Nhiều người lao động có thu nhập trung bình rơi vào thế “bít cửa” an cư tại TP HCM khi giá nhà thương mại ngày càng cao, còn nhà xã hội thì không đủ điều kiện mua.
Theo Nghị định 100, cá nhân độc thân có thu nhập không quá 15 triệu đồng mỗi tháng, vợ chồng không quá 30 triệu đồng mới được xét mua nhà ở xã hội. Quy định này dù đã được điều chỉnh tăng thêm 4 triệu đồng mỗi người so với trước, song vẫn khiến nhiều người bị loại khỏi chính sách vì vượt ngưỡng này.
Chị Hồng Hạnh, chuyên viên tuyển dụng làm việc tại một công ty du lịch ở quận 1 (TP HCM), cho biết với mức lương 17 triệu đồng mỗi tháng, chị không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, và cũng không thể tiếp cận nhà ở thương mại.
Bởi với mức lương hiện nay, chị có thể vay tối đa 700 triệu đồng để mua nhà. Thêm cả hỗ trợ tài chính từ người thân, số tiền chị gom được là khoảng 1,6 tỷ đồng. Với tầm tài chính này, chị gần như không thể tìm được căn hộ nào tại TP HCM, dù là dự án cũ hay nhà ở xã hội được sang tay.
Theo chị Hạnh, mặt bằng giá căn hộ hiện nay, kể cả những dự án hơn 10 năm tuổi ở khu vực ngoại thành, cũng đã vượt 2 tỷ đồng, trong khi các dự án mới thường chào bán từ 60-80 triệu đồng mỗi m2. “Tôi gần như bít cửa ‘an cư’ ở TP HCM”, chị Hạnh cho hay.
Vợ chồng anh Trần Văn Hiệp, nhân viên văn phòng làm việc tại TP Thủ Đức, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vợ chồng anh từng kỳ vọng sở hữu căn hộ nhà ở xã hội giá 1,6 tỷ đồng tại TP Thủ Đức, nhưng bị loại khỏi danh sách vì tổng thu nhập 34 triệu đồng mỗi tháng, vượt ngưỡng quy định 4 triệu đồng. Sau khấu trừ, thu nhập thực nhận của cả hai chỉ khoảng 30 triệu đồng nhưng theo quy định vẫn không đủ điều kiện.
“Mua nhà ở xã hội thì không đủ điều kiện, nhà thương mại lại không có khả năng, chúng tôi rơi vào thế khó,” anh Hiệp nói.

Bất động sản khu Đông TP HCM, ở TP Thủ Đức với các dự án chung cư. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo báo cáo từ các hãng nghiên cứu thị trường cho thấy, giá nhà tại TP HCM đang vượt xa mức thu nhập bình quân của người lao động. Số liệu từ CBRE Việt Nam chỉ ra, quý I, giá sơ cấp (chủ đầu tư chào bán) chung cư tại TP HCM trung bình 77 triệu đồng mỗi m2, giá thứ cấp (người mua rao bán lại) khoảng 51 triệu đồng mỗi m2 (chưa bao gồm VAT). Với thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng (180 triệu đồng mỗi năm), người lao động ở TP HCM và Hà Nội đang thuộc nhóm khó tiếp cận nhà ở nhất châu Á.
Báo cáo từ chuyên trang Nhà Tốt cũng ghi nhận, giá sơ cấp căn hộ tại TP HCM trong quý I khoảng 86 triệu đồng mỗi m2, giá thứ cấp khoảng 59 triệu đồng mỗi m2. Với diện tích căn hộ phổ biến 55-60 m2, người mua cần từ 4,7-5 tỷ đồng cho căn hộ mới, hoặc 3,5 tỷ đồng cho căn cũ sang tay. Để đủ khả năng vay 50% giá trị căn nhà với giá trên, người lao động phải có thu nhập ít nhất 50 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group, cho biết trong quý I, các tỉnh phía Nam chào bán gần 13.000 căn hộ, trong đó 85% có giá trên 75 triệu đồng mỗi m2. Tại TP HCM, căn hộ dưới 40 triệu đồng mỗi m2 chỉ còn khoảng 300 căn, từ 40-70 triệu đồng có 1.000 căn, còn lại đều cao hơn mức này. “Giá nhà tăng 6-11% chỉ trong quý đầu năm khiến người thu nhập trung bình từ 15-20 triệu đồng mỗi tháng ngày càng xa rời giấc mơ an cư,” ông nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nhìn nhận thành phố năm ngoái chỉ có 6.000 căn nhà ở xã hội và 1.600 căn nhà thương mại mở bán, hoàn toàn không còn dự án nào giá dưới 35 triệu đồng mỗi m2. Lao động trẻ, công chức, người làm việc tại TP HCM phải xếp hàng nhiều năm mới có cơ hội mua nhà ở xã hội. Còn nhóm thu nhập trung bình, không được ưu tiên chính sách, lại không đủ sức mua nhà thương mại.
Bàn về câu chuyện an cư cho người lao động, ông Châu cho rằng Chính phủ đã có chính sách ưu đãi mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, hỗ trợ tín dụng cho người trẻ dưới 35 tuổi. Tuy nhiên nhóm thu nhập trung bình, người tạo lập căn nhà đầu tiên (có thể ở tuổi 50, 55 hay 60) đều là nhóm có nhu cầu về mua nhà giá rẻ và cần sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ, trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao.
Vì vậy, ông Châu đề xuất bổ sung thêm nhóm người lần đầu mua nhà, không thuộc nhóm được mua nhà ở xã hội vào nhóm được ưu đãi vay gói tín dụng. Bên cạnh đó, Chủ tịch HoREA nói cần bổ sung nhóm người thu nhập trung bình thấp, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa đủ điều kiện để xếp vào diện được hỗ trợ mua nhà xã hội.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM cũng cho rằng cần điều chỉnh ngưỡng thu nhập xét duyệt nhà ở xã hội theo từng vùng kinh tế. Theo người này, tại các đô thị lớn như TP HCM hay Hà Nội, mức thu nhập dưới 20 triệu đồng mỗi tháng không thể xem là cao. Do đó, tiêu chí thu nhập để hưởng ưu đãi nên được linh hoạt theo vùng, tương tự cách xây dựng lương tối thiểu vùng hiện nay, giảm bớt rào cản tiếp cận nhà ở xã hội
Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhìn nhận mấu chốt để giải bài toán an cư cho người lao động TP HCM vẫn là phát triển nguồn cung phù hợp với túi tiền số đông.
Theo ông, Chính phủ cần chính sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở giá bình dân tại đô thị lớn, nơi nhu cầu của người thu nhập vừa và thấp đang rất cao. Khuyến khích doanh nghiệp phát triển mô hình cho thuê nhà ở thương mại với mức giá hợp lý cũng là một giải pháp hạn chế đầu cơ, giúp người chưa đủ điều kiện sở hữu nhà có cơ hội ổn định cuộc sống.
Phương Uyên