Ám ảnh văn mẫu khi chê Á hậu ví phụ nữ là bạch tuộc

Ám ảnh văn mẫu khi chê Á hậu ví phụ nữ là bạch tuộc

bởi

trong

Phản ứng tiêu cực cho thấy chúng ta đang bị ám ảnh bởi một cách học và suy nghĩ sáo mòn, từ những bài văn mẫu ‘copy – paste’.

Gần đây, của một Á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp gây tranh cãi khi cô chọn “bạch tuộc” để nói về hình ảnh người phụ nữ. Nhiều người lập tức chỉ trích cô vì không chọn những biểu tượng đẹp đẽ, truyền thống như san hô, rùa biển… Nhưng nếu bình tâm suy ngẫm, câu trả lời ấy không hề sai, mà chính phản ứng tiêu cực từ một phần công chúng mới là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang bị ám ảnh bởi một cách học và suy nghĩ sáo mòn, từ những bài văn “copy – paste” suốt nhiều thế hệ.

Ám ảnh văn mẫu khi chê Á hậu ví phụ nữ là bạch tuộc

Phần thi ứng xử của Linh Chi tại chung kết cuộc thi, diễn ra hôm 28/6 tại Quảng Ninh. Video: Fanpage cuộc thi

Có một sự thật là trong các bài văn, bài thi, đặc biệt ở cấp học phổ thông, học sinh được dạy cách chọn những hình ảnh, cách diễn đạt quen thuộc, an toàn và giàu tính “văn mẫu”. Những biểu tượng như mặt trời, ánh sáng, chim hải âu, rùa biển, hoặc “vầng trăng soi sáng” đã trở thành lựa chọn mặc định mỗi khi mô tả vẻ đẹp, sự hy sinh, hay đức tính cao cả. Thế nên, khi một cô gái trẻ chọn “bạch tuộc” – một loài vật không lấp lánh, không đẹp đẽ theo tiêu chuẩn thông thường để nói về người phụ nữ hiện đại – thì lập tức bị cho là “lệch chuẩn”, là “sai”, thậm chí “ngớ ngẩn”.

Nhưng có thật như vậy không? Bạch tuộc mẹ là một trong những biểu tượng tự nhiên tuyệt vời nhất về sự hy sinh. Trong suốt thời gian ấp trứng, nó không rời tổ, không kiếm ăn, dành toàn bộ thời gian để bảo vệ con bằng cách thổi nước oxy qua ổ trứng để ngăn vi khuẩn, giữ cho trứng phát triển khỏe mạnh. Và sau khi con nở, nó chết vì kiệt sức, vì thiếu dinh dưỡng. Đó là một sự hy sinh trọn vẹn, thầm lặng, không phô trương, nhưng dữ dội và đáng kính.

Vậy có gì sai khi so sánh bạch tuộc với người phụ nữ? Bao nhiêu người mẹ trong cuộc sống này đã từ bỏ cơ hội cá nhân, từ bỏ cả sức khỏe, nhan sắc, thời gian và khát vọng riêng để chăm lo cho con cái, gia đình một cách âm thầm và bền bỉ như thế?

>>

Chúng ta hay nói phải tôn trọng sự đa dạng, tôn trọng quan điểm cá nhân, cổ vũ thế giới quan riêng biệt. Nhưng tại sao khi một cô gái trẻ thể hiện quan điểm ấy, chọn một hình ảnh “khác lạ” nhưng sâu sắc, thì lại bị cười cợt, bị giễu nhại? Phải chăng chính chúng ta đang mâu thuẫn với những điều mình rao giảng?

Việc chỉ trích cô Á hậu vì không chọn “hình ảnh đẹp” chẳng khác nào yêu cầu tất cả phụ nữ đều phải là san hô, là rùa biển. Trong khi họ có quyền là bất cứ điều gì mình cảm thấy đồng điệu và tự hào. Họ có thể là bạch tuộc mẹ thầm lặng, không hào nhoáng, nhưng mạnh mẽ và hy sinh đến tận cùng.

Thay vì cười chê hay soi mói, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần đặt câu hỏi ngược lại: phải chăng lối học Văn và tư duy giáo dục quá lâu đã tạo ra một thế hệ không còn dám khác biệt? Phải chăng điều làm nhiều người khó chịu không phải vì câu trả lời sai, mà vì nó không giống những gì họ từng học thuộc lòng?

Suy cho cùng, vẻ đẹp không chỉ nằm ở ánh sáng mà đôi khi, nó nằm trong bóng tối, nơi một người mẹ âm thầm hy sinh từng chút cho sự sống khác. Và nếu được chọn, có lẽ tôi cũng sẽ chọn bạch tuộc mẹ.

Bùi Xuân