
Tôi hỏi, thì người môi giới nói lý do rao đất từ 300 lên 520 triệu mỗi m2 vì ‘chưa bán được thì tạo đà trước’.
“Đi mua nhà đất, điều đáng sợ nhất là trúng chiêu thức của giới ‘cò’ và các tay buôn: họ liên tục đăng tin bán với giá lần sau cao hơn lần trước, theo tuần, thậm chí theo ngày, nhằm làm lung lạc, xao động những người đang cần mua nhà hoặc muốn đầu tư đất.
Có những trường hợp, chỉ trong 10 ngày, giá một lô đất tăng từ 300 triệu lên 520 triệu đồng một m2.
Tôi hỏi người đăng tin, cũng là người quen tại sao lại làm vậy, anh ta trả lời: ‘Đằng nào cũng chưa bán được, nên đăng thế để tạo nền, tạo đà’. Gặp ‘gà mờ’ thì có khi trúng đậm.
>>
Chiêu trò thì nhiều vô kể, với hàng trăm bộ não ‘cò’ nghĩ suốt ngày đêm để bán được đất, kiếm hoa hồng, kê giá theo đội nhóm. Người đi mua sập bẫy là chuyện khó tránh. Không chỉ bên mua mà bên bán cũng nhiều khi bị thả ‘bom’ nếu làm trái ý, khiến nhà đất không bán được. ‘Bom’ phổ biến nhất là bom giá, bom thông tin”.
Độc giả bình luận như trên, bày tỏ sự lo ngại với chiêu thức đăng tin bán đất với giá mỗi ngày một cao, nhằm tạo cảm giác ‘thị trường đang nóng’. Chia sẻ này được viết sau khi nhiều người bị khi thị trường ‘gãy sóng’.
Theo ghi nhận, thị trường đất nền ở nhiều tỉnh phía Bắc đột ngột rơi vào ảm đạm sau bốn tháng đầu năm tăng nhiệt. Nhiều khu vực từng tăng giá nhanh lên 30-40% vài tháng trước đó đã xuất hiện tình trạng nhà đầu tư thoát hàng, muốn “cắt lỗ” hàng trăm triệu đồng.
Độc giả nickname đặt câu hỏi: “Lý do gì mà đất ngõ xóm ở tỉnh, đường một làn ôtô, lại có giá lên tới 40-50 triệu một m2 trong khi đất nền còn bát ngát?”.
Dữ liệu của kênh Batdongsan cũng cho thấy mức độ quan tâm đất nền tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có xu hướng giảm tốc sau khi đạt đỉnh vào tháng ba, giảm lần lượt 15% và 5% theo tháng. Một số tỉnh sụt giảm mức độ quan tâm mạnh nhất gồm Hòa Bình (giảm 16%), Vĩnh Phúc (14%), Bắc Giang (11%), Hưng Yên (10%)…
Độc giả nhận định:
“Lúc sốt đất, phần lớn đất nền ở xa, ở tỉnh là do cò thổi giá, nhà đầu tư lướt sóng kiếm lời. Khi bong bóng vỡ, ông nào ôm cuối là ông đó chịu.
Đừng nghe lời ‘cò’ chỉ có người đẻ chứ đất không đẻ. Chỉ còn tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn, do người trẻ vẫn tiếp tục đổ về làm việc. Vậy nên chỉ có vùng ven thành phố lớn là còn nhu cầu thực để ở, mới dễ thanh khoản. Còn đất tỉnh thì ngày càng ít người mua, giờ mà còn ôm là xác định ôm nợ”.
Bên cạnh những cảnh báo, một số độc giả chia sẻ kinh nghiệm đầu tư thắng lợi, nhưng không quên nhấn mạnh yếu tố thời điểm và may mắn, độc giả nickname kể:
“Tôi thấy đầu tư bất động sản cũng cần chút may mắn. Lựa chọn vị trí đầu tư rất quan trọng.
Tháng 1/2024, tôi vay ngân hàng 400 triệu mua mảnh đất đấu giá tại thị trấn Xuân Mai, Hà Nội, đất rộng 75 m2, hai mặt tiền, giá 1,1 tỷ (môi giới báo 1,15 tỷ). Tháng 5/2024, tôi bán được 3,15 tỷ.
Tôi định xây nhà trên mảnh đất này, nhưng sau đó quyết định mua mảnh đất khác, rộng 50 m2 ở Yên Nghĩa, Hà Đông giá 6,5 tỷ (vay ngân hàng 3 tỷ). Đến tháng 5/2025, tôi bán 9,5 tỷ. Trả hết nợ ngân hàng, xây nhà và vẫn còn dư tiền mua thêm một lô nữa.
Có lẽ vì tôi may mắn, vì hai lần mua bán đều có lãi. Cả ba lần mua, hai lần bán đất đều diễn ra rất nhanh chóng. Tôi hoàn toàn có thể kỳ kèo để mua rẻ hơn, bán đắt hơn, nhưng đã không làm vậy.
Quan trọng là thời điểm. Bán rẻ thì nhanh có tiền quay vòng mua lô khác giá rẻ. Kỳ kèo thêm vài chục triệu, thì khi mua mảnh khác có khi phải chi thêm vài chục triệu nữa rồi.
Mua đất phải tính đến tiềm năng. Đầu tư ở đâu cũng nên tìm hiểu kỹ. Nếu muốn mua, hãy nói với môi giới là bạn có đất muốn bán. Nếu muốn bán, hãy nói là bạn đang cần mua. Bằng cách đó, bạn sẽ biết rõ giá trị thật của đất khu vực định giao dịch”.
Hữu Nghị tổng hợp