
Cháu gái học gần hết lớp một vẫn chưa thành thạo đánh vần những vần khó, tôi dạy cháu học đến lớp 2 cháu đã là học sinh xuất sắc.
Đọc bài: “”, tôi thấy đây là một vấn đề có thể giúp ích nhiều người, có tác động thay đổi quan điểm giáo dục, thay đổi cuộc đời của nhiều đứa trẻ nên xin chia sẻ câu chuyện của cháu gái mình, hy vọng sẽ giúp ích cho mọi người. Cháu gái tôi học gần hết lớp một vẫn chưa thành thạo đánh vần với những vần khó, hoặc khó khăn trong việc nhận mặt chữ cái khi chúng viết hoa, viết cách điệu. Cháu khó làm toán, mỗi lần làm lại phải xòe tay ra tính, để nhanh hoàn thành bài tập, tránh việc mẹ quát mắng vì sử dụng phương pháp bấm máy tính trên chiếc điện thoại cục gạch mẹ giao cho chị cháu. Lúc tôi phát hiện ra việc này là do cháu chủ động mượn điện thoại của tôi, với mục đích tương tự (thực ra cháu không nói mượn làm gì nhưng tôi tò mò đi theo mới biết nó bấm để tính khi điện thoại cục gạch kia hết pin). Năng lực học tập của cháu lúc đó chỉ được đánh giá là trung bình; bài tập làm Toán, tiếng Việt không bao giờ theo kịp tốc độ trên lớp, thường chậm hơn tốc độ giảng dạy của cô giáo từ hai đến ba buổi.
Về quan điểm giáo dục của bản thân, tôi cho rằng sự khác biệt lớn nhất giữa người với người trong vấn đề tiếp thu, hay khả năng học tập chính là trí tưởng tượng, vốn từ vựng. Về từ vựng: do có một thời gian em gái ở bên ngoại khi các cháu tôi còn nhỏ (sinh và ở cữ bên nội, nhưng tám tháng tuổi các cháu tôi hay được ra bên ngoại ở để tiện em đi làm) nên tôi có thời gian tiếp xúc, giáo dục các cháu từ nhỏ. Đứa đầu tiên được tôi giáo dục tới tận 5 tuổi mới về quê nội học lớp một, đứa thứ hai này được tôi giáo dục chỉ đến năm 3 tuổi sau đó về nội. Tôi sử dụng các phương pháp flash card để dạy cho cháu phân biệt và gọi tên các sự vật, hiện tượng… (tuy có hướng dẫn học đọc, đánh vần trên flash card nhưng tôi cho rằng điều đó là không cần thiết, nên chỉ dạy chúng gọi tên).
Tiếp đến tôi sử dụng phương pháp dạy hát cho các cháu, vừa tập nói được một thời gian là sẽ học hát ngay, rất nhiều bài thiếu nhi chúng đều thuộc, có kha khá bài bằng tiếng Anh. Tiếp đến là phương pháp học qua chỉ thị, huấn luyện và mệnh lệnh. Tôi thường đưa ra các mệnh lệnh làm việc đơn giản như lấy đồ vật tôi cần, hay bắt chúng thực hiện các yêu cầu để chúng có thể hiểu được các từ vựng, mệnh lệnh, ý muốn của người khác. Ngoài ra tôi cho các cháu tôi xem các chương trình vui chơi thực hiện mệnh lệnh, nhiệm vụ… thường là giữa con cái với ba mẹ, người huấn luyện… Sau đó là một loạt các bộ phim hoạt hình có tính phưu lưu, khám phá… đặc biệt nhấn mạnh nội dung phong phú để có thể tiếp thu, học hỏi một lượng từ vựng khổng lồ. Sau đó là những bộ phim khoa học thiếu nhi.
Về trí tưởng tượng: Tôi dạy vẽ cho cách cháu của tôi, để khuyến khích chúng tưởng tượng, cắt xé giấy, gấp đồ bằng giấy, xếp logo, đặc biệt là xếp logo và vẽ. Dù vẽ không đẹp nhưng tôi luôn khuyến khích chúng vẽ những gì chúng muốn, hoặc theo chỉ thị của tôi. Tôi cũng vẽ dù khá xấu, nhưng cái quan trọng là bức tranh thể hiện được trí tưởng tượng của chúng. Tiếp đến là nghe kể chuyện từ tivi, một loạt các câu chuyện thiếu nhi… qua các kênh kể chuyện bằng hình ảnh; nhiều tới mức hai chị em chúng còn thay nhau đóng các vai trong câu chuyện để kể. Cháu lớn tôi không ngại đóng cả những nhân vật ác, phản diện như mụ phù thủy, thậm chí điệu cười của nó khiến tôi và cháu gái thứ hai cũng đôi lúc phải sợ hãi. Cháu gái thứ hai thích các nhân vật chính, làm người tốt hơn.
Cháu gái thứ nhất của tôi học tập rất tốt, nên không có gì phàn nàn nhiều ngoài việc sau này học phép toán nhân chia nó không thuộc bảng cửu chương và không hiểu phép toán nhân, chia bản chất là phép cộng dồn và trừ… Tôi từng chia sẻ việc cháu lớp 4 vẫn là học sinh xuất sắc nhưng lại không biết nhân chia. Sau đó tôi đã mất một chút thời gian để giúp cháu có thể hiểu được bản chất của phép toán nhân và chia. Vấn đề của cháu gái thứ hai là do tiêu cực từ mẹ nó do khả năng tiếp thu hơi chậm, lại bị sức ép thời gian phải làm sớm để đi ngủ đúng giờ nên nó sài máy tính trên điện thoại, vì thế nhanh chóng đuối ở việc học toán và tập đọc. Mẹ nó hay thể hiện cảm xúc xấu hổ khi đi họp phụ huynh, hay so sánh nó không bằng chị nó… Thậm chí nó muốn bỏ học dù mới học lớp một, muốn ở nhà vì lên lớp cô ép học không vui, về nhà mẹ ép nó lại càng không vui. Nó muốn ở nhà chơi với bác vì cảm thấy ở với bác an toàn và vui hơn.
Từ khi nhận ra vấn đề, tôi đã chỉnh lại tư tưởng, kỷ luật cho cháu, giúp nó lấy lại thái độ học tập đúng đắn vui vẻ, bằng cách nào ư? Tôi cho rằng việc đi học vui hơn ở nhà vì đi học có bạn bè, được đi chơi cùng bạn bè trong khi ở nhà buồn thiu, không ai chơi cùng. Tôi cũng nói rằng bác bận việc hơn nữa sau này bác già, bác ra đi… rồi chỉ còn cháu ở nhà một mình trong khi bạn bè đi khắp muôn nơi. Tôi muốn cháu tôi đi học để được đi chơi, đi khắp nơi cùng bạn bè đồng trang lứa. Tiếp đến là tôi chỉ ra các điểm bất lợi của người không đi học so với người đi học cho cháu rõ. Tôi cho rằng việc không đi học giống như người mù không thể biết đường mà đi, sau này sẽ phải phụ thuộc người khác dẫn đi, mà nếu người ta có tâm ý xấu xa sẽ dẫn nó tới kết cục không có lợi, thậm chí thất bại. Tôi nhấn mạnh việc nó có thể bị thao túng bởi người xấu, bị người xấu dẫn đi ví dụ như chị nó. Nó ghét việc bị chị nó điều khiển vì ấn tượng tự nhỏ với chị nó khi đóng vai xấu trong các câu truyện cổ tích. Đó cũng là động lực khiến nó có sở thích và ý thức học tập trở lại.
Do có trí tưởng tượng tốt từ nhỏ nên việc hình dung một tương lai xấu hay tốt đẹp không phải vấn đề khó khăn với nó, nó có thể hiểu được các cảnh báo của tôi. Tôi cũng nói rằng thế giới rất nhiều người xấu, hoàn toàn có thể điều khiển những người không biết chữ, nên nó muốn học để không bị người xấu thao túng. Đương nhiên tôi phải can thiệp vào việc học và giáo dục lại cho cháu tôi, bắt đầu bằng việc giúp nó nhận ra các mặt chữ viết hoa, cách điệu, tập đánh vần những vần khó. Thậm chí cháu tôi hay sai chính tả các âm c/k/qu, g/gh/ ng/ngh… Do từng nghiên cứu các quy luật chính tả trong tiếng Việt nên tôi dạy cháu khá nhanh. Tôi khuyến khích cháu viết nhiều hơn… vì viết là một cách thể hiện, nâng cao việc sử dụng từ vựng, trí tưởng tượng. Có nhiều cái mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới nên tôi tham khảo video từ Youtube, Chat GPT… để dạy cháu.
Về toán, tôi quan sát cháu làm bài tập, sai gì thì tôi sẽ bổ sung, giảng dạy lại những gì chúng thiếu. Tôi dạy cháu tập tính toán lại mà không cần bấm máy tính, dạy cách nhớ vì nó có thói quen mỗi khi tính là phải xòe tay nên chỉ cần nhớ, khi nào quên thì xòe tay; chú ý tới những nhóm dinh dưỡng cho não bộ, khả năng ghi nhớ, thậm chí cả việc thay đổi góc học tập của nó. Vì nó được xếp ngồi chung với chị, nên khi học và làm thì nó hay có thói quen phân tâm do nhìn chị nó làm bài, hay phải nhờ chị nó. Tôi chia ra thành hai bàn học riêng để tăng tính độc lập, chủ động, thành thói quen của nó. Hết lớp một cháu tôi trở thành học sinh tiên tiến, lớp hai trở đi đã là học sinh xuất sắc như chị nó. Dù vậy tôi vẫn nhấn mạnh cho mẹ của chúng (em gái tôi) phải giữ vững tinh thần khuyến khích học tập cho trẻ em, không khoe thành tích của con cái.
Tôi cho rằng đời người giống sóng trên đồ thị, sẽ có lúc thăng, lúc trầm… nếu lúc thăng, nửa chu kỳ đi lên… mà khoe khoang, hay kiêu ngạo, rồi khi đi xuống sẽ trở thành trò cười, đả kích cho thiên hạ. Rất nhiều thiên tài, thần đồng được tung hô lên báo chí khi có những thành tích bước đầu, sau đó khi gặp các biến cố lại bị người khác vào cô lập, thậm chí mỉa mai, không thể tiếp tục hòa nhập cùng xã hội. Tôi hiểu quy tắc miệng lưỡi thế gian là như nào, nếu bạn dành cả tuổi trẻ để chứng minh mình hơn người, thì cả tuổi già về sau thiên hạ sẽ chứng minh bạn không bằng họ. Mọi bài viết chia sẻ của tôi luôn che giấu các thông tin không cần thiết. Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài của tôi.
Bình An