Gốm Mỹ Thiện – di sản hơn 200 năm bên dòng sông Trà Bồng

Gốm Mỹ Thiện – di sản hơn 200 năm bên dòng sông Trà Bồng

bởi

trong
Gốm Mỹ Thiện – di sản hơn 200 năm bên dòng sông Trà Bồng

Gốm Mỹ Thiện với nét đặt trưng riêng biệt được lưu giữ – Ảnh: TRẦN MAI

Ngày 7-7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề gốm truyền thống Mỹ Thiện là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho một làng nghề đã trải qua hơn hai thế kỷ.

Tinh hoa một dòng gốm

Làng gốm Mỹ Thiện ở xã Bình Sơn, Quảng Ngãi, được hình thành vào cuối thế kỷ 18, bởi những người thợ gốm Thanh Hóa di cư vào mang nghề theo. 

Theo các bậc cao niên trong làng, hai ông tổ nghề là Phạm Công Đắc và Nguyễn Công Ất đã chọn vùng đất ven sông Trà Bồng – nơi có loại đất sét dẻo, chắc, rất phù hợp làm gốm để định cư và lập lò nung.

Từ một làng nghề nhỏ, gốm Mỹ Thiện nhanh chóng phát triển. Sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong vùng mà còn được thương lái đưa đi khắp miền Trung, Tây Nguyên, vượt biên giới sang Lào, Campuchia, Thái Lan.

Thời vàng son, làng gốm Mỹ Thiện có hơn 50 lò gốm đỏ lửa ngày đêm. Gốm Mỹ Thiện từng được triều đình nhà Nguyễn đặt hàng làm đồ cúng tế, đồ sử dụng trong cung. 

Vào thế kỷ 19, nghề gốm nơi đây còn góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho vùng đất Châu Ổ xưa.

Với những sản phẩm còn lưu lại bởi các nhà sưu tầm, điều làm nên khác biệt cho gốm Mỹ Thiện chính là quy trình thủ công truyền thống được giữ gần như nguyên vẹn suốt 200 năm qua.

Nguyên liệu chính là đất sét lấy từ địa phương, được phơi khô, sàng lọc, nhồi kỹ. 

Sau đó người thợ tạo hình bằng bàn xoay thủ công. Sản phẩm được trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi đặc trưng, thể hiện hình rồng, phượng, trúc, chuột, hoặc các con giáp. Đây cũng là dấu ấn nghệ thuật hiếm có trong các dòng gốm dân gian miền Trung.

Một đặc điểm độc đáo khác là kỹ thuật nung hai lần bằng củi. Lần nung đầu tạo “xương gốm”, lần thứ hai sau khi tráng men sẽ tạo nên lớp màu đặc trưng (thường là các gam vàng đất, nâu đỏ, xanh ngọc). 

Cách tạo tác thủ công từ đôi tay tài hoa của người thợ đã làm nên dòng gốm vừa bền chắc, vừa có vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi với đời sống.

gốm - Ảnh 2.

Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh là hậu duệ cuối cùng vẫn giữ lửa làng gốm Mỹ Thiện – Ảnh: TRẦN MAI

gốm - Ảnh 3.

Nghệ nhân Trịnh và vợ vẫn miệt mài với những tạo tác gốm bằng đôi tay tài hoa của mình – Ảnh: TRẦN MAI

Nghệ nhân cuối cùng miệt mài giữ lửa nghề

Ngày nay, làng gốm sầm uất thuở nào đã dần phai bóng. Chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh và vợ là bà Phạm Thị Thu Cúc tiếp tục sống với nghề. Hơn 30 năm nay, họ là những người thổi hồn vào đất, giữ gìn từng mẫu hoa văn của tiền nhân lưu lại.

“Tôi sợ một ngày nào đó lửa tắt, người ta sẽ quên mất Mỹ Thiện từng có một thời rực rỡ với gốm. Vợ chồng tôi làm không chỉ vì kế sinh nhai, mà vì tình với nghề, vì không nỡ phụ công cha ông để lại”, ông Trịnh tâm sự.

Ngoài sản xuất, ông bà còn mở cửa đón khách tham quan, trưng bày gốm, chia sẻ kỹ thuật làm nghề với thanh niên địa phương. Bằng tâm huyết của mình, nghệ nhân Trịnh hy vọng sẽ có thế hệ tiếp theo của làng tiếp nối giữ nghề.

Người nghệ nhân cuối cùng bảo rằng gốm Mỹ Thiện được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự ghi nhận, mà còn mở ra cơ hội mới để hồi sinh làng nghề.

Gốm Mỹ Thiện - di sản hơn 200 năm bên dòng sông Trà Bồng - Ảnh 5.

Nhà sưu tầm cổ vật Lâm Zũ Xênh cùng những sản phẩm gốm Mỹ Thiện với họa tiết và chất men tuyệt đẹp – Ảnh: TRẦN MAI