
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng kiểm tra công tác xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân tại phường Pleiku – Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Ngày 9-7, các lãnh đạo tỉnh Gia Lai mới tổ chức kiểm tra các xã địa bàn khu vực biên giới phía Tây của tỉnh (tỉnh Gia Lai cũ) sau khi thực hiện chính quyền 2 cấp.
Tạo điều kiện cho địa phương phát triển nhanh, bền vững
Ông Hồ Quốc Dũng, bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp đến kiểm tra tại xã Ia Grai. Còn ông Phạm Anh Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh, đến kiểm tra tại xã Ia Dom và Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh. Đây là các địa bàn thuộc tỉnh Gia Lai cũ, trong đó có địa bàn biên giới giáp với Campuchia.
Tại xã Ia Grai, bí thư Tỉnh ủy Gia Lai yêu cầu chính quyền xã tập trung thực hiện công tác giảm nghèo.
Phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, phân tích rõ nguyên nhân hộ nghèo và nguyên nhân thoát nghèo. Tổ chức điều tra, khảo sát, nắm chắc tình hình từng hộ để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Ông Hồ Quốc Dũng giao các sở ngành liên quan tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của địa phương để tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện cho địa phương phát triển nhanh, bền vững.
Đồng thời yêu cầu xã tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Giải quyết dứt điểm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Đất đai màu mỡ nhưng dân vẫn nghèo, vì sao?
Trong khi đó, tại xã Ia Dom, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu địa phương làm rõ lý do vì sao người dân vẫn nghèo dù có nhiều điều kiện thuận lợi, có khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND xã Ia Dom, Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh nằm trên địa bàn của xã, xã này có hơn 13.780ha đất với số dân gần 8.700 người.
Đáng chú ý, đất nông nghiệp có tới hơn 11.000ha. Trong đó có tới hơn 10.000ha đất trồng cây chủ lực như cao su, điều, cà phê. Dù vậy, nguồn thu của địa phương này rất thấp và có tới 103 hộ nghèo và 157 hộ cận nghèo.

Ông Phạm Anh Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nói chuyện với người dân xã Ia Dom – Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Theo chủ tịch tỉnh Gia Lai, dù là xã biên giới nhưng Ia Dom có nhiều điều kiện tốt về hạ tầng, cửa khẩu, đất đai màu mỡ, tuy nhiên tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao là việc cần xem lại.
Ông Phạm Anh Tuấn đánh giá dư địa và nguồn lực tại địa phương rất tốt, với tiềm năng này, dân cư khu vực không những thoát nghèo mà có cơ hội làm giàu rất cao.
Đồng thời, yêu cầu xã phải nghĩ giúp dân tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp, làm nông nghiệp bền vững, tránh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ cho chính quyền xã Ia Dom tới năm 2026 phải đưa toàn bộ người dân thoát nghèo.
Đưa phường Pleiku trở thành phường đi đầu của tỉnh mới
Cùng ngày, ông Hồ Quốc Dũng có buổi làm việc với phường Pleiku. Đây là phường trung tâm tỉnh Gia Lai (cũ) sau sáp nhập các địa phương của TP Pleiku.
Ông Nguyễn Xuân Phước, bí thư phường Pleiku, thông tin phường đang kêu gọi đầu tư 15 dự án với tổng quy mô đất 406ha, vốn đầu tư dự kiến hơn 21.614 tỉ đồng. Địa phương đang rà soát, đề xuất đầu tư 5 dự án trọng điểm với tổng vốn hơn 1.146 tỉ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai yêu cầu phường Pleiku cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để xứng đáng là phường trung tâm phát triển năng động nhất của tỉnh Gia Lai.
Phải thay đổi cách tiếp cận trong thu hút đầu tư theo hướng cởi mở, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư cảm thấy hài lòng khi đến với phường.
Đồng thời giao nhiệm vụ phường Pleiku phải trở thành phường kiểu mẫu của cả tỉnh, đi đầu trên tất cả các lĩnh vực.
Cùng ngày, bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã khảo sát một số dự án trọng điểm tại khu vực tỉnh Gia Lai cũ như khu công nghiệp Nam Pleiku, dự án sân golf Đak Đoa (FLC), khu đô thị CK54 và khu du lịch sinh thái đồi thông.