
Dù có 2 hố chôn lấp tạm thời đủ lớn chứa được rác trong vài tháng nhưng việc chôn rác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường – Ảnh: THANH HUYỀN
Ngày 9-7, ông Tô Hoài Dân – chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (đơn vị vận hành nhà máy rác duy nhất ở Cà Mau) – cho biết nhà máy rác ông dừng hoạt động gần 1 tháng nay là do thua lỗ thực sự, không phải “yêu sách” với chính quyền.
“Mặc dù nhà máy chúng tôi có nhiều lần dừng hoạt động nhưng mỗi lần dừng là có các lý do khác nhau, lần này dừng là do nhà máy chạy theo đơn giá cũ đã gần 10 năm nay. Trong khi vật giá càng ngày càng leo thang, đời sống anh em công nhân cũng cần được tăng lương, cải thiện. Chúng tôi đang tiếp tục điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng để trình biểu giá mới”, ông Dân nói.
Trước việc nhà máy rác Cà Mau đóng cửa, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương không để rác thải ùn ứ, gây ô nhiễm trong khu dân cư.
Tạm thời, thành phố Cà Mau (cũ) sử dụng khu vực đường vào nhà máy để tập kết rác ở bãi rác tạm. Ở các huyện cũ như Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, rác sẽ được chuyển về xã Phan Ngọc Hiển để xử lý. Đồng thời, tỉnh cũng lên kế hoạch sử dụng các khu đất tại Khánh An (50ha), Lâm Hải (20ha) và Tân Thuận (20ha) để làm bãi chôn lấp quy mô lớn.
Việc sắp xếp này chỉ là giải pháp mang tính đối phó trong ngắn hạn. Việc chôn rác, nếu không đi kèm quy trình xử lý nghiêm ngặt, dễ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cộng đồng. Trong quá khứ, Cà Mau từng 2 lần chứng kiến tình trạng rác thải ùn ứ vào dịp nhà máy bảo trì năm 2018 và cuối năm 2022, khiến người dân nhiều nơi bức xúc.
Dù phương án chôn rác có thể giảm áp lực trước mắt, nhưng về dài hạn, việc đầu tư đồng bộ hạ tầng xử lý rác và có cơ chế tài chính phù hợp cho các đơn vị vận hành là điều kiện tiên quyết. Nếu không, bài toán rác thải ở Cà Mau sẽ còn tiếp tục là điểm nghẽn khó tháo gỡ.
Trước nguy cơ phụ thuộc vào một nhà máy xử lý rác độc quyền, chính quyền tỉnh Cà Mau đang xúc tiến mời gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác, nhất là sau khi hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu hợp nhất, áp lực xử lý rác lớn.