Hôm nay 9.7, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam bắt đầu khởi động Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 (VPSF 2025). PV Báo Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, về thông điệp mà diễn đàn hướng tới.
Tạo ra một kênh đối thoại có chiều sâu về kinh tế tư nhân
Xin ông cho biết mục tiêu của việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025?
Ông Đặng Hồng Anh: Mục tiêu lớn nhất của Diễn đàn là tạo ra một kênh đối thoại có chiều sâu và thực chất giữa khu vực tư nhân với các cơ quan hoạch định chính sách, từ T.Ư đến địa phương. Đây không đơn thuần là nơi doanh nghiệp phản ánh khó khăn hay đề xuất kiến nghị, mà là hành trình để doanh nhân, doanh nghiệp cùng các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu đồng hành xây dựng chính sách, từ thực tiễn, cho thực tiễn và vì tương lai.
Chúng tôi muốn khẳng định rằng, doanh nhân, trong đó có doanh nhân trẻ không chỉ là người sản xuất, kinh doanh mà còn có thể, và cần phải, là một lực lượng tiên phong góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Anh Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
ẢNH: CTV
Thưa ông, nội dung của diễn đàn năm nay có gì khác biệt so với các năm trước, quy mô tổ chức ra sao?
Diễn đàn năm nay được thiết kế theo một tiến trình rất mới. Chúng tôi tổ chức ba cấp độ: vòng địa phương với gần 15 phiên đối thoại, 4 phiên đối thoại chuyên đề cấp bộ ngành và kết lại bằng phiên đối thoại cấp cao, với sự tham gia đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân và gần 5.000 doanh nhân trên toàn quốc. Diễn đàn không diễn ra trong một ngày, mà kéo dài trong suốt 3 tháng, với hệ thống các phiên đối thoại liên tục, xuyên suốt và có tính dẫn dắt. Điều này giúp quá trình kiến nghị chính sách trở nên bài bản, có trọng tâm, có dẫn chứng từ thực tiễn, và có sự phối hợp liên ngành ngay từ đầu.
Nội dung diễn đàn xoay quanh bốn trụ cột lớn được chúng tôi xây dựng bám sát các nghị quyết trọng điểm của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ và hiện đại; và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là lần đầu tiên một tổ chức hội, với vai trò xã hội, chủ trì tổ chức một tiến trình đối thoại chính sách quy mô lớn, có chiều sâu như vậy.
Những ý kiến của doanh nhân tại diễn đàn sẽ được hội hỗ trợ ra sao để biến thành chính sách cụ thể?
Với diễn đàn lần này, chúng tôi xác lập trách nhiệm rất rõ ràng. Mỗi ý kiến, mỗi đề xuất đều được hệ thống lại một cách khoa học. Chúng tôi có tổ chuyên môn để tổng hợp, phân tích, phân nhóm theo từng chủ đề, từng lĩnh vực, gắn với từng văn bản pháp luật cụ thể. Sau đó, các đề xuất sẽ được chuyển thành các báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp, và được đưa vào tuyên bố chung diễn đàn và sau đó là “Sách trắng diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam”, một tài liệu sẽ được trình các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Ban tổ chức họp báo công bố Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2025
ẢNH: BTC
Quan trọng hơn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ đóng vai trò cầu nối, thúc đẩy quá trình đối thoại hai chiều. Chúng tôi sẽ chủ trì các phiên làm việc với bộ ngành, sẽ phản biện lại nếu cần, sẽ theo dõi lộ trình xử lý kiến nghị, và sẽ công khai tiến độ. sự chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm chính là cách để diễn đàn không dừng lại ở phát biểu, mà trở thành hành động.
Chuyển dịch vai trò của doanh nhân
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng thuận lợi, khó khăn của doanh nhân trẻ hiện nay? Có điểm nghẽn nào cần được đặc biệt tháo gỡ?
Thuận lợi lớn nhất, tôi nghĩ, chính là môi trường chính sách đang ngày càng cởi mở hơn. Tư duy “coi trọng kinh tế tư nhân” đã thực sự đi vào các văn kiện, nghị quyết của Đảng và hành động của toàn hệ thống chính trị. Các doanh nhân trẻ hôm nay không còn phải chứng minh rằng họ cần được công nhận. Họ đã và đang được kỳ vọng trở thành lực lượng kiến thiết mới.
Nhưng đi kèm với đó là rất nhiều thách thức. Nhiều bạn khởi nghiệp gặp khó khăn về vốn, đặc biệt là vốn dài hạn cho đổi mới sáng tạo. Tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư, giấy phép hành chính cũng là những nút thắt cũ nhưng vẫn còn rất nóng. Một điểm nghẽn khác là sự thiếu ổn định và nhất quán trong thể chế, khiến doanh nghiệp không thể dự báo được lộ trình chính sách.
Theo ông, ý nghĩa lớn nhất của diễn đàn 2025 là gì trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị?
Tôi nghĩ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2025 có thể là một dấu mốc quan trọng trong hành trình hiện thực hóa tinh thần của “bộ tứ trụ cột”, nhất là Nghị quyết 68. Nghị quyết đã xác định rõ rằng kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng để điều đó trở thành thực tế, chúng ta cần thể chế phù hợp, cần hành lang chính sách cởi mở, cần môi trường pháp lý ổn định, và quan trọng nhất là cần sự tham gia thực chất của chính những người trong cuộc.
Với tôi, ý nghĩa lớn nhất của diễn đàn chính là sự chuyển dịch vai trò của doanh nhân, từ người phản ánh sang người đồng kiến tạo. Khi doanh nhân trẻ không chỉ nói lên tiếng nói của mình, mà còn tham gia đề xuất, phản biện, đồng hành sửa đổi và xây dựng chính sách, thì đó là khi nền kinh tế tư nhân thực sự trưởng thành. Và đó cũng là khi quốc gia có thể tự tin đi nhanh hơn, xa hơn, trên con đường phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!