Mỗi độ hè về, khi tiếng trống trường vang lên hồi cuối cùng, học sinh nô nức rời lớp trong tiếng cười. Với người lớn, đó là lúc thở phào vì con đã hoàn thành năm học. Nhưng cũng là lúc một loạt nỗi lo dấy lên: nghỉ hè thì gửi con ở đâu? Làm gì để con không ôm điện thoại cả ngày? Làm sao để trẻ vừa chơi vui, vừa an toàn, lại học được điều gì đó?
Trại hè vì thế trở thành lựa chọn phổ biến, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội. Nhưng giấc mơ về một mùa hè sôi động, bổ ích… có khi lại trở thành cơn ác mộng nếu chọn nhầm nơi gửi gắm.
Chỉ cần gõ cụm từ “trại hè cho học sinh Hà Nội”, chưa đầy một giây sẽ có hàng trăm kết quả hiện ra: nào là “trại hè trải nghiệm kỹ năng sống”, “học kỳ quân đội”, “trại hè khám phá rừng xanh”, “Trại hè nghệ thuật, tiếng Anh, thể thao”… Kèm theo đó là những hình ảnh rực rỡ, những lời quảng cáo đậm chất điện ảnh: “Hành trình trưởng thành”, “Nơi con lớn lên từ trải nghiệm”, “3 ngày để thay đổi cuộc đời”…
Nhưng thực tế đôi khi lại là: “Con mất ngủ cả đêm vì phòng nóng, nhà vệ sinh bẩn, ăn uống thiếu thốn. Con chỉ đi chụp ảnh thôi, không được chơi trò nào cả. Con bảo phải nhịn đi vệ sinh vì không có nước sạch. Giá trại hè 7 triệu/5 ngày nhưng chẳng thấy gì xứng đáng”.
Những dòng chia sẻ như thế không hiếm trên các hội nhóm phụ huynh, nhất là sau những chuyến trại hè “chỉ đẹp trên giấy”.

Dòng nhật ký của một học sinh sau khi trở về từ trại hè Làng Háo Hức (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Khi “mùa hè tuổi thơ” bị thương mại hóa
Một số đơn vị tổ chức trại hè hiện nay đang thương mại hóa tuổi thơ. Không ít trại hè trở thành mô hình “check-in lấy hình” thay vì thực sự giúp trẻ rèn luyện, trải nghiệm hay phát triển kỹ năng. Các “góc khuất” phổ biến bao gồm:
Chương trình hoạt động ảo: nội dung hấp dẫn trên tờ rơi chỉ là chiêu trò marketing. Thực tế, trẻ không được học kỹ năng nào rõ ràng, chỉ được dẫn đến chỗ đẹp để chụp ảnh rồi về.
Cơ sở vật chất nghèo nàn: nhà vệ sinh thiếu nước, phòng ngủ không có quạt, thức ăn đơn điệu, không đảm bảo dinh dưỡng. Nhiều trẻ về nhà mệt, sốt, thậm chí bị tiêu chảy.
Người phụ trách không có chuyên môn: chăm trẻ nhưng thiếu kỹ năng tâm lý, không biết sơ cứu, không quản lý được tình huống bất thường.
Giá cả “trên trời”: Thu tiền cao (6-7 triệu/4-5 ngày), nhưng không có bảng chi tiết rõ ràng, không minh bạch các khoản thu chi. Phụ huynh nhận ra mình đã trả tiền cho… nỗi bực mình.
Điều nguy hiểm hơn cả là hậu quả để lại trong tâm lý trẻ nhỏ – những vết thương vô hình khó chữa: sự mất niềm tin, cảm giác bị lừa dối, tổn thương thể chất kéo dài.

Trở về từ trại hè, một học viên bị mẩn ngứa khắp người, bị bạn đạp vào bụng, phải đi thăm khám (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Làm thế nào để chọn trại hè đúng nghĩa?
Dưới đây là những tiêu chí “5 thật – 5 rõ” mà tôi đúc rút, xin chia sẻ để các bậc cha mẹ cùng tham khảo:
5 điều “THẬT”:
Chương trình thật: có nội dung chi tiết, không chỉ “hứa hẹn”.
Giá trị thật: trẻ thực sự được học, chơi, trải nghiệm, không phải “diễn”.
Chăm sóc thật: người phụ trách đủ chuyên môn, không giao phó cho sinh viên part-time.
Hình ảnh thật: tránh trại hè chỉ chụp ảnh để PR, mà không làm gì thật.
Cảm xúc thật: Quan trọng nhất – con có vui không? Con có học được gì không?
5 điều “RÕ” cần kiểm tra kỹ:
Pháp nhân rõ ràng: ai tổ chức? Có giấy phép không? Chọn những đơn vị tổ chức có pháp nhân hoạt động rõ ràng, nhiều năm kinh nghiệm; thường đi kèm mô hình tổ chức chuyên nghiệp, có giáo trình, đội ngũ nhân sự chuyên môn theo ngành giáo dục – tâm lý – y tế.
Đội ngũ quản lý an toàn và chuyên nghiệp. Người chăm sóc trẻ có trình độ chuyên môn, có trải nghiệm giáo dục/trại hè; được đào tạo kỹ năng an toàn, sơ cứu, tâm lý. Tỷ lệ người lớn/trẻ phù hợp để xử lý mọi tình huống như sốc nhiệt, chấn thương.
Chi phí rõ ràng: có bảng giá chi tiết? Có khoản phụ thu không rõ ràng nào không?
Lịch trình rõ ràng: làm gì vào buổi sáng, chiều, tối? Có nghỉ ngơi đủ không? Chương trình hoạt động hấp dẫn, thực tế. Đầy đủ các module: kỹ năng sống, team-building, thể thao, nghệ thuật, khám phá thiên nhiên không chỉ để “chụp ảnh”. Có đánh giá hiệu quả, phản hồi của trẻ – phụ huynh có thể theo dõi qua livestream, hình ảnh, báo cáo.
Cơ sở vật chất rõ ràng: ảnh thật, địa điểm thật. Không chọn nơi quá xa, hẻo lánh. Nhà vệ sinh sạch sẽ, đủ quạt, ánh sáng, không gian khô ráo – yếu tố cơ bản nhưng không thể bỏ qua. Chỗ ngủ, giường chiếu hợp vệ sinh, thoáng mát, tránh nắng nóng gây sốc nhiệt, say nắng. Chế độ ăn uống cân đối, có thực phẩm giàu rau, trái cây, thức uống đủ nước đặc biệt quan trọng trong hoạt động ngoài trời.
Bảo hiểm rõ ràng: có ký cam kết an toàn? Có mua bảo hiểm cho trẻ?
Không phải trại hè nào cũng tốt, phụ huynh cần “soi xét” kỹ trước khi chọn.
Lựa chọn trại hè phù hợp với mục tiêu: từ kỹ năng sống, tính tự lập, giao tiếp, trải nghiệm thiên nhiên.
Phụ huynh cần đồng hành: chuẩn bị tâm lý, trao đổi, theo dõi để trẻ học và trưởng thành mà không bị tổn thương.
Các đơn vị tổ chức cần chuyên nghiệp hóa: minh bạch, an toàn, chuyên môn đội ngũ, chăm sóc sức khỏe nhằm giảm góc khuất và đem lại hữu ích thực sự.
Với tôi, trại hè giống như một ngã ba đường. Nếu chọn đúng, nó mở ra cánh cửa tuổi thơ đầy màu sắc: kỹ năng sống, tình bạn, tự lập, lòng dũng cảm. Nhưng nếu chọn sai, nó là vết xước trong ký ức non nớt của trẻ. Trại hè không phải nơi “giữ trẻ” theo giờ. Đó là nơi gieo mầm hạnh phúc, nếu và chỉ nếu người lớn biết cách gieo đúng chỗ.
Mong rằng mỗi mùa hè tới, trẻ em Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, sẽ có những hành trình trưởng thành thật sự chứ không phải “3 ngày chụp ảnh” rồi… mệt mỏi quay về.
Độc giả Vũ Thị Minh Huyền