Bệnh nhân N.P.T (66 tuổi, ở Hà Nội), nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cấp cứu chiều ngày 4.6, trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, không bắt được mạch và huyết áp, đồng tử 2 bên giãn, không có phản xạ ánh sáng. Trên cơ thể bệnh nhân xuất hiện nhiều vết cháy ở hai gối, mu tay, quanh rốn và đầu dương vật – dấu hiệu điển hình nghi do điện giật.

Bệnh nhân bị vệt cháy ở mu tay, quanh rốn và đầu dương vật – dấu hiệu điển hình liên quan điện giật
ẢNH: THANH ĐẶNG
Theo người nhà bệnh nhân, trong lúc đang sửa bồn nước trên tầng thượng, ông T. đột ngột mất ý thức, được người nhà phát hiện đưa vào bệnh viện.
Qua các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngưng tim do điện giật.
Sau 30 phút cấp cứu tích cực, bệnh nhân có mạch trở lại, được duy trì vận mạch do sốc sau ngừng tuần hoàn.
Bệnh nhân được hồi sức nâng cao với các biện pháp: thở máy, lọc máu liên tục và đưa bệnh nhân vào hệ thống hạ thân nhiệt chỉ huy nhằm bảo vệ chức năng não bộ, đang tiếp tục được điều trị tích cực.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Sơn Việt (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), cho biết: “Đây là trường hợp có nguy cơ di chứng thần kinh rất nặng nề sau ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên, hiện tại bệnh nhân đang có tiến triển nhất định, đồng tử đã về bình thường và có phản xạ, đã cắt thuốc vận mạch và ngưng lọc máu. Chúng tôi sẽ giảm dần thuốc an thần và đánh giá tình trạng ý thức trong những ngày tới”.
Bác sĩ Việt lưu ý, để tránh tai nạn điện giật trong sinh hoạt, người dân cần đặc biệt cẩn trọng khi sửa chữa các thiết bị hoặc hệ thống điện trong gia đình. Trước khi thao tác, phải ngắt hoàn toàn nguồn điện bằng cách tắt cầu dao hoặc aptomat.
Việc sửa chữa chỉ nên thực hiện khi tay khô, đứng trên nền khô ráo và sử dụng đầy đủ dụng cụ chuyên dụng có khả năng cách điện như găng tay, tua vít, kìm cách điện. Tuyệt đối không trèo lên mái nhà, bồn nước hoặc những vị trí cao liên quan đến hệ thống điện khi chưa đảm bảo an toàn.