Người Hàn Quốc đau đầu vì chim bồ câu

Người Hàn Quốc đau đầu vì chim bồ câu

bởi

trong

Chim bồ câu tại các đô thị Hàn Quốc phát triển quá nhanh vì được cho ăn, khiến lông và phân phủ đầy cửa sổ, ôtô, sân chơi ngoài trời.

Một người đàn ông trong độ tuổi 50 ở Ulsan, thành phố đông nam Hàn Quốc, vừa phải chi hơn 290 USD sửa điều hòa không khí, do phân chim bồ câu có tính axit làm ăn mòn dàn nóng ngoài trời của thiết bị.

“Ban đầu, tôi không nghĩ nhiều về việc bồ câu làm tổ trên ban công nhà mình”, ông nói. “Nhưng giờ thì đúng là rắc rối không ngừng. Dù đã lắp đặt gai chống chim, phân vẫn rơi từ ban công nhà hàng xóm tầng trên xuống nhà tôi”.





Người Hàn Quốc đau đầu vì chim bồ câu

Bồ câu tại một sân chơi ở thành phố Ulsan ngày 26/6. Ảnh: Korean Times

Số lượng chim bồ câu đô thị ở Hàn Quốc tăng nhanh. Chúng có mặt khắp nơi, từ công viên, khu chung cư tới sân chơi trẻ em, kéo theo đó là khiếu nại của cư dân buộc chính quyền các thành phố phải ra quy định cấm người dân cho chim ăn.

Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, bồ câu, cụ thể là bồ câu đô thị, đã bị xếp vào danh sách động vật hoang dã gây hại từ năm 2009. Trong tự nhiên, chúng sinh sản hai lần một năm nhưng ở đô thị, nguồn thức ăn dồi dào và thiếu động vật ăn thịt khiến chúng sinh sản tới 6 lần mỗi năm.

Theo số liệu của các địa phương thường xuyên nhận được khiếu nại, quần thể bồ câu đô thị đã tăng 23,8% trong ba năm, từ 27.589 con vào năm 2021 lên 34.164 con năm ngoái. Đơn khiếu nại về các vấn đề liên quan tới chim bồ câu cũng tăng 26,8% cùng thời kỳ. Một số chuyên gia ước tính số lượng bồ câu hoang dã tại các đô thị Hàn Quốc có thể lên tới một triệu con.

“Kể cả khi 1.000 con bồ câu cái chỉ sinh sản hai lần một năm, quần thể bồ câu vẫn có thể tăng thêm 20.000 con trong 5 năm”, một quan chức Ulsan phụ trách quản lý động vật hoang dã cho biết. “Một khi con non bắt đầu sinh sản, số lượng đàn tăng theo cấp số nhân”.

Quần thể bồ câu bùng nổ gây thiệt hại trên diện rộng: phân và lông chim bao phủ cửa sổ chung cư, tấm pin mặt trời và ôtô; sân chơi và vỉa hè xung quanh các trường mẫu giáo; di tích văn hóa bị ăn mòn. Lông và phân bồ câu mang ký sinh trùng, vi khuẩn và nấm mốc, có thể lây lan các bệnh truyền nhiễm.

Tháp đá 10 tầng trong chùa Wongaksa ở công viên Tapgol, trung tâm Seoul, phải bọc kính bảo vệ để tránh tiếp xúc với phân chim có tính axit.

Bồ câu cũng gây ra rủi ro về sức khỏe và an toàn. Năm 2021, dịch vụ tàu điện tại ga Nowon ở Seoul bị gián đoạn khi một dụng cụ vệ sinh dùng để xua đuổi bồ câu rơi vào đường dây điện. Năm sau, một người đi làm tại ga Sindorim, Seoul, bị thương ở đầu vì tránh một con bồ câu đang bay.

Đối mặt với những thiệt hại ngày càng tăng, các thành phố không còn chỉ dựa vào chiến thuật xua đuổi. Việc thực hiện Đạo luật Bảo vệ và Quản lý Động vật Hoang dã sửa đổi trong năm nay cho phép chính quyền địa phương tự ra quy định cấm người dân cho các loài gây hại ăn.

Hồi tháng 1, Seoul là thành phố đầu tiên ban hành quy định như vậy. Nhiều thành phố khác như Busan, Incheon và Ulsan đang chuẩn bị ban hành luật tương tự.

Theo các quan chức Seoul, bất kỳ ai bị bắt quả tang cho bồ câu ăn có thể đối mặt mức phạt từ 200.000 đến một triệu won (146 đến 731 USD).

“Chúng tôi sẽ không phạt người làm rơi vụn bánh, nhưng chúng tôi kêu gọi công chúng tránh mọi hoạt động cho ăn”, một quan chức giải thích.





Gai chống chim làm tổ trên dàn nóng điều hòa không khí tại một ban công chung cư ở quận Nam, Ulsan, ngày 27/6. Ảnh: Korean Times

Gai chống chim làm tổ trên dàn nóng điều hòa không khí tại một ban công chung cư ở quận Nam, Ulsan, ngày 27/6. Ảnh: Korean Times

Các chuyên gia cho hay hạn chế tương tác của con người là chìa khóa để khôi phục cân bằng trong hệ sinh thái.

“Việc cho ăn có vẻ là hành động tử tế, nhưng nó phá vỡ cân bằng tự nhiên ở các thành phố đông dân cư và dẫn đến rắc rối”, Kim Sung-soo, nhà sinh thái học chuyên nghiên cứu về chim kiêm cựu giám đốc Trung tâm Chim Di cư Ulsan cho biết. “Chúng ta cần xây dựng những quy định chung để con người và động vật hoang dã có thể sống hài hòa với nhau, đồng thời đảm bảo sức khỏe cộng đồng”.

Hồng Hạnh (Theo Korean Times)