Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7.7 cho biết chuyến đi của Ngoại trưởng Rubio diễn ra từ ngày 8 – 12.7. Chuyến đi lần này sẽ tập trung vào chính sách của Mỹ tại châu Á sau nhiều tháng Washington dồn sự chú ý vào các cuộc chiến tại Ukraine và Trung Đông. Ông Rubio dự kiến dự họp với ngoại trưởng các nước ASEAN, Đông Á, theo AFP.
“Trong chuyến đi đầu tiên tới châu Á với tư cách là ngoại trưởng, Ngoại trưởng Rubio tập trung vào việc tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và an toàn”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết trong một tuyên bố ngày 7.7.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tham dự sự kiện tại Washington DC ngày 27.6.2025
ẢNH: REUTERS
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay rằng: “Những chủ đề hàng đầu mà ông Rubio muốn đề cập đến rõ ràng là tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với Đông Á, với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chứ không chỉ … vì lợi ích riêng của khu vực này”.
“Tôi nghĩ thông điệp chính mà vị ngoại trưởng muốn truyền tải là chúng tôi cam kết và chúng tôi ưu tiên điều này vì nó phù hợp với lợi ích của nước Mỹ. Điều này thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ và thúc đẩy an ninh của nước Mỹ”, theo vị quan chức.
Trong khi đó, một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, vấn đề thuế quan và tình hình Trung Đông dự kiến sẽ là những chủ đề chính trong chuyến công du lần này của ông Rubio.
Mỹ công bố thuế đối ứng mới đối với 14 nước
Vị quan chức cấp cao Mỹ trên cho hay thêm ông Rubio sẵn sàng thảo luận về thương mại, bao gồm việc nhấn mạnh sự cần thiết phải tái cân bằng các quan hệ thương mại của Mỹ.
Thông đi về chuyến đi của Ngoại trưởng Rubio được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7.7 công bố kế hoạch áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Rubio vẫn chưa đến thăm Nhật Bản hoặc Hàn Quốc kể từ khi nhậm chức vào tháng 1.
Ông Trump cũng công bố áp thuế đối với 6 quốc gia khác trong ASEAN. Theo đó, Malaysia phải chịu mức thuế 25%, Lào và Myanmar là 40%, Campuchia và Thái Lan là 36% và Indonesia là 32%.
Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định: “Mỹ thực sự coi Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực chính phục vụ lợi ích của Mỹ, đóng vai trò then chốt đối với an ninh quốc gia của Mỹ”.