Thái Lan mở chiến dịch truy quét khẩn cấp đối với thực phẩm chứa cần sa, sau vụ trẻ 2 tuổi nhập viện vì ăn phải kẹo cần sa.
Bộ Y tế Công cộng Thái Lan tuần này phát động chiến dịch truy quét khẩn cấp, quy mô toàn quốc đối với các loại thực phẩm, đồ uống chứa cần sa. Đây là nỗ lực mới nhằm loại sản phẩm trái phép khỏi thị trường, thắt chặt kiểm soát với các nhà cung cấp không phép.
Bộ trưởng Y tế Somsak Thepsutin hôm 6/7 bày tỏ quan ngại sau vụ bé gái 2 tuổi rưỡi nhập viện vì ăn phải kẹo cao su chứa cần sa, nhấn mạnh thực trạng trẻ em dễ dàng tiếp cận cần sa và những tác động sức khỏe luôn là mối lo dai dẳng của chính phủ.
Ông cho biết Bộ Y tế đã chỉ thị các đơn vị trên toàn quốc tiến hành các cuộc kiểm tra liên tục cho đến khi các sản phẩm như vậy bị loại bỏ. “Tất cả các bên phải hợp tác, cung cấp thông tin”, ông nói.

Du khách ngửi cần sa tại hội chợ ở Bangkok, Thái Lan, tháng 11/2024. Ảnh: Reuters
Theo khảo sát của Khoa Tâm thần thuộc Đại học Chulalongkorn, tỷ lệ thanh thiếu niên Thái Lan 18-19 tuổi hút cần sa đã tăng gấp 10 lần trong vòng hai năm, từ 1-2% năm 2020 lên 9,7% năm 2022.
“Thái Lan cần nỗ lực đảm bảo cần sa được sử dụng đúng mục đích là vì y tế, nhằm giảm tác động lên trẻ em, thanh thiếu niên và xã hội”, Bộ trưởng Somsak nói.
Các quan chức Bộ Y tế có đầy đủ thẩm quyền để xử lý các sản phẩm, thực phẩm chứa cần sa, đặc biệt nếu hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép. Giới chức có thể lập tức tịch thu hàng, phạt tiền và chuyển các vụ vi phạm đến cảnh sát để tiếp tục xử lý.
Thái Lan tháng trước ra quy định mới, hướng tới cấm sử dụng cần sa cho mục đích giải trí sau ba năm hợp pháp hóa.
Động thái này diễn ra sau khi đảng Bhumjaithai ủng hộ hợp pháp hóa cần sa rút khỏi liên minh cầm quyền để phản ứng với vụ giữa bà Paetongtarn Shinawatra và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen về vấn đề biên giới. Bà Paetongtarn đã bị đình chỉ chức thủ tướng, hiện giữ chức Bộ trưởng Văn hóa.
Đức Trung (Theo Straits Times, Nation Thailand)