
Giáo viên mầm non là đối tượng có thể nghỉ hưu sớm theo luật mới – Ảnh: HÀ QUÂN
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật Nhà giáo số 73/2025/QH15 có hiệu lực từ 1-1-2026 quy định chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập, nhằm phù hợp tính chất nghề nghiệp và các giai đoạn khác nhau.
Ai được nghỉ hưu sớm?
Việc này vừa giúp các giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm, vừa mở ra cơ hội kéo dài thời gian cống hiến cho người có trình độ cao hoặc chuyên môn đặc thù.
Về cơ bản, tuổi nghỉ hưu của nhà giáo theo Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng từ 60 lên 62 tuổi với nam, và từ 55 lên 60 tuổi với nữ.
Từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho tới khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028, nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Tuy nhiên, Luật Nhà giáo mới bổ sung quy định riêng cho nhà giáo trong cơ sở giáo dục mầm non.
Cụ thể nếu có nguyện vọng, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường, song không quá 5 tuổi.
Như vậy, nếu các giáo viên này đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm trở lên và đến tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu.
Ngoài ra, Luật Nhà giáo còn tạo cơ hội cho các giáo viên mong muốn nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, phát huy tối đa kinh nghiệm, trí tuệ của đội ngũ chuyên gia.
Trong đó, có nhà giáo mang chức danh giáo sư, phó giáo sư, trình độ tiến sĩ hoặc làm việc trong ngành, lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù. Điều kiện là cơ sở giáo dục có nhu cầu và nhà giáo đảm bảo sức khỏe, tự nguyện làm việc, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của các nhà trường.
Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu tăng thêm không quá 5 tuổi với người có trình độ tiến sĩ, không quá 7 tuổi với người chức danh phó giáo sư và không quá 10 tuổi với người có chức danh giáo sư.
Đáng chú ý, nếu chọn chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, các nhà giáo trên không được làm quản lý.

Người hưởng lương hưu ở Hà Nội – Ảnh: HÀ QUÂN
Mức hưởng lương hưu mới từ ngày 1-7
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 quy định mức hưởng lương hưu hằng tháng tính trên mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, lao động nữ có mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương cho 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ mỗi năm đóng thêm được tính thêm 2%, tối đa không quá 75%.
Lao động nam có mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương cho 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ mỗi năm đóng thêm được tính thêm 2%, tối đa không quá 75%.
Nếu nam giới đóng từ 15 năm đến dưới 20 năm, mức hưởng là 40% cho 15 năm đầu, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng tính thêm 1%.
Hưởng lương hưu sớm do suy giảm khả năng lao động: Mức hưởng được tính như trên, sau đó giảm 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định.
Nếu thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.
Lương hưu sẽ được điều chỉnh dựa vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là điều chỉnh thỏa đáng với người có lương hưu thấp hoặc nghỉ hưu trước năm 1995.
Trong kỳ chi trả tháng 6-2025, toàn quốc có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trong đó, có khoảng 81% tổng số người hưởng được trả qua tài khoản cá nhân (thẻ ATM).