Ngạc nhiên vì quá… chuyên nghiệp
Trong phòng họp báo trước trận gặp Cảnh sát Lào trong khuôn khổ giải bóng đá công an, cảnh sát các nước ASEAN mở rộng, HLV Apichart của đội Cảnh sát Thái Lan tỏ ra ngạc nhiên, vì “giải được tổ chức rất chuyên nghiệp, có quy mô và bài bản”.
Ông ngạc nhiên vì dù là một giải giao hữu quốc tế, nhưng về bản chất, đây vẫn chỉ là một giải phong trào của những người chơi bóng nghiệp dư, một sân chơi để ngành cảnh sát khu vực ASEAN giao lưu, hiểu nhau hơn, từ đó thúc đẩy hợp tác trong những nhiệm vụ quan trọng.

Giải đấu được tổ chức theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp, quy mô, bài bản (Ảnh: BTC).
Hai chữ “chuyên nghiệp” là lời khen có sức nặng: các cầu thủ hưởng tiêu chuẩn ở khách sạn 4 sao, với đầy đủ cơ sở vật chất để tập luyện và hồi phục sau trận đấu. Các trận đấu diễn ra tại Hàng Đẫy và sân của trung tâm PVF, những nơi có chất lượng mặt cỏ hàng đầu Việt Nam, được tường thuật trực tiếp trên những kênh truyền hình lớn nhất như VTV, FPT, truyền hình Công an nhân dân và nền tảng số. Số tiền thưởng cho đội vô địch lên đến 30.000 USD.
Và để tổ chức bài bản, trang trọng như vậy, thì tiền không phải là vấn đề duy nhất. Ban tổ chức phải chú tâm, đầu tư thời gian, sức lực vào đó. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển đã quen với việc này, từ rất lâu.
Người ta hay gọi ông là bầu Hiển, một lối ví von được dùng trong bóng đá nhưng có xuất xứ từ sân khấu ca nhạc, chỉ những người đứng ra tổ chức từ A-Z một đêm show. Nhưng khác với ông bầu ca nhạc bị thúc đẩy bởi lợi nhuận, thì các cá nhân được ví von là ông bầu bóng đá thường là bỏ tiền túi ra để thoả mãn đam mê, không vụ lợi.
Khi một nền thể thao còn yếu, thiếu vận động viên đỉnh cao và các hoạt động phong trào là một khoảng trống lớn, thì vai trò của các ông bầu nhiều đam mê chính là dấu gạch nối quan trọng: sự đầu tư và công sức của họ sẽ lấp đầy khoảng trống này, nhân rộng, khuyến khích tình yêu thể thao, từ đó giúp cho nền thể thao thoát khỏi trạng thái bán chuyên, đi tìm những đỉnh cao mới.
Năm 1991, giáo sư Archie B.Caroll của Đại học Georgia đã đưa ra một lý thuyết nổi tiếng có tên “Tháp trách nhiệm xã hội” để giải thích các lớp trách nhiệm mà xã hội thường kỳ vọng ở một doanh nghiệp. Có bốn phần như sau:
Trách nhiệm kinh tế: Sinh lời, là nền tảng của mọi trách nhiệm khác.
Trách nhiệm pháp lý: Tuân thủ pháp luật.
Trách nhiệm đạo đức: Làm điều đúng đắn, công bằng, ngay cả khi không có luật định.
Trách nhiệm thiện nguyện, phụng sự: Đóng góp nguồn lực cho cộng đồng, phát triển xã hội.
Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB của bầu Hiển là doanh nghiệp hàng đầu của đất nước nhiều năm qua, không chỉ trên phương diện kinh tế. Những hoạt động của họ đã tiến đến tầng thứ tư của tháp trách nhiệm xã hội, như tâm nguyện thường ngày của ông: phụng sự để trả ơn xã hội, vì những gì ông có là từ xã hội.

Bầu Hiển luôn đồng hành với những sự kiện thể thao lớn của nước nhà (Ảnh: BTC).
Khuyến khích các sân chơi nghiệp dư phát triển là một phần quan trọng trong tầng trách nhiệm này. Nó cũng trùng hợp với đam mê của bầu Hiển, một người yêu bóng đá điên cuồng và sẵn sàng bỏ qua các cân nhắc vật chất khi dấn thân cho đam mê.
Tầng trách nhiệm cao nhất
Trong bài phát biểu tại buổi họp báo công bố Giải bóng đá công an, cảnh sát các nước ASEAN mở rộng 2025, Cục trưởng X03, Đại tá Phạm Kim Đĩnh nhấn mạnh rằng, giải đấu không chỉ là dịp để cán bộ, chiến sĩ công an, cảnh sát các nước rèn luyện sức khỏe, phát triển tinh thần đồng đội mà còn là sân chơi thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
Thể thao phong trào, về bản chất, đúng là như thế: sân chơi kết nối những người muốn chơi thể thao, bất kể ngành nghề. Nó không trực tiếp đóng góp vào thành tích của thể thao đỉnh cao, hay trực tiếp kết nối công việc, nhưng đấy là nền tảng của tất cả: niềm vui và đam mê của việc chơi thể thao vô tư chính là cơ sở cho mọi sự phát triển bền vững sau này, mở ra những cơ hội hợp tác, giao lưu.
Trong nhiều năm, bầu Hiển đã âm thầm phụng sự mong muốn được chơi thể thao của nhiều người: ông đầu tư tiền bạc, thời gian và cả công sức để được nhìn thấy càng nhiều người tham gia thi đấu thể thao ở đủ mọi cấp độ càng tốt, với những giải đấu được tổ chức quy củ, bài bản, và “như chuyên nghiệp” – một lời khen tiêu chuẩn với các giải có dấu ấn tổ chức của bầu Hiển.

Bầu Hiển từng tài trợ cho 600 cổ động viên và người nhà cầu thủ sang Thái Lan dự trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 (Ảnh: BTC).
Ai sẽ thúc đẩy thể thao ở những khía cạnh phi vụ lợi của nó như thế, nếu sứ mệnh của một tổ chức chỉ là mưu cầu lợi nhuận? Đấy là một câu hỏi không dễ trả lời, với bất kỳ người đứng đầu doanh nghiệp yêu thể thao nào. Bầu Hiển thì đã trả lời xong câu hỏi lớn này từ lâu, dù không ai ràng buộc ông cả: đóng góp cho xã hội chính là thoả mãn trách nhiệm xã hội ở tầng cao nhất, trong tháp trách nhiệm của Archie Carroll.
Mong muốn tự nguyện này phản ánh tâm và tầm cỡ của doanh nghiệp, cũng như người đứng đầu nó. Khi trái bóng được lăn một cách đàng hoàng ở những sân chơi kiểu này, chúng ta hiểu rằng thể thao chuyên nghiệp lại có thêm một cơ hội, dù nhỏ thôi, để trưởng thành thêm một chút.