Bộ Văn hoá sẽ có nhiều biện pháp để quản lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Bộ Văn hoá sẽ có nhiều biện pháp để quản lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

bởi

trong

Sáng 9/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và UBND TPHCM tổ chức Lễ phát động cuộc thi Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam năm 2025.

Cuộc thi được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia nhằm tôn vinh ý tưởng quảng cáo hiệu quả về truyền thông, lan tỏa giá trị tích cực.

Bộ Văn hoá sẽ có nhiều biện pháp để quản lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Ban tổ chức “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam” (Ảnh: Nam Nguyễn).

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi – khẳng định, trong kỷ nguyên số hóa và hội nhập toàn cầu, quảng cáo – truyền thông không còn chỉ là một nghề mà đang trở thành nghệ thuật kể chuyện.

Việc chấp nhận sản phẩm có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo (AI) trong Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam 2025 không chỉ phản ánh sự thích ứng linh hoạt của ngành quảng cáo trước làn sóng công nghệ, mà còn khẳng định tinh thần cởi mở, đổi mới trong tư duy nghệ thuật và quản lý sáng tạo.

“Từ năm 2023 đến năm 2024, giải thưởng đã thu hút hơn 2.200 tác phẩm, cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng sáng tạo. Dù sử dụng AI hay không, mỗi chiến dịch đều phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp, chiều sâu văn hóa và đóng góp tích cực cho xã hội.

Đây cũng là cách giải thưởng hiện thực hóa mục tiêu đề ra ngay từ đầu: “Nói không với quảng cáo sai sự thật, thượng tôn pháp luật” và hướng tới chuẩn mực quốc tế”, ông Trường Sơn chia sẻ.

Tại sự kiện, bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) – nhấn mạnh, dù công nghệ AI và các xu hướng sáng tạo quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ nhưng ngành quảng cáo cần có những giới hạn nhất định để đảm bảo tính chân thực và phù hợp của các sản phẩm.

“Việc không có những giới hạn cụ thể trong quảng cáo có thể dẫn đến việc lạm dụng công nghệ, đặc biệt là khi sáng tạo sản phẩm quảng cáo không đúng với tính năng và công dụng của sản phẩm”, bà Hương cho biết. 

Bà Hương chia sẻ thêm: “Chúng tôi luôn chú trọng việc kiểm chứng kỹ lưỡng các sản phẩm tham gia cuộc thi. Trong 2 mùa giải qua, chúng tôi tự hào rằng không có sản phẩm nào vi phạm quy định hoặc gây lùm xùm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo chất lượng của các sản phẩm quảng cáo được tham gia”.

Bà Thu Hương cho biết, việc quảng cáo hàng giả, kém chất lượng và thổi phồng chất lượng trở thành vấn đề nhức nhối, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội thời gian qua.

Khi Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6 năm nay và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2026, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch triển khai nhiều biện pháp quản lý quảng cáo, bao gồm: Việc kiểm soát các KOL (người có tầm ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng chủ chốt, ảnh hưởng tới thị trường) nhằm đảm bảo tính chính xác và uy tín trong công tác quảng bá sản phẩm.

Năm nay, cơ cấu Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam 2025, gồm: 1 giải quảng cáo xuất sắc nhất trị giá 30 triệu đồng cùng cúp và giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, còn có các giải nhất, nhì, ba cho các loại hình quảng cáo truyền hình, ngoài trời và trên báo điện tử, mạng xã hội.

Ban tổ chức cũng sẽ khen tặng các tổ chức, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong ngành quảng cáo và cuộc thi, đặc biệt là các ý tưởng sáng tạo, quảng cáo sự kiện tiêu biểu và các nhân tố triển vọng như sinh viên.

Ban Giám khảo của cuộc thi bao gồm các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, đảm bảo tính chuyên nghiệp và sáng tạo trong việc lựa chọn và đánh giá các sản phẩm dự thi.

Cuộc thi sẽ tiếp nhận sản phẩm tham gia từ tháng 9 đến tháng 11 năm nay.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 12 tại TPHCM kết hợp với chuỗi sự kiện triển lãm nghệ thuật, trình diễn ánh sáng và mapping 3D (công nghệ 3D kết hợp với công nghệ làm phim) tại các tuyến phố trung tâm như Nguyễn Huệ và Lê Lợi.