Ngân hàng Nhà nước nêu lý do USD yếu nhưng tiền đồng vẫn mất giá

Ngân hàng Nhà nước nêu lý do USD yếu nhưng tiền đồng vẫn mất giá

bởi

trong

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết việc Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp, khối ngoại bán ròng là lý do VND giảm giá dù đồng USD yếu.

Thông tin được ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nêu tại họp báo quý II, sáng 8/7.

Từ đầu năm đến nay, USD Index (DXY) – chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh – giảm 11%. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD lại tăng khoảng 3% trong cùng giai đoạn, có lúc giá bán ra ở mức đỉnh 26.345 đồng một USD. Không chỉ mất giá so với USD, tỷ giá tiền đồng so với yen Nhật hay Bảng Anh cũng tăng.

Theo ông Quang, DXY giảm do những thay đổi chính sách nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, tiền đồng mất giá vì Ngân hàng Nhà nước muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

“Khi duy trì mức lãi thấp, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD sẽ bị âm. Như vậy, cân đối cung cầu ngoại tệ biến động, các tổ chức sẽ chuyển đổi đồng tiền khác hấp dẫn hơn để nắm giữ”, ông Quang cho biết, thêm rằng cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định.

Ngoài ra, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên sàn chứng khoán cũng gây ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Khối ngoại đã rút ròng khoảng 40.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay trên thị trường chứng khoán.





Ngân hàng Nhà nước nêu lý do USD yếu nhưng tiền đồng vẫn mất giá

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, phát biểu tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 8/7. Ảnh: NHNN.

Ở nửa cuối năm, ông Quang dự báo tỷ giá chịu thêm sức ép từ chính sách thuế của Tổng thống Trump. “Kinh tế Việt Nam có độ mở cao, thị trường xuất khẩu lớn, nhất là sang Mỹ, nên chính sách thuế sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá, lãi suất thời gian tới khi dòng vốn dịch chuyển giữa các quốc gia”, ông nói.

Ông nói thêm việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục trì hoãn giảm lãi suất, dựa trên dữ liệu lạm phát và thị trường lao động Mỹ, sẽ tác động đến biến động lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam.

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ công bố áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại, từ 10-50%. Một tuần sau, ông thông báo hoãn áp thuế mức cao, tạm thời chỉ áp dụng mức 10% trong 90 ngày, để các nước có thời gian đàm phán với Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 7/7, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng ở mức mới từ ngày 1/8. Theo đó, hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia sẽ chịu mức 25%. Indonesia, Bangladesh, Campuchia và Thái Lan bị áp 32-36%. Cao nhất là Lào và Myanmar với 40%.

Cũng tại họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng tính tới ngày 30/6. Mức này tăng 9,9% so với cuối năm ngoái, và cao nhất kể từ 2022.

Hiện lãi suất cho vay bình quân với các khoản vay mới giảm 0,64% so với cuối năm ngoái, về 6,24% một năm. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này tiếp tục theo dõi sát sao lạm phát và điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trọng Hiếu