TP HCMBé Thảo, 12 tuổi, bị u xương sụn ở đầu dưới xương chày phải, được bác sĩ phẫu thuật tránh nguy cơ lệch trục chi.
U vốn nhỏ, gần đây mới to dần và lớn hơn mắt cá chân của bé. BS.CKII Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khối u kích thước khoảng 3×3 cm ở đầu dưới xương chày bên phải của bé.
Sau phẫu thuật cắt u xương, bé hồi phục tốt, xuất viện ngay hôm sau.

Bác sĩ Đức Tuấn (thứ hai, bên phải) cùng êkíp phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: Thanh Luận
U xương sụn thường là tổn thương lành tính, đa phần xuất hiện ở xương dài, đầu dưới hoặc đầu trên của xương đùi hoặc xương chày hoặc xương cánh tay. Tình trạng này thường được ghi nhận ở trẻ trong tuổi dậy thì. Nguyên nhân cụ thể chưa được xác định. Theo , nhiều giả thuyết cho rằng trong độ tuổi phát triển, một số trẻ có sự tăng trưởng quá mức ở những vị trí đầu xương dẫn đến u xương sụn. Kích thước u lớn nếu không phẫu thuật sớm có thể dẫn đến lệch trục chi gây ảnh hưởng hình thể và vận động, có nguy cơ hóa ác tính.
U xương sụn thường không đau. Do đó, người bệnh đến viện khi u đã lớn, mức độ tổn thương rộng, ảnh hưởng nhiều đến trục chi dẫn đến khó điều trị. Khi nhận thấy trẻ có những bất thường ở xương, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để khám sớm. Tùy tình trạng, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh u xương kích thước nhỏ có thể được tiếp tục theo dõi, trường hợp u lớn cần phẫu thuật sớm, tỷ lệ tái phát khoảng 1%, theo bác sĩ Tuấn.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em để bác sĩ giải đáp |