Theo Android Police, chiếc điện thoại Galaxy không chỉ là thiết bị liên lạc, nó còn là một kho báu chứa đựng toàn bộ cuộc sống số của nhiều người, từ hình ảnh cá nhân, tài liệu tài chính đến những cuộc trò chuyện riêng tư. Vậy làm thế nào để bảo vệ những thông tin này khỏi những cặp mắt tò mò và các mối đe dọa trên không gian mạng?

Những tuyệt chiêu bảo mật điện thoại Galaxy
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH MAKEUSEOF
Một chuyên gia công nghệ đã dành nhiều tháng nghiên cứu và áp dụng các chiến lược hiệu quả nhất để khóa chặt chiếc điện thoại Galaxy của mình. Dưới đây là 6 thủ thuật đã được kiểm chứng, giúp bạn xây dựng nhiều lớp phòng thủ vững chắc, biến thiết bị của mình thành một ‘chiếc ổ khóa’ kỹ thuật số thực thụ.
1. Secure Folder: ‘Két sắt’ kỹ thuật số cho dữ liệu tối mật
Secure Folder là tính năng độc quyền và mạnh mẽ nhất của Samsung, cung cấp cho người dùng một không gian được mã hóa hoàn toàn riêng biệt. Đây là nơi lý tưởng để cài đặt các ứng dụng ngân hàng, tài chính, cô lập chúng khỏi hệ sinh thái bên ngoài. Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng di chuyển ảnh, video, tài liệu nhạy cảm vào đây. Nếu điện thoại bị xâm nhập, những dữ liệu này vẫn an toàn tuyệt đối.

Secure Folder được ví như một két sắt bảo vệ dữ liệu
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Một mẹo khá hay là bạn hãy ẩn biểu tượng Secure Folder khỏi màn hình ứng dụng và thay đổi icon để không ai biết đến sự tồn tại của nó.
2. Auto Blocker: Người vệ sĩ thầm lặng của điện thoại Galaxy
Đây là một bộ công cụ bảo vệ toàn diện mà người dùng nên kích hoạt ngay. Auto Blocker sẽ ngăn chặn việc cài đặt ứng dụng từ các nguồn không đáng tin cậy (sideloading), giảm thiểu nguy cơ nhiễm mã độc. Quan trọng hơn, nó còn cung cấp lá chắn bảo vệ thiết bị khỏi các mối đe dọa khi bạn sạc điện thoại qua cáp USB ở các trạm công cộng.

Tính năng Auto Blocker trên điện thoại Galaxy
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH ANDROID AUTHORITY
3. Ẩn nội dung thông báo trên màn hình khóa
Thông thường, một tin nhắn ngân hàng, một mã OTP hay một đoạn chat riêng tư vô tình hiện lên màn hình khóa có thể bị người khác nhìn thấy. Nhưng chỉ với một tinh chỉnh tuy đơn giản, nhưng sẽ góp phần dựng nên một lớp phòng thủ cực kỳ hiệu quả và vững chắc
Cách thực hiện: Bạn hãy truy cập vào menu Cài đặt > Thông báo > Thông báo trên màn hình khóa và chọn ‘Ẩn nội dung’. Chỉ khi mở khóa bằng vân tay hoặc mã PIN, nội dung chi tiết mới hiển thị.
4. Ưu tiên ứng dụng mã nguồn mở
Nguyên tắc cốt lõi của an toàn là sự minh bạch. Mã nguồn của các ứng dụng này được công khai, cho phép cộng đồng và các chuyên gia bảo mật trên toàn thế giới kiểm tra, đảm bảo không có cửa hậu hay hành vi thu thập dữ liệu mờ ám. Một số gợi ý là trình duyệt Firefox, trình quản lý email Thunderbird, hay dịch vụ lưu trữ đám mây Nextcloud.
5. Luôn dùng ứng dụng nhắn tin mã hóa đầu cuối (E2EE)
Với các cuộc trò chuyện, hãy luôn ưu tiên tin nhắn được mã hóa đầu cuối. Các ứng dụng như WhatsApp hay Signal đảm bảo chỉ bạn và người nhận mới có thể đọc được nội dung tin nhắn. Đây là cách duy nhất để giữ cho các cuộc hội thoại riêng tư đúng nghĩa.

Ứng dụng Signal nổi tiếng với khả năng bảo mật tin nhắn bằng mã hóa E2E
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH BBC
6. Khóa sinh trắc học cho từng ứng dụng thiết yếu
Ngoài Secure Folder, việc khóa riêng lẻ các ứng dụng quan trọng bằng vân tay sẽ bổ sung một lớp phòng thủ tức thì. Hãy áp dụng biện pháp này cho các ứng dụng giao dịch chứng khoán, quản lý tài chính, email chính… Nó vừa tiện lợi, vừa tăng cường an ninh cho dữ liệu của bạn.
Bảo vệ điện thoại không chỉ là một thủ thuật, đó là việc xây dựng một thói quen và tư duy đúng đắn về quyền riêng tư. Bằng cách áp dụng đồng bộ các cách trên, bạn có thể yên tâm dữ liệu của mình luôn được bảo vệ ở mức cao nhất.