Hé lộ danh sách vũ khí Ukraine đề nghị Đức viện trợ

Hé lộ danh sách vũ khí Ukraine đề nghị Đức viện trợ

bởi

trong
Hé lộ danh sách vũ khí Ukraine đề nghị Đức viện trợ

Một hệ thống phòng không Patriot (Ảnh: AFP).

Báo Bild dẫn nguồn thạo tin ngày 7/7 cho biết, danh sách vũ khí đề nghị mà Ukraine gửi cho Đức được chia thành 3 nhóm chính: phòng không, xe bọc thép và tác chiến điện tử.

Cụ thể, trong số các loại vũ khí được yêu cầu có: 1.500 tên lửa tầm trung và 500 tên lửa tầm ngắn cho các biến thể khác nhau của hệ thống phòng không Iris-T do Đức chế tạo; 1.200 xe bọc thép chống mìn và xe bánh xích, cùng 200 xe địa hình bổ sung; 1.000 thiết bị gây nhiễu GPS và 200 radar giám sát di động.

Số vũ khí mà Ukraine đề nghị có giá trị lên tới hàng tỷ euro, dù hiện chưa rõ Berlin có đáp ứng mong muốn này của Kiev hay không.

Nguồn tin của Bild cho hay, dù các “giới quân sự và công nghiệp giấu tên đã xác nhận sự tồn tại của danh sách”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức từ chối bình luận về vấn đề này.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, Berlin đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Kiev, chỉ sau Mỹ.

Tuần trước, Bild dẫn các nguồn tin giấu tên cũng cho biết, chính phủ của Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã âm thầm tiếp cận Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hồi tháng 6 theo đề nghị từ phía Ukraine. Kiev kỳ vọng Washington đồng ý một thỏa thuận trong đó Berlin sẽ mua hai hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, sau đó chuyển giao cho Ukraine.

Tuần trước, người phát ngôn chính phủ Đức Stefan Kornelius thừa nhận đang diễn ra các “cuộc thảo luận chuyên sâu” giữa Berlin và Washington về dàn xếp này.

Hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng Đức thông báo sẽ dành 5 tỷ euro (5,6 tỷ USD) để “tài trợ sản xuất các hệ thống vũ khí tầm xa ngay tại Ukraine”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên án quyết định này, cáo buộc Đức đang “cạnh tranh với Pháp để giành vị trí dẫn đầu trong việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine nhằm duy trì cuộc chiến”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo: “Đức đang trượt xuống con dốc trơn trượt mà nước này từng vài lần theo đuổi trong thế kỷ trước”.

Nga từ lâu chỉ trích việc phương Tây viện trợ vũ khí cho phương Tây. Trong các tuyên bố gần đây, Moscow nhấn mạnh, để đạt được thỏa thuận hòa bình, Ukraine phải chấp nhận tiêu hủy toàn bộ vũ khí do phương Tây cung cấp, Mỹ và các đồng minh cũng đồng thời chấm dứt hoạt động hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Moscow cho rằng, việc phương Tây chuyển vũ khí cho Ukraine chỉ khiến họ trở thành một bên tham chiến và khiến xung đột càng leo thang, kéo dài.