Chồng phụ hồ, vợ bán rau nuôi 6 đứa con nheo nhóc trong căn nhà tả tơi

Chồng phụ hồ, vợ bán rau nuôi 6 đứa con nheo nhóc trong căn nhà tả tơi

bởi

trong

Dù mới 35 tuổi, chị Lý Thị Diệu, một phụ nữ người Khmer cư ngụ tại ấp An Nghiệp, xã Nhơn Mỹ, TP Cần Thơ, đã là mẹ của 6 người con.

Con trai lớn nhất năm nay 17 tuổi, trong khi bé gái út vừa thôi nôi. Cuộc sống của gia đình 8 thành viên luôn chật vật, túng thiếu do hoàn cảnh nghèo khó.

Chồng phụ hồ, vợ bán rau nuôi 6 đứa con nheo nhóc trong căn nhà tả tơi

Mẹ con chị Diệu sống trong căn nhà nền đất, vách lá rách tả tơi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Căn nhà của chị Diệu, nằm cách trụ sở xã An Mỹ cũ khoảng 3km theo con đường làng, hiện ra tuềnh toàng, trống huơ trống hoác. Với kết cấu tạm bợ, ngôi nhà có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào chỉ sau vài cơn mưa lớn.

Chồng phụ hồ, vợ bán rau nuôi 6 đứa con mơ ước có căn nhà kiên cố (Video: Bảo Kỳ).

Tiếp chuyện với phóng viên trong căn phòng ngủ không cửa, chỉ có một chiếc giường gỗ cũ kỹ và chiếc võng cho con gái út, chị Diệu thở dài kể về cuộc đời mình.

Thuở đôi mươi, khi đi làm mướn tại TPHCM, chị gặp gỡ và kết hôn với người đàn ông quê gốc Trà Vinh (nay là Vĩnh Long). Đám cưới diễn ra đơn sơ do hoàn cảnh khó khăn của cả hai bên gia đình.

Năm 2008, con trai đầu lòng chào đời, và những năm sau đó, các con lần lượt ra đời, nâng tổng số thành viên lên 8 người.

Chồng phụ hồ, vợ bán rau nuôi 6 đứa con nheo nhóc trong căn nhà tả tơi - 2

Hoàn cảnh khó khăn nên các con của chị lên đến lớp 4, lớp 5 đã nghỉ học (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chị Diệu cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng chị quyết định về quê để tiện chăm sóc con cái. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề phụ hồ ở quê chỉ khoảng 250.000 đồng/ngày.

Gánh nặng con cái đông, chi phí ăn uống, sữa tã, học hành đè nặng lên vai vợ chồng chị. Ba người con trai lớn của chị, dù mới học đến lớp 4, lớp 5, đã phải nghỉ học để theo cha lên TPHCM làm mướn, kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Chồng phụ hồ, vợ bán rau nuôi 6 đứa con nheo nhóc trong căn nhà tả tơi - 3

Bé thứ sáu Lý Ngọc An Nhiên vừa tròn 1 tuổi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Với thu nhập ít ỏi, chồng chị cùng 3 con trai lớn phải bôn ba lên TPHCM làm phụ hồ, mỗi người kiếm được khoảng 4,5-5 triệu đồng/tháng. Số tiền ít ỏi được gửi về hàng tháng chỉ đủ phụ tiền sữa, tã cho các em út.

Ở quê nhà, chị Diệu mở một sạp nhỏ bán rau củ và đồ ăn sáng. Do nằm trên con đường làng hẻo lánh, khách hàng chủ yếu là láng giềng. Mỗi ngày, chị bán được khoảng 20 tô bún và rau củ, kiếm được trên 100.000 đồng.

“Tôi không biết chạy xe máy nên mỗi sáng phải dậy sớm đạp xe ra chợ xã để lấy rau củ, mua thịt, bún về nấu thức ăn. Những lúc thời tiết tốt còn có đồng ra đồng vào, bữa nào trời mưa xem như lỗ sạch vốn”, chị Diệu rầu rĩ chia sẻ.

Chồng phụ hồ, vợ bán rau nuôi 6 đứa con nheo nhóc trong căn nhà tả tơi - 4

Chị Diệu mở sạp rau trước nhà kiếm thu nhập trang trải nhưng khá ế ẩm vì chỗ bán là con đường làng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trong khi chồng và 3 con trai lớn đi làm xa, chị Diệu ở nhà chăm sóc 3 đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn. Hoàn cảnh khó khăn đã khiến bé Lý Hoàng Lê Vy (11 tuổi) phải nghỉ học từ năm ngoái, khi chuẩn bị lên lớp 5, để phụ mẹ chăm em út. Bé gái thứ 5, Lý Ngọc Thiện Phước (5 tuổi), đang chuẩn bị nhập học lớp chồi.

“Bốn mẹ con đơn chiếc trong căn nhà này, mấy hôm mưa lớn, dông lốc chúng tôi không dám ngủ, phải chạy lên nhà ngoại ở tạm. Vợ chồng tôi có tích góp được 30 triệu đồng nhưng không đủ sửa chữa hay cất nhà mới. Tôi chỉ ước ao có thêm số tiền nhỏ, xây được ngôi nhà kiên cố, cho các con có chỗ ở tử tế không sợ mưa dột nữa”, chị Diệu bày tỏ mong mỏi.

Chồng phụ hồ, vợ bán rau nuôi 6 đứa con nheo nhóc trong căn nhà tả tơi - 5

Bé Lý Ngọc Thiện Phước có nguy cơ nghỉ học như các anh chị (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lãnh đạo UBND xã Nhơn Mỹ xác nhận, gia đình chị Diệu là dân tộc Khmer, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Địa phương rất mong báo Dân trí là cầu nối để kết nối những tấm lòng nhân ái, giúp đỡ gia đình chị Diệu có được nơi ăn chốn ở đàng hoàng, và các cháu có thể tiếp tục con đường học hành.