Đòi nợ sao cho đúng?

Đòi nợ sao cho đúng?

bởi

trong

Trong thời đại mở, khi người dân được tự do thực hiện các giao dịch liên quan tới việc chuyển nhượng quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với tài sản, số lượng tranh chấp phát sinh theo tỷ lệ thuận xảy ra như một hệ quả tất yếu.

Từ những tranh chấp nhỏ trị giá vài chục triệu đồng tới những tranh chấp trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, một điểm chung dễ nhận thấy trong nhiều trường hợp là các bên thường mang tâm trạng bức xúc, thiếu tỉnh táo khi quyền lợi bản thân bị xâm phạm, dẫn tới những sự việc đáng tiếc xảy ra. 

Vậy theo quy định, các tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự cần được giải quyết như thế nào để vừa tuân thủ pháp luật mà vẫn đảm bảo các quyền, lợi ích của các bên? 

Đòi nợ sao cho đúng?

Nguyễn Thị Hạnh (giữa) cùng đồng phạm bị Công an Hà Nội bắt giữ để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản, liên quan tới việc đòi lại số tiền đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Ảnh: Công an Hà Nội).

Xử lý như thế nào? 

Luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đối với các giao dịch dân sự, nguyên tắc thực hiện dựa trên sự tự nguyện và tôn trọng thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, xung đột do một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, các bên cần ưu tiên giải quyết thông qua đàm phán, thương lượng nhằm tìm ra nguyên nhân vi phạm cũng như thống nhất phương án giải quyết tiếp theo nhằm đảm bảo việc thực hiện các giao dịch được thông suốt. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải trong mọi trường hợp, các mâu thuẫn đều có thể giải quyết thông qua con đường đàm phán, thương lượng. Nhiều trường hợp, bên vi phạm không thể hiện sự thiện chí, hợp tác, thậm chí cố tình chây ì, viện nhiều lý do để vi phạm nghĩa vụ, xâm phạm trực tiếp tới quyền lợi của bên còn lại dẫn tới tâm lý bất bình, bức xúc cùng những suy nghĩ, dự định giải quyết một cách tiêu cực. 

Trường hợp không thể tự giải quyết, các bên không nên sử dụng bạo lực hoặc các thủ đoạn vi phạm pháp luật khác nhằm thu hồi tài sản bởi có thể dẫn tới việc vướng lao lý. Thay vào đó, cần yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền can thiệp, giải quyết để buộc bên vi phạm phải thực hiện các nghĩa vụ nhằm đảm bảo quyền lợi của bản thân. 

Đòi nợ sao cho đúng? - 2

Luật sư Trần Hoàng Linh (Ảnh: NVCC).

Cụ thể, người dân có quyền gửi đơn khởi kiện tới Tòa án, trong đó nêu rõ những vấn đề như các bên tham gia giao dịch; nội dung giao dịch; quyền, nghĩa vụ của các bên; dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ và các yêu cầu cần được Tòa án giải quyết. 

Trước khi gửi đơn tới Tòa án, cần xác định những vấn đề như loại tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án hay không; thẩm quyền giải quyết ở cấp sơ thẩm thuộc về tòa án cấp khu vực hay cấp tỉnh; và thẩm quyền theo lãnh thổ thuộc về tòa án khu vực, tỉnh nào? Việc xác định chính xác những vấn đề trên sẽ giúp hồ sơ khởi kiện được gửi đúng đơn vị, rút ngắn thời gian giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân. 

Trường hợp vụ việc được thụ lý, Tòa án sẽ giải quyết và ghi nhận bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (trường hợp các bên có thể hòa giải tại tòa) hoặc bản án của tòa án (trường hợp phải đưa ra xét xử). Trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị, bản án hoặc quyết định sẽ có hiệu lực thi hành, các bên có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo quyết định, bản án có hiệu lực của tòa án. 

Nếu sau khi có quyết định, bản án có hiệu lực mà bên vi phạm nghĩa vụ tiếp tục vi phạm, đương sự có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan Thi hành án có thẩm quyền giải quyết, ra quyết định thi hành án và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo người vi phạm có tuân thủ, thực hiện nghĩa vụ theo quyết định, bản án của Tòa án. 

Đòi nợ sao cho đúng? - 3

Nhóm côn đồ đập phá quán phở để đòi nợ tại Đắk Lắk (Ảnh cắt từ clip).

Đòi nợ bằng bạo lực, có thể bị xử lý ra sao?

Chung góc nhìn, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng khuyến cáo người dân cần giải quyết các tranh chấp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh sử dụng vũ lực hay các thủ đoạn khác để đòi lại tiền. Trên thực tế, không ít trường hợp do mất kiểm soát, không giữ được bình tĩnh nên đã vướng lao lý khi giải quyết các tranh chấp. 

“Việc sử dụng vũ lực hay các thủ đoạn khác, tùy thuộc mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi có thể dẫn tới các hậu quả pháp lý khác nhau đối với các chủ thể. Ví dụ với hành vi gây rối, đập phá, tạt sơn chỗ ở hay hành hung người khác, có thể bị xử lý về các tội như Gây rối trật tự công cộng, Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, Cố ý gây thương tích hay Cướp tài sản. 

Trường hợp xâm phạm chỗ ở có thể bị xử lý về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác, còn việc sử dụng các thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần (VD: Đe dọa người thân, rải tờ rơi…) có thể bị xem xét dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản hay Làm nhục người khác”, luật sư Giáp phân tích. 

Đòi nợ sao cho đúng? - 4

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Ảnh: Hữu Nghị).

Trên thực tế, không ít sự việc tranh chấp dân sự đã bị “hình sự hóa” bởi những hành vi vi phạm từ những cách giải quyết vượt quá giới hạn pháp luật cho phép.

Khi đó, không chỉ bị thiệt hại về tài sản do quyền lợi trong giao dịch dân sự bị xâm phạm, người dân còn phải chịu trách nhiệm bởi hành vi vi phạm pháp luật trước các cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là điều rất đáng tiếc và không nên xảy ra. 

Đối với những câu hỏi về việc trong các giao dịch vay nợ, khi chủ nợ đòi con nợ trả lại tiền nhưng lại bị xử lý hình sự, luật sư cho rằng cần nhìn nhận trong giao dịch dân sự này, bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó, căn cứ Điều 464 Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, việc sử dụng vũ lực hay gây áp lực bằng các hành động trái pháp luật nhằm buộc con nợ trả tiền được coi là hành vi chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.