Đương sự, người liên quan tại TP HCM sẽ nhận các thông báo thi hành án dân sự thông qua ứng dụng VNeID, thay vì phải gặp trực tiếp hoặc nhận qua bưu điện như trước đây.
Từ ngày 8/7, hơn 43.000 đương sự trong vụ án bà Trương Mỹ Lan; 5.000 người được thi hành án trong vụ cũng như tất cả các đương sự trong những vụ án khác sẽ nhận thông báo về thi hành án thông qua VNeID.
Đây được xem là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số của ngành thi hành án dân sự tại TP HCM. Việc triển khai hình thức mới này được thực hiện với sự cho phép, phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an).
Theo Thi hành án dân sự TP HCM, sau một ngày thực hiện, cơ quan đã gửi đi 1.000 thông báo qua VNeID và các đương sự đều nhận được. Hiện chưa có thắc mắc nào từ phía đương sự sau khi nhận thông tin.
Chấp hành viên sẽ gửi thông báo liên quan đến thi hành án cho đương sự qua ứng dụng VNeID. Video: Thi hành án TP HCM
Người dân nhận thông báo thi hành án như thế nào
Thông qua nền tảng VNeID, đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể nhận các thông báo thi hành án dân sự nhanh chóng, chính xác, kịp thời và thuận tiện, không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian.
Theo Thi hành án dân sự TP HCM, việc gửi thông báo qua VNeID giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, đồng thời hạn chế tình trạng chậm trễ hoặc thất lạc giấy tờ do phụ thuộc vào hình thức gửi truyền thống. Hệ thống cũng giúp giảm áp lực công việc cho chấp hành viên, tiết kiệm chi phí và nhân lực, nhất là trong bối cảnh TP HCM đang sắp xếp lại bộ máy hành chính.
Về phía người dân, thay đổi này giúp tiết kiệm thời gian đi lại, giảm tiếp xúc trực tiếp tại trụ sở cơ quan thi hành án. Các thông báo sẽ được cập nhật trên một ứng dụng đã tích hợp nhiều tiện ích công, giúp đương sự dễ dàng theo dõi quá trình xử lý vụ việc.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự và Điều 18 Dự thảo Luật sửa đổi, có 3 hình thức thông báo gồm: thông báo trực tiếp; niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, thực tiễn những năm gần đây, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã thụ lý thi hành nhiều vụ án có số lượng đương sự đặc biệt lớn như: Alibaba (hơn 5.000 đương sự); Trương Mỹ Lan và đồng phạm (43.108 đương sự); và nhiều vụ án có tính chất phức tạp phải tổ chức kê biên, cưỡng chế thi hành án, bán đấu giá tài sản nhiều lần… Do đó, các hình thức thông báo truyền thống không còn phù hợp và không thể triển khai đầy đủ, hiệu quả.
Quá trình thi hành án, cơ quan này phải thông báo rất nhiều loại văn bản bao gồm các quyết định về thi hành án, các loại văn bản khác phát sinh như: tổ chức bán đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá, thông báo kết quả thẩm định giá… Việc phải thông báo một lượng lớn văn bản làm tốn khá nhiều chi phí từ ngân sách nhà nước và chiếm rất nhiều thời gian, công sức của chấp hành viên làm công tác thi hành án dân sự.
Do đó, từ tháng 6/2024, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã triển khai xây dựng Phần mềm thông báo Thi hành án dân sự bằng phương tiện điện tử. Trước khi áp dụng hình thức tích hợp trên VneID, cơ quan này đã triển khai việc thông báo thi hành án đến các đương sự trong vụ án Trương Mỹ Lan, Alibaba… bằng hình thức tin nhắn SMS với khoảng 8.056 lượt thông báo thành công.
Dự kiến, hình thức tích hợp thi hành án trên VneID sẽ được nhân rộng tới cơ quan thi hành án dân sự tại các tỉnh thành trên cả nước.

Vụ án bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm có số lượng đương sự đặc biệt lớn, Thi hành án dân sự TP HCM phải ứng dụng công nghệ số để thi hành án. Ảnh: Trần Quỳnh
Sau hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, “siêu đô thị” TP HCM rộng hơn 6.700 km2, dân số gần 14 triệu người với 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo.
TP HCM cũng là địa phương có số vụ thi hành án dân sự nhiều nhất cả nước.
Hải Duyên