện lực, EVN cũng có trách nhiệm phối hợp với các chủ đầu tư đưa ra phương án quyết định và thống nhất về việc hưởng giá FIT cho các dự án. Bộ Công Thương đã kiến nghị Lãnh đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo 751 xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan, trên cơ sở báo cáo của EVN và kết quả cuộc họp trao đổi với doanh nghiệp, hiệp hội, nhà đầu tư.

“Theo Bộ Công Thương, nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện quốc tế là hoàn toàn có thể xảy ra trên diện rộng và kéo dài đối với các dự án năng lượng tái tạo. Do đó, Bộ kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với EVN và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá và sớm có báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và Ban Chỉ đạo 751”, ông Hùng nói.

Hiện nay, việc đàm phán giữa EVN và các nhà đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc. Các nhà đầu tư đều không nhất trí với cách giải quyết theo hướng tạm thanh toán, áp dụng giá tạm với các dự án năng lượng tái tạo của EVN hiện nay.

Tính đến tháng 4, có 172 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió thiếu văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm được công nhận ngày COD. EVNEPTC đã làm việc trực tiếp với chủ đầu tư của 159 nhà máy/phần nhà máy có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày COD. Các chủ đầu tư của 14 nhà máy/phần nhà máy điện chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu không tham gia họp, EVN đang tạm dừng thanh toán.

EVN đang tạm thanh toán từ tháng 1 cho 159 nhà máy/phần nhà máy. Cụ thể, có 25 nhà máy/phần nhà máy (tổng công suất 1.278MWp) đang thanh toán theo giá ưu đãi FIT 1 sẽ tạm thanh toán theo giá ưu đãi FIT 2; có 93 nhà máy/phần nhà máy mặt trời (tổng công suất 7.257MW) đang thanh toán theo giá FIT sẽ tạm thanh toán theo giá trần chuyển tiếp.

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 19

Có 14 nhà máy/phần nhà máy điện gió (công suất 649MW) đang thanh toán theo giá ưu đãi sẽ tạm thanh toán theo giá trần chuyển tiếp. Cũng có 13 nhà máy chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, EVN tạm thanh toán theo chi phí vận hành và bảo trì.

Theo EVN, trong quá trình đàm phán, EVNEPTC và các chủ đầu tư đã cùng đối diện với một số thách thức liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Một số dự án còn đang trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn tiến độ hoặc làm rõ thông tin công suất quy hoạch. EVNEPTC đã chủ động yêu cầu chủ đầu tư làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện.

Về vấn đề sản lượng điện và tổng mức đầu tư, EVN cho biết đôi khi có sự chênh lệch giữa số liệu sản lượng điện trong hồ sơ thiết kế với thực tế vận hành hoặc thông số đàm phán. Tương tự, việc rà soát chi phí đầu tư để đảm bảo tuân thủ Thông tư 12 cũng đòi hỏi sự kiểm tra kỹ các hợp đồng và tài liệu.

Liên quan đến những khó khăn của các dự án điện tái tạo, tại một hội thảo hồi cuối tháng 5, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 233 về việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. EVN cũng đang quán triệt, thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 233 và xử lý triệt để.

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 21

Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa (tỉnh Ninh Thuận cũ), tiếp tục xác định năng lượng, năng lượng tái tạo là động lực tăng trưởng, ngành thu hút đầu tư mũi nhọn của tỉnh. 

“Khánh Hòa rất vinh dự với trọng trách được Trung ương tiếp tục khởi động lại xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đây là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa trong việc đảm bảo an ninh năng lượng để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới của đất nước, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội khu vực phía Nam tỉnh phát triển”, ông nói.

Lãnh đạo tỉnh đánh giá dự án cũng tác động, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác: Ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất thiết bị kỹ thuật cao, vật liệu xây dựng và công nghiệp năng lượng tái tạo; các hoạt động du lịch tham quan, nghiên cứu; các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe. Theo đó, dự kiến dự án điện hạt nhân sẽ đóng góp tăng trưởng thêm cho ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ so với kịch bản chưa khởi động nhà máy điện hạt nhân.

Cuối tháng 5 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cũ đã có báo cáo về tình hình triển khai các dự án điện thuộc Quy hoạch điện 8 và Quy hoạch điện 8 điều chỉnh. Qua đó, theo cơ quan quản lý Nhà nước, quy hoạch điện 8, tỉnh có 22 dự án năng lượng tái tạo. Địa phương đã chấp thuận nhà đầu tư đối với 8 dự án/2.677MW; 14 dự án/2.051MW đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Điện sạch hậu cơn sốt: Hàng nghìn tỷ đồng kẹt giữa rào cản chính sách? - 23

Đó là dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa, Thủy điện tích năng Bác Ái, Nhà máy điện gió Phước Hữu, Nhà máy Phong điện Việt Nam Power số 1, Nhà máy điện gió Công Hải 1 – giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam – Enfinity – Ninh Thuận và một phần công suất Nhà máy điện gió Hanbaram.

Đối với 8 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư hiện có một số khó khăn về việc ban hành cơ chế giá điện. UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương. Với dự án Nhà máy điện gió Công Hải 1 – giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Tổng Công ty Phát điện 2 – Công ty cổ phần – cũng chưa có cơ chế giá điện.

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Đặc biệt là các dự án vướng mặt bằng như thủy điện tích năng Bác Ái, dự án nhà máy phong điện Việt Nam Power số 1.

Dù còn nhiều vướng mắc, nỗ lực của các địa phương trong việc tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư là tín hiệu tích cực cho tương lai năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để chuyển từ phát triển “nóng” sang phát triển bền vững, theo các chuyên gia, lĩnh vực này cần một khung chính sách đồng bộ và ổn định hơn.

Việc chuyển đổi từ cơ chế giá FIT sang các mô hình cạnh tranh như đấu thầu là bước đi đúng hướng trong bối cảnh hiện nay, tạo ra môi trường minh bạch, công bằng, giúp sàng lọc những nhà đầu tư thực chất. Khi chính sách, hạ tầng và thị trường vận hành hài hòa, đó mới là lúc năng lượng tái tạo thực sự phát huy được vai trò trụ cột trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển xanh dài hạn.

Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. An ninh năng lượng trở thành vấn đề sống còn đối với mọi quốc gia. Xu thế chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch đang diễn ra mạnh mẽ. Tại Việt Nam, quá trình này là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với các cam kết quốc tế.

Quy hoạch điện 8 được ban hành năm 2023, điều chỉnh tháng 4/2025 đã đặt mục tiêu về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào điện than, đồng thời thúc đẩy điện khí, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và điện hạt nhân. Dù vậy, quá trình hiện thực hóa vẫn đang gặp không ít thách thức khi nhiều dự án đã đầu tư nhưng chưa thống nhất giá điện chính thức, nâng cấp hạ tầng truyền tải còn chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển nguồn điện, công tác quy hoạch còn thiếu đồng bộ…

Tuyến bài “Chuyển đổi năng lượng công bằng trong quy hoạch điện 8” do Báo Dân trí thực hiện sẽ phản ánh bức tranh tổng thể về định hướng, làm rõ hiện trạng phía Nam, đặc biệt tại các địa phương giàu tiềm năng phát triển điện tái tạo như Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng thời ghi nhận tâm tư, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Tuyến bài góp phần lan tỏa nhận thức, thúc đẩy đối thoại chính sách và đề xuất giải pháp cho một tương lai phát triển năng lượng bền vững, hiệu quả.

Nội dung: Thanh Thương, Phước Tuần

Ảnh: Nam Anh

Thiết kế: Tuấn Huy