
Mặt bằng cho dự án metro số 2 đã sẵn sàng – Ảnh: PHƯƠNG NHI
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt dừng sử dụng vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) theo kiến nghị của UBND TP.HCM.
Cụ thể quyết định nêu rõ dừng sử dụng toàn bộ vốn vay thuộc thỏa thuận vay và viện trợ số 1 ngày 1-3-2011; thỏa thuận vay và viện trợ số 2 ký ngày 4-6-2011 của Ngân hàng Tái thiết Đức với tổng giá trị là 155.000.000 EUR.
Đồng thời dừng sử dụng 66.240.462 EUR vốn ODA không hoàn lại thuộc thỏa thuận vay và viện trợ số 2 của Ngân hàng Tái thiết Đức.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng giao UBND TP.HCM sử dụng phần vốn ODA không hoàn lại còn lại thuộc thỏa thuận vay và viện trợ số 2 của dự án theo đúng quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng, các cơ quan thanh tra, kiểm toán về thông tin, số liệu báo cáo và các đề xuất, kiến nghị, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
TP.HCM cũng có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để thanh toán toàn bộ phí cam kết phát sinh và các chi phí liên quan (nếu có) do việc dừng sử dụng vốn vay, theo thông báo của Ngân hàng KfW đến khi hoàn tất các thủ tục cần thiết với ngân hàng.
Thành phố được yêu cầu khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để điều chỉnh thỏa thuận vay và viện trợ số 2 với Ngân hàng KfW theo đúng quy định.
Đồng thời chủ trì cùng Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục về bố trí đầy đủ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm (bao gồm vốn nước ngoài và vốn đối ứng) nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân cho dự án…
Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dài 11km có tổng vốn đầu tư khoảng 47.890 tỉ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, dự án sử dụng 10.403 tỉ đồng từ ngân sách đối ứng, phần còn lại là vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ quốc tế gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Trong quá trình triển khai gặp không ít trở ngại, khiến dự án điều chỉnh tiến độ đến năm 2030 mới hoàn thành. Dự án đã ký 5 khoản vay nhưng 3 khoản vay từ ADB và EIB đã hết hiệu lực, còn 2 khoản vay từ KfW cần được gia hạn để tiếp tục triển khai. Việc xử lý các khoản vay mới từ các nhà tài trợ là một quy trình hoàn toàn khác, gặp nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn nêu trên cùng với tinh thần từ nghị quyết 188 của Quốc hội về cơ chế đặc biệt phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, TP.HCM đã thống nhất chủ trương về chuyển toàn bộ nguồn vốn làm metro số 2 từ vốn vay ODA sang dùng vốn ngân sách.
Ngày 26-3, TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai đầu tư 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355km trong 10 năm. Trong đó xác định 6 tuyến sẽ khởi công vào năm 2027, riêng tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương) khởi công sớm hơn, vào tháng 12-2025.
Việc có quyết định dừng sử dụng vốn ODA là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hoàn thiện các thủ tục để sử dụng ngân sách triển khai dự án. Đây cũng là cơ sở để TP.HCM tiến hành tuyển chọn đơn vị tư vấn mới, thiết kế lại dự án nhằm tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tiến độ khởi công theo kế hoạch đã đề ra.