Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu mới

Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu mới

bởi

trong
Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu mới

Mới đây, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 12 quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có chế độ hưu trí. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.

Theo đó, trợ cấp hưu trí được quy định tại mục 3, Điều 64, Chương V về bảo hiểm xã hội bắt buộc của Luật bảo hiểm xã hội. Đáng chú ý, lao động khu vực công có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1 năm nay thì hưởng hưu trí dựa trên mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bằng toàn bộ thời gian đóng, thay vì 5-20 năm như các nhóm tham gia trước đó.

Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được quy định cụ thể như sau:

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995, mức bình quân bằng tổng số tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu, chia cho 60.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000, mức bình quân bằng tổng số tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm (72 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu, chia cho 72.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006, mức bình quân bằng tổng số tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm (96 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu, chia cho 96.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015, mức bình quân bằng tổng số tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm (120 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu, chia cho 120.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019, mức bình quân bằng tổng số tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm (180 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu, chia cho 180.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024, mức bình quân bằng tổng số tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm (240 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu, chia cho 240.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025, mức bình quân bằng tổng số tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn thời gian đóng chia cho tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với lao động khu vực tư nhân, mức bình quân bằng tổng số tiền lương làm căn cứ đóng chia cho tổng số tháng tham gia bảo hiểm xã hội.

Đối với người lao động vừa có thời gian hưởng lương tại khu vực công, vừa có lúc tham gia bảo hiểm xã hội khu vực tư nhân, mức bình quân được tính bằng tổng số tiền lương đóng ở cả hai khu vực chia cho tổng số tháng tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2024, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thuộc nhóm hành chính, sự nghiệp, đảng đoàn thể là 6,936 triệu đồng, của người lao động thuộc khối doanh nghiệp, hợp tác xã là 6,382 triệu đồng. Chênh lệch tiền lương đóng giữa hai nhóm đối tượng trên khoảng 9%.

Tính hết năm 2023, mức lương hưu bình quân của nhóm khi nghỉ hưu hưởng chế độ tiền lương của nhà nước là 6,1 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, người hưởng lương hưu từ Quỹ bảo hiểm xã hội có mức bình quân là 5,6 triệu đồng/người/tháng.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 đã thay đổi quy định về điều kiện hưởng lương hưu so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Theo đó, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu và đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe trong suốt quá trình hưởng lương hưu.

Quy định này được áp dụng đối với cả những người đã tham gia bảo hiểm xã hội từ trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực.