Đường lui cho những người ‘hôi của’ 4 tấn vải thiều

Đường lui cho những người ‘hôi của’ 4 tấn vải thiều

bởi

trong

4 tấn vải giá trị khoảng 28 triệu đồng đã bị nhặt hết, nhưng cách mà chúng ta ứng xử sau đó mới là thứ còn lại lâu dài.

Tôi đọc tin một chị tài xế bị lật xe chở ở Thanh Oai, Hà Nội. Chị đi sửa xe, quay lại thì thấy đám đông đang xúm vào lấy vải đem về. Chị van xin, giải thích đây là hàng hóa của gia đình, là công sức cả chặng đường mưu sinh.

Người phụ nữ can ngăn, giải thích đây là tài sản của gia đình nhưng một số người vẫn tiếp tục ‘hôi’ vải. Bất lực, vợ chồng chị bắt xe về quê, chấp nhận mất tài sản.

Ban đầu, khi đọc tin này tôi cũng giận những người hôi của. Giận vì sao họ có thể làm vậy. Nhưng rồi nghĩ kỹ, tôi lại thấy không nên chỉ dừng lại ở cơn giận. Bởi sau cơn giận là câu hỏi: Có cách nào để những người đã nhặt vải hôm đó có cơ hội sửa sai?

Đường lui cho những người ‘hôi của’ 4 tấn vải thiều

Chị Bùi Thị Lịch cùng hai người bạn chở 4 tấn vải từ Bắc Giang về Phú Thọ, đến xã Dân Hòa gặp nạn, xe lật xuống ruộng, vải đổ tràn ra ngoài, bị người dân kéo đến lấy gần hết. Video: Huy Minh

Trong sự việc lần này, có hai kiểu người dễ thấy. Một là những người tưởng hàng bị bỏ, nên tiện tay lấy vài quả đem về. Hai là những người biết rất rõ đây là hàng hóa của người khác, vẫn thản nhiên lấy vì nghĩ: “Không ai quản, ai lấy được thì lấy”.

Nhưng cả hai cách nghĩ này đều có vấn đề.

Hàng hóa số lượng lớn, được trải bạt đàng hoàng, không phải vứt vất vưởng như chẳng có lý gì để cho rằng là đồ bỏ đi. Lý do “tưởng người ta vứt” chỉ là cái cớ. Mà nếu có vứt thật, lẽ ra cũng nên dừng lại một chút mà hỏi, mà xác minh, chứ không phải thấy cái gì rơi là nhào vào nhặt.

Hôi của là hoàn toàn sai trái. Câu hỏi tiếp theo là: Nếu một trong những người hôm đó giờ thấy áy náy, có cách nào để họ hoàn trả lại, ít nhất là một phần giá trị mà họ đã lấy đi không? Có thể là gửi lại tiền như vài người đã làm. Có thể là nhắn một lời xin lỗi. Có thể là im lặng nhưng rút ra bài học cho lần sau. Dù bằng cách nào, đó cũng là một bước về phía đúng.

Chị tài xế sau đó nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng, hơn 9 triệu đồng được gửi đến tay chị. Và một số người từng nhặt vải đã quay lại, nói lời xin lỗi, gửi tiền bù. Những hành động ấy khiến tôi tin: Người ta vẫn còn biết đúng sai, chỉ là lúc đó lỡ sai vì thiếu suy nghĩ, vì nhất thời, vì cái tâm bị che lấp bởi hoàn cảnh.

Tôi tin rằng xã hội sẽ tốt lên không chỉ vì những người luôn làm đúng, mà còn vì những người từng sai nhưng dám sửa. Và để họ dám sửa, đôi khi chúng ta cần mở một con đường lui – không phải để bao che, mà là để cho họ có cơ hội quay về phía tử tế.

Những quả vải hôm đó có thể đã bị nhặt hết, nhưng cách mà chúng ta ứng xử sau đó mới là thứ còn lại lâu dài. Vấn đề không chỉ là mất 4 tấn vải, mà là mất bao nhiêu phần tử tế trong cách sống với nhau. Và để không mất thêm nữa, có lẽ, mỗi người cần chậm lại một chút, khi thấy một quả vải rơi bên đường.

Khải Hoàng