Khách nữ một mình ở Iran giữa chiến sự

Khách nữ một mình ở Iran giữa chiến sự

bởi

trong

Đến Iran giữa lúc chiến sự và phải vội vã về nước bỏ dở hành trình, nhưng nữ du khách Đài Loan Ariel Kang Chengxuan không quên kỷ niệm đẹp ở đất nước này.

Du khách Đài Loan Ariel Kang Chengxuan, 24 tuổi, không ngờ rằng 12/6 là ngày “không thể quên” khi thức dậy giữa một trong những điểm nóng xung đột của thế giới.

“Đó là ngày thứ 11 trong hành trình một mình khám phá Iran”, Kang nói với CNN.

Tối hôm trước, Kang đã ngủ thiếp trên tấm thảm Ba Tư tại một homestay ở Isfahan – thành phố cổ nổi tiếng với những mái vòm phủ gạch men xanh đặc trưng. Trong lúc cô đang say giấc, Israel bắt đầu không kích các cơ sở hạt nhân, tên lửa và quân sự trọng yếu của Iran, mở màn 12 ngày oanh tạc dữ dội khắp đất nước.





Khách nữ một mình ở Iran giữa chiến sự

Nữ du khách Đài Loan đứng trước một nhà hàng truyền thống ở Isfahan. Ảnh: Ariel Kang

Kang biết tin qua tin nhắn bạn bè hỏi thăm từ quê nhà. Cô cho biết cuộc sống ở Isfahan khi đó vẫn diễn ra bình thường, cửa hàng, siêu thị mở cửa, chỉ có đường phố vắng hơn. Sáng 14/6, khi ngồi cùng gia đình chủ homestay xem tin tức, cô mới hiểu mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công.

“Chúng tôi bàng hoàng khi thấy cảnh tên lửa oanh kích, gia đình chủ nhà nói họ từng trải qua những đợt xung đột tương tự năm ngoái và sân bay có thể đóng cửa,” Kang nói và cho hay cô khá hoang mang khi mới biết tin vì đang đi du lịch một mình.

Trong tháng 6, Mỹ cùng nhiều quốc gia khuyến cáo công dân không nên đặt chân đến Iran, vì rủi ro khủng bố, bất ổn dân sự. Bỏ qua những cảnh báo, nữ du khách vốn là một phượt thủ kỳ cựu, vẫn quyết định đặt chân đến Iran, đánh dấu quốc gia thứ 51 cô ghé thăm trong ba năm qua. Khi chiến sự xảy ra, nhiều người khuyên cô liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc và Kang nhận được phản hồi chưa có xe buýt sơ tán nào sẵn sàng.

“Tôi nghe nói mục tiêu tấn công không phải dân thường, nên tôi không quá lo lắng”, Kang nói và cho hay những ngày sau đó cô vẫn phải nhanh chóng tìm đường rời khỏi Iran vì chiến sự ngày một căng thẳng.

Nữ du khách Đài Loan bắt đầu những chuyến độc hành từ năm 2022, khi còn là sinh viên đại học. Tiền làm thêm giúp cô rong ruổi thế giới mỗi kỳ nghỉ. Những chuyến đến Ấn Độ và Ai Cập trước đó – nơi Kang miêu tả ”khá hỗn loạn”, đã giúp cô rèn luyện khả năng thích nghi, tự tin đối mặt với hành trình Iran nhiều thử thách.

“Tôi thích những thử thách, chúng tạo ra những ký ức khó quên”, cô nói.

Để đến Iran, Kang xin visa 15 ngày qua một công ty du lịch trực tuyến với phí 15 USD. Cô nhận visa sau một tuần và trả thêm 134 USD khi nhập cảnh. Nữ du khách cho hay Iran thiếu cơ sở hạ tầng du lịch dành cho khách nước ngoài, giao thông công cộng không ổn định, khó sử dụng nếu không biết tiếng Farsi.

Kang cho rằng du lịch Iran không thuận tiện như nhiều nơi khác, nhưng sự hiếu khách của người dân đã giúp cô vơi bớt lo lắng lúc đầu. Để đi hết hành trình ở đây, du khách phải vững vàng và sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống. Cô đặt homestay qua trang couch-surfing, nền tảng kết nối du khách với người bản địa để lưu trú miễn phí). Khi gặp khó, cô luôn tìm đến sự giúp đỡ của người bản địa.

Kang cho hay nhờ sự tử tế của người Iran mà chuyến đi trở nên đáng nhớ hơn và sự kết nối giữa con người với nhau “thật đặc biệt”.

Trên đường, nhiều người lạ chủ động bắt chuyện, nhưng Kang cho biết kinh nghiệm du lịch những nơi tương tự giúp cô đủ nhạy bén để phân biệt ai thực sự thiện ý. Người không biết tiếng Anh thường dùng công cụ dịch, gõ câu “bạn là khách của tôi” để chào đón Kang, khiến nữ du khách 24 tuổi thích thú.

“Từ già đến trẻ, đàn ông hay phụ nữ, đều nhìn tôi trên phố và họ gọi tôi là người đến từ Viễn Đông”, cô nói.

Yêu thích kiến trúc, Kang bị cuốn hút bởi những mái vòm xanh Ba Tư ở Isfahan – điểm dừng quan trọng trên Con đường Tơ lụa nối Trung Quốc với phương Tây suốt nhiều thế kỷ. Thành phố này sở hữu nhiều di sản được UNESCO công nhận, như Nhà thờ Hồi giáo Thứ Sáu Masjed-e Jāmé – công trình cổ nhất thuộc loại này ở Iran và là hình mẫu cho các thiết kế nhà thờ Hồi giáo khắp Trung Á.

Chuyến độc hành ở Iran của Kang gặp sự cố vào ngày 14/6, cô hủy kế hoạch đi về phía bắc Iran vì đường sá bị phong tỏa. Cô ở lại Isfahan chơi bài và nấu ăn với gia đình chủ nhà. Họ đãi cô bánh mì, trà, các món truyền thống Iran, còn cô chiêu đãi họ lẩu cay Tứ Xuyên (malatang) và trà sữa. Đó cũng là điểm dừng chân cuối cùng trước khi Kang bắt đầu hành trình dài rời Iran.





Bữa sáng kiểu Ba Tư điển hình với bánh mì và phô mai feta, do gia đình chủ nhà chuẩn bị cho Kang. Ảnh: Ariel Kang

Bữa sáng kiểu Ba Tư điển hình với bánh mì và phô mai feta, do gia đình chủ nhà chuẩn bị cho Kang. Ảnh: Ariel Kang

Sáng sớm 15/6, cô bắt xe buýt đi Tehran. Trên đường, cảnh sát dừng xe kiểm tra an ninh và yêu cầu cô quấn khăn trùm đầu.

“Gần Tehran, tôi thấy khói đen bốc lên, lúc đó tôi hơi hoảng”, cô nhớ lại.

Đến thủ đô Iran lúc 14h, Kang chạy từ bến xe này sang bến xe khác, hỏi thăm người dân cách mua vé đi thành phố Tabriz ở tây bắc. Nữ du khách nghe thấy tiếng súng nổ, một phụ nữ hét lên ở bến xe buýt. Lúc đó, Kang tự trấn an bản thân phải bình tĩnh. Tiếng súng vang xa vọng về, cứ 10 phút lại nghe một lần.

Một số người có vẻ bất an, nhưng phần lớn người dân Tehran vẫn khá bình tĩnh. Kang cho hay trong một quán ăn, mọi người vẫn ăn uống như thường.

Tối cùng ngày, Kang bắt được chuyến xe buýt rời Tehran lúc 22h. Sáng hôm sau, cô tỉnh dậy khi xe đã di chuyển được gần 100 km, mắc kẹt giữa dòng người đông nghẹt rời thủ đô. Phải mất 15 tiếng, cô mới tới Tabriz.





Đám đông tập trung tại một bến xe buýt ở Tehran, chờ rời khỏi thành phố. Ảnh: Ariel Kang

Đám đông tập trung tại một bến xe buýt ở Tehran, chờ rời khỏi thành phố. Ảnh: Ariel Kang

“Tôi mệt lả và đói, xe không có nhà vệ sinh”, cô nói. Vượt thêm vài chặng xe với những rào cản ngôn ngữ, cuối cùng Kang bắt taxi đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Cô vượt biên lúc nửa đêm, rồi thêm 22 tiếng di chuyển để tới Istanbul, nơi cô bắt chuyến bay trở lại Đài Loan.

Nữ du khách chia sẻ chưa từng nghĩ sẽ gặp chiến sự trong chuyến đi. Toàn bộ hành trình rời khỏi Iran của Kang kéo dài 104 tiếng, nhưng thời gian cô khám phá đất nước này, gặp gỡ những người bản địa nồng hậu đáng nhớ hơn cả.

“Tôi không bao giờ hối hận khi đến Iran, bất chấp chiến sự, con người ở đây thật sự tuyệt vời”, Kang kể.

Mai Phương (Theo CNN)