Biến tấu bữa ăn tối ưu điện năng

Biến tấu bữa ăn tối ưu điện năng

bởi

trong

Ngày còn nhỏ, tôi học cách tận dụng mọi thứ để tiết kiệm: khi luộc trứng, mẹ rửa sạch rồi cho vào nồi cơm trên bếp củi, cơm chín là trứng cũng chín. Sáng tạo hơn vào cuộc sống hiện đại, thỉnh thoảng tôi cho thêm khoai, cà rốt vào nấu cùng cơm. Nhờ đó, không chỉ tiết kiệm điện hiệu quả mà còn giúp thực phẩm thơm hương gạo.

Biến tấu bữa ăn tối ưu điện năng

Tác giả cùng con chế biến món ăn từ rau củ

ẢNH: TGCC

Đặc biệt, những ngày cần hâm nóng ít thức ăn, tôi sẽ đựng vào chén, đặt giữa nồi cơm vừa cạn và đậy nắp lại, vậy là có ngay món ăn nóng hổi mà chẳng cần đun. Đối với rau xanh, gia đình tôi ưu tiên luộc, thay vì xào nhiều dầu mỡ. Nước luộc rau được tôi tận dụng triệt để, thêm chút thịt, tôm, rau củ là có ngay món canh ngọt lành. Hôm nào cả nhà thích ăn cháo, tôi lại tận dụng phần cơm nguội còn dư, cho vào nồi cơm, đổ thêm nước sôi và đậy nắp ủ. Dù không cần điện, chính nhiệt độ nóng của nước sẽ giúp cơm nở mềm. Sáng hôm sau, tôi chỉ việc thêm thịt, rau củ đã chuẩn bị vào, đun nóng là đã có ngay nồi cháo thơm ngon. Hoặc khi thức ăn chín vừa, tôi tắt bếp, đậy nắp vung để nhiệt nóng làm món chín hẳn. Các cách trên giúp tôi rút ngắn thời gian dùng bếp điện và đèn chiếu.

Tôi còn thay đổi việc ăn trái cây trực tiếp thay vì làm nước ép, sinh tố. Con trai tôi, vốn rất mê sinh tố bơ, dâu, giờ đây lại thích thú cùng mẹ tự tay sơ chế. Con cắt từng miếng nhỏ, rưới thêm sữa đặc hoặc sốt lên trên, thưởng thức rồi hí hửng: “Ba mẹ nhớ đánh giá cho con 5 sao vì đã tiết kiệm điện nhé!”.

Mặc dù đa số thiết bị điện trong nhà được lắp đặt ngoài tầm với của con, nhưng vẫn có vài ổ cắm mà con có thể chạm tới. Để đảm bảo an toàn khi cùng mẹ vào bếp, tôi thường cho con xem video về kỹ năng an toàn điện hoặc đọc sách về những câu chuyện liên quan. Mỗi tối, tôi và con chơi trò hỏi đáp, củng cố thêm kiến thức cho con kèm lời nhắn nhủ: điện mang lại cho chúng ta nhiều tiện ích nhưng nếu dùng sai cách sẽ rất nguy hiểm. Nghe vậy, con lại nhớ câu chuyện mẹ kể về cậu bé Long tò mò đút tay vào ổ điện, may mắn được bố phát hiện kịp thời nếu không đã xảy ra điều đáng tiếc. Con cũng ghi nhớ những hình ảnh quan trọng như phải tránh xa dây điện đứt, gọi người lớn ngay khi thấy ai đó bị điện giật, và tuyệt đối không chạm tay vào các thiết bị điện.

Mỗi cuối tuần, con tôi háo hức cầm đèn pin cùng ba đi quanh nhà, kiểm tra từng thiết bị và đường dây điện. Nếu phát hiện dây nào bị hở hay ổ điện có dấu hiệu rò rỉ, ba sẽ lập tức sửa chữa hoặc thay thế để con học tập. Vừa làm, chồng tôi vừa kiên nhẫn dạy con cách sử dụng thiết bị điện an toàn, cũng như số ngôi sao biểu tượng đánh giá năng lượng của từng loại, giúp con hiểu rõ hơn về việc tiêu thụ điện.

Song song đó, mỗi tháng khi thanh toán hóa đơn tiền điện, tôi đều cho con xem sự tăng giảm phần trăm và số tiền. Đôi mắt con tròn xoe nhìn vào con số hiển thị trên màn hình và reo lên: “Vậy là tháng này mình tiết kiệm điện nhiều hơn tháng trước 15% rồi mẹ ha?”.

Từ những thay đổi nho nhỏ ấy, giờ đây mỗi bữa ăn trong gia đình tôi không chỉ đầy ắp sắc màu của rau củ quả mà còn “truyền dẫn” theo ý nghĩa lớn lao. Tôi tin rằng qua những điều chỉnh tưởng chừng đơn giản, mỗi gia đình đều có thể tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng, tạo dựng môi trường sống an toàn hơn, đồng thời gieo vào lòng con ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho những “mùa gặt” tương lai.

130 triệu đồng tiền thưởng và quà tặng hấp dẫn đang chờ chủ nhân.

Xin xem chi tiết về cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen tại thanhnien.vn

 - Ảnh 2.