Chứng khoán có thể tái lập đỉnh lịch sử?

Chứng khoán có thể tái lập đỉnh lịch sử?

bởi

trong

Nhiều chuyên gia dự báo VN-Index có thể tái lập đỉnh lịch sử 1.528 điểm trong năm nay, tức tăng 7% so với hiện tại, dù khó tránh nhiều nhịp điều chỉnh kỹ thuật.

VN-Index ở mức 1.426 điểm vào giữa phiên sáng 9/7. Trạng thái hưng phấn của nhà đầu tư trong và ngoài nước giúp chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam kéo dài mạch tăng 4 phiên liên tục. So với vùng đỉnh lịch sử được thiết lập đầu tháng 1/2022, chỉ số còn kém khoảng 100 điểm, tương đương 7%.

Nói với VnExpress, ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc cấp cao Nghiên cứu chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán HSC, cho rằng kịch bản VN-Index chinh phục đỉnh lịch sử trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Ông Dũng ban đầu dự phóng VN-Index có thể đạt khoảng 1.431 điểm vào cuối năm nay và 1.521 điểm trong nửa đầu năm sau. Các dự báo được xây dựng trong bối cảnh chưa rõ ràng về mức thuế quan từ Mỹ. Do đó, khi bức tranh về thuế quan dần sáng tỏ và theo chiều hướng tích cực hơn so với dự đoán, ông Dũng kỳ vọng thị trường có cú hích tâm lý để kéo dài trạng thái hưng phấn.

“Nhờ thông tin tích cực về thuế quan, chỉ số đã liên tục phá vỡ các kháng cự kỹ thuật sau một nhịp tăng kéo dài từ vùng tích lũy 1.300 điểm. Ngưỡng tâm lý mà chúng tôi đang theo dõi là 1.400 điểm và 1.450 điểm trước khi hướng tới mốc 1.500 điểm”, ông Dũng nói.

Chuyên gia này nhận định bối cảnh thị trường hiện tại có nhiều điểm tương đồng giai đoạn trước khi VN-Index vượt mốc 1.400 điểm vào năm 2021 và lập đỉnh lịch sử đầu năm 2022.

Thứ nhất, chuỗi giá trị toàn cầu đối diện thách thức lớn, trước đây là Covid-19, còn nay là thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thứ hai, Việt Nam duy trì sự ổn định tương đối tốt, thể hiện qua việc kiểm soát đại dịch cách đây 4 năm và giờ là đàm phán thương mại. Yếu tố còn lại là chính sách tiền tệ đang được nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế.

“Triển vọng kinh tế hiện nay thậm chí tích cực hơn khi GDP tăng trưởng vượt trội so với giai đoạn dịch, đầu tư trong nước đẩy mạnh và các cải cách thể chế diễn ra mạnh mẽ”, ông Dũng phân tích.

Bên cạnh yếu tố vĩ mô là chất xúc tác cho đà tăng của VN-Index, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm phân tích, Công ty Chứng khoán ACB lạc quan về khả năng chỉ số tái lập đỉnh cũ và chạm đỉnh mới trong ngắn hạn (3-6 tháng tới) nhờ sự ủng hộ của dòng tiền.

Năm ngoái, bình quân mỗi phiên giao dịch đạt 21.100 tỷ đồng. Sau nhịp điều chỉnh mạnh vào đầu tháng 4 do thông tin thuế quan, thanh khoản bắt đầu cải thiện và đạt bình quân 24.000 tỷ đồng mỗi phiên. Hai phiên giao dịch gần nhất đang có thanh khoản ổn định ở mức hơn 28.000 tỷ đồng, trong đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận khớp lệnh nghìn tỷ.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng phát tín hiệu quay trở lại mạnh mẽ sau khi rút ròng 40.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Khối ngoại đang có chuỗi gom hàng 6 phiên liên tiếp với tổng giá trị mua ròng hơn 8.000 tỷ đồng.

“Nhà đầu tư nước ngoài trước đây thường mua mạnh khi thị trường lao dốc và bán ra khi quay đầu tăng. Xu hướng giao dịch của họ bây giờ dường như thay đổi khi liên tục giải ngân giữa lúc VN-Index leo đỉnh. Dòng tiền này đang góp phần nâng đỡ đáng kể cho đà tăng của chỉ số”, bà Trang nhận định.





Chứng khoán có thể tái lập đỉnh lịch sử?

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá điện tử tại một công ty chứng khoán ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Đối với nhà đầu tư trong nước, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng niềm tin cũng quay lại nhanh chóng. Ngoài thanh khoản, ông Sơn dẫn chứng thêm về số lượng tài khoản chứng khoán mở mới không ngừng tăng. Nửa đầu năm nay, thị trường đón gần 1 triệu tài khoản mới tham gia, nâng tổng số lên 10,2 triệu.

Theo ông Sơn, định giá thị trường chứng khoán đang ở mức hấp dẫn cho một chu kỳ tăng trưởng mới khi P/E ở mức 13,9 lần, thấp hơn P/E trung vị 10 năm gần nhất (16,6 lần).

Ông nói thêm thị trường còn có nhiều chất xúc tác khác để giúp VN-Index trở lại đỉnh cũ. Đầu tiên, xác suất chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trong kỳ đánh giá vào tháng 9 lên đến 70%, theo VPBankS. Nhờ đó, triển vọng thu hút dòng vốn chủ động và thụ động ước tính khoảng 3-7 tỷ USD.

Thứ hai là khả năng có nhiều thương vụ IPO (chào bán lần đầu ra công chúng) và chuyển niêm yết từ sàn HNX sang HoSE trong giai đoạn từ nay đến 2027. Tổng giá trị các thương vụ này dự kiến lên đến 47,5 tỷ USD, là động lực để thị trường chứng khoán hút thêm vốn ngoại.

Cuối cùng, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm nay dự kiến đạt 16,5%. Động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn từ nhóm tài chính, còn nhóm phi tài chính (bất động sản, năng lượng, bán lẻ…) có thể tăng hơn 10,4% trong bối cảnh nền so sánh cao dần.

“Chúng tôi từng dự báo VN-Index dao động 1.420-1.450 điểm thì bây giờ gần đạt. Dự kiến trong 6 tháng tới thị trường có thể chứng kiến ngưỡng 1.500-1.550 điểm”, ông Sơn nói.

Dù lạc quan về kịch bản xác lập đỉnh mới trong năm nay, các chuyên gia đều nhấn mạnh thị trường có thể sẽ trải qua nhiều nhịp điều chỉnh kỹ thuật.

Người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường của VPBankS nói rằng một số chỉ báo kỹ thuật đang vào vùng quá mua, cho thấy thị trường có dấu hiệu nóng lên. Ông dự đoán khi VN-Index tiến đến 1.430 điểm và 1.450 điểm, thị trường sẽ điều chỉnh, sau đó lấy đà tiếp tục lên vùng giá mới.

Tương tự, chuyên gia của HSC cho rằng chuỗi tăng điểm gần đây là tín hiệu tích cực nhưng hàm chứa nguy cơ về áp lực chốt lời. Một số vùng hỗ trợ kỹ thuật mà ông Dũng khuyến nghị nhà đầu tư quan sát cẩn trọng là 1.380, 1.350 và 1.340 điểm.

“Đây có thể là các ngưỡng mua bắt đáy mạnh khi điều chỉnh xảy ra. Dù vậy, triển vọng thị trường vẫn tích cực nhờ sự trở lại mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài, giúp khả năng điều chỉnh ngắn lại và VN-Index có thể sớm lấy lại đà tăng. Việc thị trường điều chỉnh do nhu cầu chốt lời ở giai đoạn hiện tại có thể giúp củng cố sự ổn định trong dài hạn”, ông Dũng nói.

Phương Đông