Vivo mở phòng thí nghiệm robot, tận dụng các điểm mạnh về công nghệ, AI, xử lý hình ảnh để phát triển robot dành cho gia đình, tiêu dùng.
Thông tin được thương hiệu công bố tại diễn đàn châu Á Bác Ngao 2025. Động thái đến từ việc thương hiệu nhận định thị trường smartphone đã đạt đến ngưỡng bão hòa, do đó cần một hướng đi mới. Với 30 năm tích lũy công nghệ, đơn vị kỳ vọng định hướng này sẽ mở ra không gian giá trị hàng trăm tỷ USD.

Ông Hu Baishan – Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc điều hành Vivo phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bắc Ngao 2025. Ảnh: Vivo
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, quyết định này cũng thể hiện xu hướng của ngành, tiến bộ công nghệ. Khoản đầu tư và tích lũy vào lĩnh vực AI giúp thương hiệu có thế mạnh để tự tin bước vào lĩnh vực robot gia đình. Việc thành lập Viện nghiên cứu toàn cầu AI, mô hình BlueLM đã đạt được nhiều kết quả trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng hình ảnh. Hơn nữa, đội ngũ chuyên gia AI hơn 1.000 người đủ khả năng tạo ra những ứng dụng đột phá.
Với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực AI và khả năng xử lý hình ảnh, đơn vị kỳ vọng robot có thể nhận thức chính xác về môi trường, nhận dạng hình ảnh và khả năng ra quyết định thông minh.
Bên cạnh đó, lượng người dùng lớn và các kịch bản sử dụng phong phú là cơ sở khác để thương hiệu thâm nhập vào thị trường robot. Hãng đã đứng đầu thị trường điện thoại di động nội địa Trung Quốc trong bốn năm liên tiếp, với công suất sản xuất hàng năm gần 200 triệu chiếc. Mạng lưới bán hàng phủ sóng hơn 60 quốc gia và khu vực. Lượng người dùng hơn 500 triệu người. Đây là tiền đề để lấn sân vào lĩnh vực robot gia đình.

Kính Vivo Vision vừa trình làng tại Diễn đàn châu Á Bắc Ngao. Ảnh: Vivo
Số liệu của Canalys năm 2024 cho thấy Vivo đã trở thành công ty hàng đầu Trung Quốc với thị phần 17%, doanh số đạt 49,3 triệu smartphone, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Huawei đứng thứ hai với 1% tăng trưởng tương đương 16% thị phần, lượng hàng xuất xưởng tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Apple, Oppo và Honor xếp các vị trí tiếp theo với cùng 15% thị phần.
Với lợi thế từ smartphone, thị trường robot được kỳ vọng là một mảnh đất tiềm năng. Hãng cho rằng smartphone là cầu nối giữa con người và thế giới số – vai trò mà Vivo muốn tiếp tục phát huy với robot trong tương lai. Trong bối cảnh xã hội già hóa và cấu trúc gia đình ngày càng phân mảnh, thương hiệu khẳng định robot có thể trở thành một thành viên trong gia đình, đáp ứng cả nhu cầu vật lý và cảm xúc của người dùng. Chiến lược mới cần nhiều thời gian để nghiên cứu, phát triển.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thương hiệu cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là việc thuyết phục tệp khách hàng truyền thống chấp nhận các sản phẩm công nghệ giá trị cao như robot. Kế đến là trở ngại sâu hơn, vượt ra khỏi “tư duy phần cứng” của các nhà sản xuất smartphone truyền thống. Thị trường robot đòi hỏi phần cứng tích hợp và cả hệ sinh thái phần mềm, thuật toán, vận hành dịch vụ và khả năng tích hợp sâu rộng. Thương hiệu nhận thấy rằng hãng có thể bị giới hạn trong vai trò của một “nhà tích hợp giải pháp cao cấp”. Điều này có thể làm giảm khả năng giành được thị phần trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ dài hạn và không ngừng đổi mới sáng tạo. Đây là con đường mà chúng tôi muốn theo đuổi và nỗ lực để định hình tương lai”. ông Hu Baishan, Phó chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Vận hành chia sẻ.
Hoài Phương