Ngày 9/7, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã họp phiên toàn thể lần thứ nhất. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, cho biết phiên họp chính thức cho ý kiến công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 15/3/2026.
Đây là một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, nhằm lựa chọn những đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND khóa mới, theo Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, chủ trì phiên họp thứ nhất (Ảnh: Media Quốc hội).
Tại phiên họp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã thảo luận, cho ý kiến vào tờ trình về việc ban hành Nghị quyết phân công thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Quy chế làm việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia; Nghị quyết thành lập các Tiểu ban của Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Bên cạnh đó còn có các tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị quyết về bộ máy giúp việc Hội đồng Bầu cử quốc gia; dự kiến chương trình các phiên họp Hội đồng Bầu cử quốc gia; dự kiến phân công các cơ quan xây dựng và ban hành các văn bản phục vụ công tác bầu cử.
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc các dự thảo trên.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là phiên họp đầu tiên để định hướng toàn diện, xuyên suốt cho quá trình chỉ đạo công tác tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mọi hoạt động của Hội đồng đều phải hướng đến sự bảo đảm tuyệt đối các nguyên tắc dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch và tuân thủ pháp luật trong công tác bầu cử.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, vật lực, kinh phí và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan. Công tác bầu cử có phạm vi cả nước, khối lượng công việc rất lớn, thời gian ngắn, do đó phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải thiết lập cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Hội đồng Bầu cử quốc gia với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp.

Các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia biểu quyết thông qua về nguyên tắc các dự thảo nghị quyết trình tại phiên họp (Media Quốc hội).
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội đối với công tác bầu cử một cách thực chất, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý công tác nhân sự phải thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, khách quan, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ đại diện hợp lý. Công tác nhân sự khi được tiến hành chặt chẽ, khách quan sẽ góp phần vào thành công cuộc bầu cử.
Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác bầu cử, quan tâm đến chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để bảo đảm sự thông suốt từ Trung ương đến 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước, theo Chủ tịch Quốc hội.